Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi ghi vội lại những kỷ niệm, những điều mình đã chứng kiến và từng tham gia 45-50 năm trước đây làm “món quà” nhỏ tặng anh chị em, với niềm tin vững chắc, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, người thầy thuốc Việt Nam nhất định cũng sẽ vượt qua...
Do sự xếp đặt ngẫu nhiên của số phận, tôi có duyên được phục vụ trong ngành Y tế kháng chiến 5 năm, từ 1970 đến 1975, một nửa thời gian làm nhân viên ở Ban Dân y cấp huyện, một nửa thời gian là y tá đại đội quân địa phương. Thời đó chưa chính thức có Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhưng không vì thế mà chúng tôi kém phần tự hào về cái nghề mà Bác Hồ lúc sinh thời thường dạy rằng “Lương y phải như từ mẫu”.
Thời mà bác sĩ trên Ban Dân y tỉnh còn hiếm thì cấp huyện có 1 y sĩ đã là quý hoá lắm rồi! Vì lý do gì đó mà y sĩ vắng mặt cả tuần lễ, nửa tháng (đi về trên họp hội, tập huấn hoặc bệnh nằm viện) thì một y tá thâm niên cũng có thể điều hành trạm xá huyện một cách “bình thường”, nghĩa là hằng ngày vẫn khám và điều trị cho cả chục thương bệnh binh và bệnh nhân là cán bộ kháng chiến, nhân dân trong vùng giải phóng.
Lương bổng bao nhiêu hả? Kháng chiến mà lương bổng gì! Tháng nào kinh tài cấp đủ tiền để mua thuốc men điều trị và tiền ăn cho bệnh nhân là hạnh phúc lắm. Nguồn thuốc khối XHCN chi viện trên rót xuống cũng tuỳ tình hình mà khi có khi không. Nhìn chung, luôn gặp khó khăn thiếu thốn, một phần vì địch phong toả kinh tế giữa hai vùng và thường xuyên dùng phi pháo, biệt kích quấy phá hoặc tung quân ra càn quét, đánh phá ác liệt vùng căn cứ ta.
Thiếu nước cất để pha penicillin, streptomycin hả? Thì kéo nước giếng lên lắng lọc cho kỹ rồi chưng cất ít nhất hai lần. Nồi ống để chưng cất thì nhờ bên quân khí họ gò từ những mảnh nhôm bom xăng. Thiếu gạc, băng thì sử dụng lại băng, gạc cũ (giặt xà bông cho kỹ, rồi nấu sôi thật lâu để... tiệt trùng, xong đem phơi khô). Thiếu dịch truyền thì... tự bào chế dịch truyền theo hướng dẫn của Dược tỉnh, có điều không dám truyền vào mạch mà truyền vào cơ bắp đùi.
Thiếu thuốc bổ thì đi đào củ sâm rừng, củ hà thủ ô về nấu thành cao, xay bột đậu nành làm “tá dược vừa đủ”, trộn lại, dùng bì đạn làm khuôn dập thành viên thuốc bổ cấp cho trạm xá và bộ đội. Các bài thuốc dân gian do mấy anh bộ đội tuổi sồn sồn nằm viện bày cho nhiều khi lại hiệu nghiệm tức thời với các bệnh cảm, cúm, ho thông thường, đau bụng, tiêu chảy, kiết, sốt rét...
Nhân viên y tế, không phải lúc nào cũng áo blouse trắng, cổ đeo tai nghe, tay cầm đơn thuốc, nhiệt kế, ống chích, kim tiêm... mà có thể trở thành dân công hoả tuyến bất cứ lúc nào mặt trận cần lực lượng tải thương binh, tử sĩ. Ðể có cơm ăn, phải đi lãnh gạo rất xa (tải về bằng đôi chân đi bộ, mang trên hai vai và lưng).
Thiếu đói thì tự đi tìm cái ăn: hái lượm nấm, măng, củ, lá... rau rừng (mùa nào thức nấy) cải thiện bữa ăn quanh năm; làm sa, đặt lờ, lọp mùa mưa lũ, tát bàu, tát suối, tát hố bom, lỗ pháo; mùa khô bắt cá ếch cải thiện bữa ăn cho đơn vị và bồi dưỡng sức khoẻ thương bệnh binh. Giặc càn dài ngày, nhiều khi thiếu gạo, cán bộ nhân viên tự giác bảo nhau bớt khẩu phần, chấp nhận ăn độn với rau rừng, dành gạo nấu cơm, cháo phục vụ người bệnh và thương binh.
Nhân viên trạm xá thì “tịnh vi lương y, động vi chiến sĩ”, cũng cầm súng để bảo vệ thương bệnh binh và bảo vệ chính mình, vì thế không tránh khỏi mất mát một phần thân thể hoặc hy sinh như bao người chiến sĩ dũng cảm ngoài mặt trận.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, trúng lúc dịch bệnh viêm phổi do virus Corona chủng mới (Covid-19) đang diễn biến phức tạp nhiều nơi trên thế giới, cán bộ nhân viên ngành y tế nước ta tạm gác lại niềm vui riêng, đứng vững nơi tuyến đầu phòng, chống dịch, quyết tâm ngăn chặn bệnh nguy hiểm lây lan.
Tôi ghi vội lại những kỷ niệm, những điều mình đã chứng kiến và từng tham gia 45-50 năm trước đây làm “món quà” nhỏ tặng anh chị em, với niềm tin vững chắc, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, người thầy thuốc Việt Nam nhất định cũng sẽ vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng, Chính phủ và Nhân dân tin tưởng giao phó.
THIÊN HẠ