PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Món quà từ đất
Chủ nhật: 08:29 ngày 05/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà tôi nằm dọc con mương đào dẫn nước từ sông Vàm Cỏ Đông vào tưới tiêu cho cánh đồng lúa mênh mông thuộc xã An Thạnh, huyện Bến Cầu.

Không biết con mương có tự bao giờ. Khi tôi bắt đầu cắp sách đến trường, được các anh chị tập bơi bì bõm rồi biết lội từ bờ này sang bờ bên kia khoảng 5 mét. Nghe ba và những người lớn tuổi nói con mương này có từ lâu đời, trước kia bề ngang chỉ khoảng 3 mét. Qua thời gian do nạo vét, be bờ cho thông thoáng và do dòng chảy của nước nên bề ngang con mương càng rộng ra thêm. Ba anh chị em tôi lớn dần theo con nước lớn ròng. Cũng tại nơi này, không chỉ chị em tôi mà các bạn cùng trang lứa ở những hộ gần bên cũng được nuôi dưỡng bằng những món quà từ đất.

Ngày xưa, ngoài vụ lúa lúc nông nhàn, mẹ tôi thường đi hái rau, bắt ốc, ba thì lưới cá phần để ăn, phần đem ra chợ bán. Khi lớn lên một chút (khoảng 9 - 10 tuổi), anh chị em tôi biết phụ mẹ làm những công việc này. Thế nên các loại rau quả mà mẹ tôi thường gọi là món quà từ đất, chúng tôi biết rất rõ.

Rau mương là loại thân thảo, mọc thẳng có nhiều nhánh. Lá màu xanh, thuôn dài, đầu lá nhọn. Hoa màu vàng mọc ở nách lá thành từng cụm có từ 1 đến 8 bông. Cây thường mọc và phát triển nơi ẩm ướt, có nhiều nước như bờ sông, bờ mương, hồ nước. Rau này mọi người ít dùng để ăn sống hoặc luộc mà dùng làm bài thuốc dân gian để trị bệnh viêm họng, viêm amidan, tiêu chảy, mụn nhọt... rất hiệu quả.

Rau trai còn gọi là thài lài trắng, thân thảo, có nhiều nhánh nhỏ, hoa màu tím. Thường mọc ở bờ ruộng, bờ mương. Đây là loại rau rất được nhiều người ưa chuộng bởi chỉ cần luộc và chấm nước mắm kho tiêu là đủ. Mỗi buổi sáng, trước khi bắc nồi cơm lên bếp, tôi cùng mẹ đi vòng ra mương là có ngay một rổ rau đầy ắp phục vụ cho hai bữa ăn sáng, chiều. Ngoài ra, rau trai còn dùng làm thuốc chữa cảm cúm, viêm họng, thanh nhiệt cơ thể rất tốt.

Rau bợ nhìn giống cây me đất, nhưng phiến lá có 4 thuỳ, cuống dài vượt lên khỏi mặt nước. Phần thân, rễ thường nằm sâu trong bùn. Rau bợ có mặt thường xuyên ở nơi có nước cạn, đất ẩm như ruộng lúa, vũng lầy, mé mương. Bà con ở đây thường dùng để ăn sống, xào, luộc hoặc nấu canh. Rau bợ còn là bài thuốc quý trị lợi tiểu, sáng mắt, sỏi tiết niệu, thanh nhiệt cơ thể, suy nhược thần kinh, viêm lợi, tắc tia sữa...

Rau chốc là loại rau ít khi thiếu trong các mâm cơm của bà con nông dân, nhất là vào mùa mưa. Rau chốc mọc dưới nước, có thân hơi tròn, dài khoảng 10cm. Trên những cánh đồng mấp mé nước, rau mọc lên xanh tốt. Chỉ cần nhổ lên bỏ vào đầy thúng, ngồi cạnh bờ mương lặt bỏ rễ, lá úa... lấy thân rửa sạch bùn. Về nhà rửa lại bằng nước giếng là có rau sạch để ăn. Rau chốc thường dùng ăn sống, luộc, làm gỏi. Đặc biệt là chấm mắm kho. Rau chốc mọc nhiều và phát triển nhanh nên bà con tranh thủ nhổ thật nhiều để bán tăng thu nhập, lo chuyện học hành cho con cháu.

Rau gừa hay rau dừa nước trước đây có người dùng làm rau ăn hằng ngày. Có khi làm thức ăn cho heo, nhất là heo nái vì nó cho nhiều sữa. Rau gừa thuộc giống thân thảo, to lắm chỉ bằng đầu đũa, mọc bò trên mặt nước giống như cây rau nhút. Thân có nhiều đốt, mỗi mấu đốt có nhiều rễ con. Mỗi đoạn thân nhỏ lại có các phao trắng mềm và xốp bao quanh.

Lá hình quả trứng nhưng nhỏ hơn. Càng về gần cuống lá càng hẹp, dài khoảng 4-5 cm. Hoa màu trắng mọc đơn theo kẽ lá, cuống dài khoảng 1cm. Rau gừa mọc quanh năm, toàn thân được dùng làm thuốc. Rau có tính hàn, vị hơi ngọt. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, lợi tiểu, ho khan, mề đay, mẩn ngứa...

Rau hẹ nước là loài rong không chỉ mọc ở ruộng nước mà còn mọc ở kênh mương, đầm nước, vũng nước phèn. Là loài rau dân dã tự nhiên mọc nhiều vào mùa nước nổi. Lúc nhỏ tôi thường hay thắc mắc: hẹ nước không có hoa, không có trái, không có hạt. Mùa nắng khô hạn, đất nẻ chân chim, hẹ biến mất.

Vậy mà khi mưa xuống, không cần gieo cũng tự mọc lên xanh tốt. Ruộng nước càng sâu lá hẹ càng dài, màu lá xanh nhạt, bề rộng lá khoảng một phân. Ruộng  nước ít, lá hẹ ngắn, màu sậm hơn, lá dày, bề rộng nhỏ hơn. Hẹ nước dùng ăn sống chấm mắm kho, mắm đậu (đậu sống đâm nhuyễn rồi kho với nước mắm, bột ngọt; nhà có điều kiện thì thêm thịt gà hoặc thịt ba rọi mới đúng điệu).

Rau móp còn gọi là móp gai, là loài cây mọc hoang ở vùng đất ẩm ướt, bờ ao, ven suối hay trong môi trường bán ngập nước. Người ta thường hái lá và đọt mướp non để chế biến các món ăn như luộc, bóp gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, ngon nhất là muối chua. Rau móp muối chua trộn với tỏi ớt giã nhuyễn, thêm chút đường, bột ngọt chấm mắm nêm là món khoái khẩu của nhiều người. Rau móp cũng có thể xào tỏi, xào thịt bò rất ngon. Đây là đặc sản của miền Đông Nam bộ. Mẹ tôi thường hay muối chua rau móp để mang ra chợ bán, làm quà cho bà con ở xa.

Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp. Mọi người được khuyến cáo hạn chế đi ra ngoài, tránh tụ tập nơi đông người như chợ, hàng quán... Gia đình tôi và bà con quanh vùng cũng không bị ảnh hưởng lắm. Bởi rau quả, món không thể thiếu trong bữa ăn thì đã có sẵn dọc bờ mương, lại là rau sạch. Cá sẵn dưới ao, gà thì nhà nào cũng có nuôi ít nhiều, lúa gạo sẵn có... Chỉ mong rằng dịch chóng qua để cuộc sống của bà con được bình yên, phát triển nhiều hơn.

NGUYÊN HẠ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục