Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hôm 25.6, cùng với 887 ngàn thí sinh trong cả nước, hơn 8.700 thí sinh Tây Ninh dự thi hai môn đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là Ngữ văn và Toán.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại hội đồng coi thi Trường THPT Tây Ninh.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo
Trước ngày thi, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, tất cả các khâu liên quan đến kỳ thi đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Theo phân công của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Tây Ninh tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì với sự phối hợp của Trường đại học Văn Lang TP. Hồ Chí Minh, Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai.
Các công tác chuẩn bị cho kỳ thi đều hoàn tất, bao gồm việc ôn tập cho thí sinh, tổ chức cho các em làm bài thi theo đề minh hoạ, đề tham khảo do Bộ GD&ĐT biên soạn nhằm giúp các em làm quen với dạng thức đề, đồng thời tự đánh giá năng lực bản thân. Các điều kiện cơ sở vật chất, việc thành lập hội đồng thi, các ban của hội đồng thi cũng được thành lập theo đúng quy định. Việc phối hợp với các ban, ngành trong địa phương cũng được UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi của tỉnh chỉ đạo sát sao nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Trong tổng số 8.747 thí sinh đăng ký dự thi, có 611 thí sinh chỉ dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, 274 thí sinh chỉ thi tuyển sinh, phần lớn thí sinh còn lại dự thi với hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. |
16 điểm thi được bố trí tại trung tâm các huyện, thành phố trong tỉnh, do cự ly di chuyển đến các điểm thi không quá 8km, hầu hết các thí sinh không có nhu cầu ở trọ. Tuy nhiên, tại các điểm thi đã có phương án bố trí khu vực nghỉ trưa giúp thí sinh có thể nghỉ ngơi và ổn định trong ngày, Ban Chỉ đạo thi của tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm điều phối phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của thí sinh trước, trong và sau khi kết thúc kỳ thi.
Tại các phòng chấm thi, phòng chứa bài thi, hệ thống camera giám sát 24/24 giờ. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thí sinh tự do, thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên sẽ dự thi cùng phòng thi với thí sinh đang học thuộc hệ giáo dục trung học phổ thông.
Số lượng cán bộ, nhân viên điều động phục vụ công tác coi thi là 1.106 cán bộ, nhân viên, trong đó Tây Ninh là 526 người, số còn lại đến các đơn vị phối hợp. UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi của tỉnh đã cho chủ trương bố trí phương tiện đưa rước cho cán bộ, giảng viên của Trường đại học Văn Lang TP. Hồ Chí Minh, Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước và Trường đại học công nghệ Đồng Nai đến Tây Ninh làm nhiệm vụ.
Số liệu tổng hợp cho thấy, toàn tỉnh có 8.747 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 719 thí sinh đăng ký dự thi ở hai bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, ngoài 3 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ.
Trường THPT Hoàng Văn Thụ (huyện Châu Thành) có 346/405 thí sinh của khối 12 đăng ký dự thi cả hai bài thi.
Không để kẻ hở
Rút kinh nghiệm từ những kỳ thi trước, nhất là kỳ thi năm 2018, để phòng ngừa, hạn chế tiêu cực, kỳ thi năm 2019, Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều quy định mới. Có thể tóm gọn như dưới đây:
1 - Thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên thi chung với thí sinh lớp 12. Những kỳ thi trước, thí sinh tự do (trong đó có lính nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang) và thí sinh hệ giáo dục thường xuyên thi riêng.
2 - Bảo quản đề thi, bài thi nghiêm ngặt: Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong tủ riêng biệt, có khoá và niêm phong. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, có ít nhất một công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và một cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng thường trực đêm tại phòng.
3 - Trường đại học địa phương không tổ chức thi tại địa phương mình: Bộ GD-ĐT điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến các hội đồng thi tỉnh/thành phố để phối hợp tổ chức thi. Trường đại học, cao đẳng địa phương không còn được tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình như trước đây.
4 - Các trường đại học chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm: Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Các sở GD-ĐT địa phương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính, hệ thống máy tính, máy quét ảnh… Phòng chấm thi có camera giám sát 24/24 giờ.
5 - Bài thi trắc nghiệm được làm phách để tăng tính bảo mật. Những năm trước, bài thi trắc nghiệm không làm phách nên người chấm dễ dàng nhận ra bài thi đó là của thí sinh nào. Kỳ thi năm nay, sau khi quét, bài thi trắc nghiệm sẽ được mã hoá, không còn nhìn thấy gì trên bài.
6- Thí sinh có bằng trung cấp nghề được cộng điểm ưu tiên. Chế độ khuyến khích này được dùng cho những thí sinh đã có bằng trung cấp nghề nhưng chưa tốt nghiệp THPT, tức đi học nghề sau khi học xong lớp 9 hoặc lớp 12 (nhưng chưa tốt nghiệp).
7- Thay đổi công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT, theo tinh thần này, điểm trung bình của năm lớp 12 tham gia vào xét kết quả tốt nghiệp chỉ còn 30%, những năm trước 50%.
8 - Thu hồi giấy chứng nhận kết quả thi trước phúc khảo: thí sinh có điểm thi thay đổi sau khi phúc khảo thì được cấp giấy chứng nhận kết quả thi mới. Giấy chứng nhận kết quả thi trước phúc khảo được thu hồi và tiêu huỷ.
9- Bộ GD-ĐT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi, trong đó đặc biệt chú trọng phòng chống việc dùng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
Đối chiếu với những giải pháp do Bộ GD-ĐT đưa ra trong kỳ thi năm nay, dễ dàng nhận thấy, kỳ thi THPT quốc gia ở các năm trước bộc lộ rất nhiều sơ hở.
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 thay cho kỳ thi “ba chung” gồm chung đề, chung đợt, chung kết quả đã cả chục năm trước đó. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra khi vụ gian lận điểm thi nghiêm trọng của kỳ thi năm 2018 tại một số địa phương vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ. Xã hội đang mong chờ kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh.
VIỆT ĐÔNG