Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20-10-2024
0-10-2024
Ghi chép tản mạn
Mong manh quán lá
Thứ sáu: 19:38 ngày 25/08/2017

(BTN) - Ðã lâu không đi một quán lá lều tranh tuềnh toàng nào nữa. Một thời chưa xa mà đã như trôi tuột về quá khứ xa xôi. Mà thành phố mình đã bỏ tên thị xã cũng lâu rồi. Ðô thị hoá ầm ào.

Ðường bê tông nhựa mịn êm. Nhà cửa xây mới phần lớn kiểu chung cư hay biệt thự. Ðâu đó vẫn còn loe hoe mái lá nhưng là mái làm kiểng để chơi; để khoe vài giống dây leo là lạ trùm lên, lưa thưa thả vòi như rèm cửa. Hoặc là xếp đặt vài viên đá núi có dáng hình ngồ ngộ. Có khi có thêm dòng nước róc rách len qua ngay dưới chân người.

Ấy, cũng có vài nơi quán xá hoành tráng mà vẫn xài mái lá. Như cà phê Ban Mê ngoài khu phố 1, phường 3. Nhưng đấy cũng là những mái cao rộng thênh thang, lợp lá dừa nước nguyên tàu nên đã mất đi cái vẻ đơn sơ quán lá những ngày nào.

Về các vùng quê ư? Các phong trào tôn hoá, cứng hoá, xây dựng nông thôn mới… đã xoá đi nhiều mái lá, tranh tre tạm bợ trên các ngôi nhà ở. Hỏi tìm đâu ra những mái lá ngày xưa?

Vậy mà vẫn còn những mái lá xập xè đấy thôi, trên các trục đường. Từ quốc lộ 22B, hay tỉnh lộ 782- 784… mà nhất là các con đường liên xã, ấp. Ði qua, thế nào ta cũng còn gặp những quán nước mía ven đường, với lưa thưa tranh lá. Nói nước mía thôi, vì cà phê thì nhiều quán cũng đã được hiện đại hoá.

Quán nước mía quê ta, gia chủ cơi nới một phần hè, sân trước lợp nên một mái tranh đủ che cho cái máy ép và đủ kê vài bộ bàn ghế nhựa nữa là xong. Thế nào cũng có ở chung quanh một vài bụi cây sanh, rủ rỉ lá cành, hoặc vài bụi tầm vông giăng sẵn vài chiếc võng.

Thế là ta đã có thể ngả lưng, gọi một ly nước mía. Dễ chìm vào giấc ngủ lắm, khi ta lơ mơ ngước lên mái tranh loáng thoáng vài giọt nắng. Yên tâm, xe đã có người coi. Bừng tỉnh ra, có khi ly đá đã tan hết cả.

Mà cũng chẳng phải kể đâu xa, ở ngay gần thành phố Tây Ninh vẫn còn những không gian quán lá khiến ta bình yên thanh thản lạ. Như quán bò tơ Năm Sánh cũ ở kề bên quốc lộ 22. Nhiều người Tây Ninh chắc đã biết quán này.

Vì Tây Ninh cũng chẳng nhiều nhặn gì các món đặc sản đã thành thương hiệu. Từ khi Năm Sánh mở thêm khu bên trong sang trọng, tưởng như quán lá bên ngoài đã thưa vắng khách ăn. Nên cũng có mấy lần liên hoan, tiếp khách phải vào trong ấy. Nhà cao, sân bãi, cảnh quan đều đẹp hơn hết thảy.

Lắm anh chị tới đây phải rút iPhone ra để chụp hình. Vậy mà một bữa kia, tình cờ lại bước vào quán lá. Vẫn thấy một không gian quen thuộc ngày xưa. Ngước lên, màu tranh đã ám màu của khói. Nhìn ra, vẫn mấy bụi cây sanh buông rủ lá cành.

Và ô kìa, lại thấy cái bếp lò bằng đất nung, to đùng đang nghi ngút từng cuộn khói xanh. Trên những cục than hồng, là thịt nướng xèo xèo bốc khói. Quả nhiên quán có ít khách hơn, không ầm ào chộn rộn như quán mới bên trong. Nhưng lại cho ta một cảm giác thân quen, như vừa trở lại mái bếp lửa rơm của mẹ ta thời thơ ấu.

Ô hay! Quán lá. Bàn ghế thấp khiến ta tha hồ xoạc cẳng, duỗi chân. Người phục vụ cũng nhiệt tình hơn, như tự thuở nào đã quen, đã biết. Có chuyện gì thế này không biết? Khách hàng cũng tự tin hơn khi gọi món, trả tiền. Hay là do mái lá đã thân quen từ nhiều đời, nhiều kiếp. Nên ta không thấy ngại ngần như lúc bước vào nơi cửa rộng nhà cao.

Chỉ mong manh mái lá vậy thôi! Mà đã cả ngàn năm trôi qua đời sống của các thế hệ người dân đất nước. Cách nay độ trăm năm, mái lá vẫn còn phổ biến. Gạch, ngói bê tông là ở các đền đài, cung điện, nhà quan hoặc số rất ít nhà giàu. Thảo nào mà từ trong tiềm thức của đa số người hôm nay, vẫn cứ thấy thân thương mái lá.

Vắt tay lên trán nghĩ xem. Có anh (chị) xưa cũng nhà nghèo, mái tranh lá thì cứ nằm là ngủ pho pho đến sáng. Vậy mà nay, cửa rộng nhà cao, tiện nghi không thiếu món gì lại thắc thỏm ngủ không yên, sợ từng tiếng muỗi.

NGUYỄN

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin liên quan