Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Hiện tại, tôi chỉ hy vọng có tiền để xây căn nhà cho hoàn chỉnh, tươm tất che nắng, che mưa trong mùa mưa sắp tới. Chứ căn chòi dột nát quá rồi. Nhiều hôm mưa lớn, hai cha con phải căng bạt che chắn ngủ tạm, nhà ngập thì qua nhà người thân ở tạm, chờ nước rút rồi về”- anh Tâm tâm sự.
Đại diện Đội cứu nạn giao thông đến thăm hỏi và tặng quà gia đình anh Tâm.
Hằng ngày, khoảng 5 giờ 30, cha con anh Võ Văn Tâm (51 tuổi) và Võ Văn Luân (14 tuổi, ngụ hẻm 36, đường CMT8, phường 3, TP. Tây Ninh) thức dậy, ăn vội chén cơm nguội, rồi chở nhau trên chiếc xe mô tô ba bánh cũ kỹ rong ruổi khắp các con đường trên địa bàn Thành phố để bán vé số mưu sinh.
Chúng tôi đến thăm anh Tâm vào buổi trưa nóng bức khi cha con anh vừa tạt về nhà ăn bữa trưa. Gọi là nhà nhưng thật ra đấy là căn chòi được che bằng những tấm ván gỗ, tấm tôn cũ kỹ, đủ kê một chiếc giường ngủ, một tấm ván để kê bếp nấu.
Anh Tâm cho biết, trước đây, Luân tự đi xe đạp bán vé số. Chiếc xe do bà con chòm xóm thương tình quyên góp mua cho. Cách đây 2 tháng, trong khi đi bán, Luân bị một thanh niên chạy xe va quẹt, rất may chỉ bị xây xát nhẹ. Nhưng chiếc xe đạp bị hư hỏng nặng, anh vẫn chưa có tiền sửa xe cho con. Vì vậy, anh đành chở con cùng đi bán, số lượng vé bán cũng giảm một nửa. Dạo này buổi trưa hai cha con về nhà khá trễ.
Sau khi dọn dẹp sơ qua nhà cửa, anh Tâm cho biết thêm hoàn cảnh gia đình. Anh bị liệt chân phải do di chứng của cơn sốt bại liệt từ thuở nhỏ. Lớn lên, anh lập gia đình và sinh được hai đứa con. Vợ chồng anh Tâm, người làm phụ hồ, người làm thuê, mướn cũng đủ trang trải cuộc sống.
Năm 2005, anh Tâm bị tai nạn trong khi làm phụ hồ. Anh bị sụp hố, bị tảng bê tông đè lên chân gây thương tật, anh phải nhập viện điều trị gần nửa năm. Sau khi hồi phục, chân của anh di chuyển càng khó khăn, phải có nạng chống mới đi lại được. Mất sức lao động cộng với tiền nợ viện phí, gia đình anh đã nghèo càng thêm túng quẫn. Ðể có tiền trang trải cuộc sống, trả nợ, anh gắng gượng đi bán vé số san sẻ với vợ phần nào gánh nặng gia đình.
Tuy nhiên, do thu nhập bấp bênh, anh lại tật nguyền không thể làm nhiều việc nặng nhọc, mọi lo toan gia đình đè lên đôi vai vợ của anh. Năm 2014, do không chịu nỗi cảnh sống khổ cực cùng người chồng tật nguyền, vợ anh đã dẫn cô con gái lớn bỏ đi, để lại cho anh chăm sóc nuôi dưỡng đứa con trai nhỏ.
Luân năm nay đã 14 tuổi nhưng dáng người đen nhẻm, nhỏ thó nhìn như mới lên 10. Luân đã có gần 4 năm theo ba bán vé số mưu sinh. Ban đầu, Luân chỉ theo ba bán vào buổi chiều, tối. Dần dần, thấy ba quá vất vả, Luân xin ba cho em nghỉ học ở nhà lãnh vé số bán riêng, kiếm thêm tiền cho ba uống thuốc.
Những ngày đầu tự đi bán, Luân bán khá chậm, chỉ khoảng 50 vé. Nhưng bây giờ, em bán còn giỏi hơn cả ba. Nhiều lúc, thấy em còn nhỏ nên kẻ gian lừa tráo, giật vé số của em. Từ lúc bán đến nay, Luân đã ba lần bị người ta giật vé. “Mỗi lần bị giật vé là xem như cả tháng hai cha con ăn mì cho qua bữa, vì tôi phải đi vay mượn tiền lấy vé cho con bán rồi góp tiền hằng ngày để trả”- anh Tâm cho biết.
Vất vả cả ngày, hai cha con cũng chỉ bán gần 200 vé, lời khoảng 200 ngàn đồng. Trừ tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền thuốc thang thì cũng chỉ đủ sống qua ngày. “Cuộc sống tuy vất vả nhưng hai cha con tôi cứ thế nương tựa nhau mà sống, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, như vậy là đủ rồi” - anh Tâm lạc quan chia sẻ.
Khi được hỏi về mong muốn hiện tại của mình, anh Tâm chỉ tay về phía căn nhà đang xây dở, chưa được lợp tôn ở đằng sau căn chòi. Anh Tâm cho biết, căn nhà này anh xây từ tiền dành dụm bán vé số hơn 10 năm qua và tiền quyên góp của bà con, người thân. Do không đủ tiền để xây tiếp, anh đành để vậy, đợi đến khi có tiền thì xây tiếp.
“Hiện tại, tôi chỉ hy vọng có tiền để xây căn nhà cho hoàn chỉnh, tươm tất che nắng, che mưa trong mùa mưa sắp tới. Chứ căn chòi dột nát quá rồi. Nhiều hôm mưa lớn, hai cha con phải căng bạt che chắn ngủ tạm, nhà ngập thì qua nhà người thân ở tạm, chờ nước rút rồi về”- anh Tâm tâm sự.
Còn Luân, khi được hỏi về ước mơ của mình, em chia sẻ: “Con chỉ mong được đi học lại. Tốt nghiệp cấp 2 rồi con sẽ học một cái nghề để có thể kiếm tiền, ổn định cuộc sống, để ba không còn vất vả nữa”.
Ngọc Bích