BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mong muốn nông dân cùng làm giàu

Cập nhật ngày: 01/11/2010 - 10:30

Nhà máy chế biến cá của ông Sáu đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm con em nông dân ở địa phương. Mức lương tối thiểu hiện nay của công nhân là 2 triệu đồng/tháng. Những công nhân lành nghề, làm giỏi đạt tới 7-8 triệu đồng/tháng.

Trại cá của ông nông dân Sáu Đảo (Trần Quang Đảo) ở ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, được bà con nông dân biết đến từ lâu. Từ trại cá cho đến nay đã thành Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Miền Đông, tâm nguyện của ông Sáu Đảo vẫn là muốn bà con nông dân cùng làm giàu.

Từ một sĩ quan cấp tá QĐNDVN, ông Sáu Đảo xin nghỉ chế độ về làm kinh tế. “Nghiệp cá” vận vào ông từ năm 1995 lúc còn ở miền Tây, năm 2000, ông “mở rộng địa bàn” lên tới Củ Chi (thành phố HCM), rồi năm 2007, tới khu đồng hoang Bùng Binh (Trảng Bàng). Vất vả dọn cây, đào ao, lấp đất chống lầy, tới nay ông Sáu Đảo có 15 mẫu đất với 11 ao nuôi cá. Mỗi vụ cá chu kỳ 6-7 tháng, mỗi ao cho thu hoạch 200 tấn cá tra, trọng lượng trung bình 1kg/con. Với mức giá bán trung bình 15.000đ/kg, mỗi ao thu nhập khoảng 3 tỷ đồng.

Sự thành công trong nghề nuôi cá tra đã nhanh chóng đưa ông nông dân 60 tuổi trở thành tỷ phú. Thấy việc vận chuyển cá từ Trảng Bàng về Cần Thơ vừa tốn kém, vừa khó bảo quản, ông Sáu mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá đông lạnh ngay tại trang trại của mình. Với diện tích nhà máy gần 2 ha và 13 ha ao hồ, ông Sáu tính toán sẽ “mua tận ngọn, bán tận gốc”, nâng cao lợi nhuận.

Một góc dây chuyền sản xuất của nhà máy chế biến cá

Với dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật, chi phí hơn 50 tỷ đồng, nhà máy chế biến cá đông lạnh của ông Sáu Đảo đảm bảo tiêu chuẩn thực phẩm xuất khẩu. Đại diện các công ty nước ngoài ở Braxin, châu Âu sau khi đến tham quan nhà máy đã công nhận điều đó. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thuận cho biết: nhà máy chế biến cá của ông Sáu đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm con em nông dân ở địa phương. Trong số 380 công nhân hiện có trong nhà máy, ngoài 100 công nhân cũ của công ty mẹ từ miền Tây lên làm nòng cốt, số còn lại là người Tây Ninh. Mức lương tối thiểu hiện nay của công nhân là 2 triệu đồng/tháng. Những công nhân lành nghề, làm giỏi đạt tới 7-8 triệu đồng/ tháng.

Lúc chúng tôi ghé thăm nhà máy khoảng 11 giờ, các dây chuyền sản xuất vẫn hoạt động. Các công nhân cho biết: do làm khoán nên họ rất ham làm. Chỉ nghỉ ăn trưa một giờ đồng hồ, xong lại tiếp tục, để đến 15 - 16 giờ hằng ngày sẽ nghỉ.

Được sự đồng ý của ông Sáu, chúng tôi vào nhà máy tham quan. Trước khi vào, phòng kỹ thuật yêu cầu mỗi người phải mặc áo, đeo khẩu trang, đội mũ, đeo ủng đã tiệt trùng, lội qua một bể dung dịch khử trùng lần nữa, xong mới được bước vào khu vực sản xuất. Dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín từ khâu nhận cá đến khi đóng gói thành phẩm cho vào kho lạnh. Cá từ ao trong trại vừa bắt lên, tươi nguyên và đều nặng từ 1kg trở lên. Công nhân của 4 công đoạn đều mặc đồng phục bảo hộ 4 màu riêng để dễ quản lý. Mỗi mẻ cá đưa vào dây chuyền cho ra khoảng 3 tấn thành phẩm (cá ướp lạnh đóng hộp, mỗi hộp 10kg). Từ đây, hàng nằm trong kho chờ xe tải chở về kho lớn ở Cần Thơ, đóng vào hộp lớn lần nữa rồi xuất đi nước ngoài.

Ông Sáu Đảo, vẻ mặt trầm tư, nói với khách rằng, nhà máy của ông đang đói hàng. Nếu chạy hết công suất, sẽ tiêu thụ 50 tấn cá tra mỗi ngày và cần đến 600 công nhân sản xuất. Ba trại cá của ông ở Bùng Binh, Củ Chi và Lộc Ninh mỗi vụ chỉ cung cấp được 5.000 tấn cá, đáp ứng 1/3 so với công suất nhà máy. Nhà máy mới khởi động hơn 2 tháng nay mà đã ngốn gần hết số cá trong trại. Nếu đánh bắt liên tục, cá tiêu chuẩn ở các ao sẽ hết. Lúc đó phải tìm nguồn từ Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang về. Để tạo nguồn cá tại chỗ, từ đầu năm nay, ông Sáu Đảo đã đề nghị với các ngành, đoàn thể chức năng tổ chức hội thảo về nuôi cá tra tại nhà, tận dụng ao đìa và diện tích mặt nước trống để phát triển ngành cá. Công ty của ông Sáu sẵn sàng hỗ trợ nông dân con giống và thức ăn, đồng thời bao tiêu luôn sản phẩm. Với giá thu mua 16.500đ/kg cá tươi hiện nay, so với chi phí thì thu nhập của người nông dân khá cao. Ông Tư Khang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bàng có hứa là sẽ vận động bà con nông dân mở rộng mô hình này, Hội sẽ hỗ trợ vốn và chuyển giao kỹ thuật nuôi cá cho nông dân cùng với sự hỗ trợ của Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Miền Đông. Tất nhiên muốn làm được điều đó, chính quyền địa phương và Hội Nông dân cần hướng dẫn bà con thành lập các câu lạc bộ hoặc hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản để có tư cách pháp nhân. Bản thân ông Sáu cũng rất muốn chính quyền các cấp hỗ trợ công ty về mặt pháp lý để ông có thể yên tâm đầu tư vốn cho nông dân.

Với quan điểm cả nhà kinh doanh và người sản xuất đều có lợi, ông Sáu Đảo tâm sự: “Tôi mong muốn bà con nông dân cùng làm giàu”. Việc xây dựng nhà máy chế biến cá đông lạnh ở Trảng Bàng đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho nông dân tại địa phương này.

Phương Quý