Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðến thăm vùng quê An Thới vào thời điểm này, vấn đề được nhiều người dân ở đây nhắc tới là chuyện cầu, đường. Nhiều năm qua, đường Miễu Bà - Rạch Môn nhỏ hẹp. Trên đường Cầu Mương - Miễu Bà thì những chiếc cầu đã xuống cấp. Người dân rất mong chính quyền địa phương sớm thi công nâng cấp, mở rộng những chiếc cầu và đoạn đường này, để xứng tầm với xã văn hoá, xã nông thôn mới.
Cầu tạm trên đường Miễu Bà- Rạch Môn, không có lan can nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ðường Miễu Bà - Rạch Môn là con đường giao thông nông thôn, thuộc tổ 5, ấp An Thới, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng. Ông Nguyễn Phát Triển, ngụ tổ 5 cho biết, đoạn đường chỉ dài gần 1km, nhưng gây nhiều khó khăn cho người dân địa phương. Ðường nhỏ hẹp, trũng thấp, vào mùa mưa, nước ngập, sình lầy, rất khó đi lại. Khoảng 5 năm nay, người dân tự hùn tiền mua đất đổ lên cho cao ráo và mua đá dăm về đổ lên để đỡ trơn trượt. Thế nhưng, con đường vẫn còn nhỏ hẹp và vẫn bị ngập khi mùa nước lũ tràn về.
Hằng năm, vào mùa lũ, nước vẫn ngập đường từ 1,5 - 2 tháng, người dân làm ăn sinh sống hai bên đường này phải dùng xuồng, ghe làm phương tiện đi lại và đưa, rước con em đi học. Trên tuyến đường này có 3 chiếc cầu tạm, do người dân địa phương tự thi công. Mặc dù các cầu đều được làm bằng bê tông xi măng, nhưng nhỏ hẹp, hai bên mố cầu lát bằng vỉ sắt và không có lan can nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. “Vừa rồi, vợ chồng thằng Tý chạy qua cầu bị trượt té xuống mương, rất may là dưới mương không có cọc cây, nếu không chắc chết rồi”, một người dân kể.
Ông Triển kể tiếp, tới mùa thu hoạch lúa, con đường này khiến bà con bức xúc hơn. Thu hoạch lúa xong, nếu gặp thương lái thu mua lúa và vận chuyển bằng đường sông Vàm Cỏ Ðông thì còn đỡ công vận chuyển. Bà con nông dân chỉ cần cho lúa vào bao, chất lên xe gắn máy rồi chở ra bờ sông, giao cho thương lái. Nếu gặp thương lái thu mua lúa rồi vận chuyển bằng đường bộ thì việc vận chuyển lúa giao cho thương lái là cả một quá trình gian nan.
Nông dân phải chất bao lúa lên xe hai bánh, rồi chở ra tới đầu đường nhựa, với khoảng cách hơn 3km. “Mỗi hộ, khi thu hoạch xong, có hàng trăm bao lúa, mỗi lần chỉ chở được 2 bao. Chở xong hết số lượng lúa này phải mất cả ngày trời và làm tăng giá thành lên cả chục ngàn đồng/bao”, ông Triển than thở.
Ðoạn đường này còn nối liền với hệ thống đê bao tiểu vùng của cánh đồng trong khu vực, nhưng không có hệ thống cống để ngăn nước, vì vậy, nhiều năm nay, hệ thống đê bao tiểu vùng không phát huy tác dụng. Ông Trần Văn Thậm- người dân địa phương, chỉ cho chúng tôi xem con mương dẫn nước vào cánh đồng bao la trước mặt, giải thích: “Những con mương này, đáng lẽ ra phải được lắp ống cống, để người dân điều tiết nước sông vô ra, tuỳ theo nhu cầu sinh trưởng của cây lúa, nhưng nhiều năm qua, ngang những con mương này chỉ bắc cầu, nên không có cách nào điều tiết nước”.
Người nông dân này kể tiếp, để khắc phục tình trạng này, năm 2018, ông cũng một số người dân địa phương hùn tiền mua mấy ống nhựa, đường kính lớn, đặt xuống những con mương này, để thay thế những chiếc cầu và để điều tiết nước vào ruộng, nhưng khi xin ý kiến UBND xã thì lãnh đạo xã bảo chờ làm đường rồi làm cống luôn một lượt. Sau đó, có cán bộ đến đo đạc mặt đường, mặt mương, nhưng đến nay lâu quá, chưa thấy triển khai thi công gì cả.
Ðấu nối với đường Miễu Bà - Rạch Môn là đường Cầu Mương- Miễu Bà. Con đường này dài khoảng 3km, chiều ngang rộng rãi, xe ô tô có thể lưu thông được, nhưng ngặt nỗi, những chiếc cầu trên đường này bị xuống cấp trầm trọng. Trên đường này có hai chiếc cầu bê tông xi măng, là cầu Bà Cả B và cầu Bà Cửu.
Hai bên đầu cầu Bà Cả B có cắm bảng báo với nội dung: “Chương trình Thanh niên xây dựng cầu nông thôn ÐBSCL. Chiều dài 25 mét. Chiều rộng 2,9 mét. Tải trọng 2,8 tấn”. Hai bên đầu cầu Bà Cửu cũng có bảng báo với nội dung tương tự, chỉ khác “Chiều dài 14 mét”. Không rõ hai chiếc cầu này được xây dựng vào năm nào nhưng hiện tại đều xuống cấp trầm trọng. Hầu hết phần lan can đã bị đổ. Có đoạn mất hẳn những thanh lan can bằng sắt.
Các trụ lan can bị lở lói, ngả nghiêng và trơ những khung sắt ra ngoài. Mặt cầu, có nơi bị bong tróc lớp bê tông xi măng, để lòi lớp vỉ sắt bên dưới. Một vài nơi trên mặt cầu có dấu hiệu giặm vá bằng cách đổ lên một lớp xi măng khác, nhưng xem ra, không kết dính với mặt cầu bao nhiêu. Một vài nơi, trụ cầu nứt nẻ, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập khi có xe tải trọng lớn lưu thông qua lại. Hai bên cầu, cây hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Ông Nguyễn Văn Mừng- Trưởng Ban Mặt trận ấp An Thới, cho hay, nhu cầu đi lại trên con đường này khá lớn. Những năm gần đây, hằng ngày, ngoài người dân địa phương, trên con đường này còn có khá đông công nhân ở 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng qua đò, rồi đi trên đoạn đường này để vào làm việc trong Khu công nghiệp Thành Thành Công, Khu công nghiệp Trảng Bàng. “Nếu hệ thống cầu, đường ở đây được nâng cấp, mở rộng thì hay biết mấy”, ông Mừng ao ước.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề đường Miễu Bà - Rạch Môn, ông Trần Công Danh- Phó Chủ tịch xã An Hoà, cho biết: “Ðoạn cuối của đường Miễu Bà - Rạch Môn do dân móc đất ruộng đắp lên thành đường nên chiều ngang nhỏ, nền hạ yếu. Hiện nay, vốn phân khai đã có rồi, nhưng thấp. Chính quyền địa phương đang bàn với người dân hai phương án: tiếp tục móc đất hai bên ruộng đắp lên để nâng cấp mở rộng đường, hoặc nạo bỏ toàn bộ mặt đường đất hiện hữu và thay vào bằng lớp đất đỏ, trải sỏi phún.
Cách làm thứ hai, tốn chi phí cao. Chúng tôi đã vận động người dân hiến đất mở rộng đường, nhưng bà con ở đây chưa đồng ý hỗ trợ đất. Nếu được sự đồng tình ủng hộ của người dân, thì có thể triển khai thi công vào cuối năm nay”.
Vấn đề cầu Bà Cả B và cầu Bà Cửu trên đường Cầu Mương - Miễu Bà, ông Danh cho hay, những chiếc cầu có tải trọng nhỏ, không đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân địa phương. Sắp tới, chính quyền sẽ thay thế những chiếc cầu này bằng cống hộp bê tông xi măng chịu lực cao hơn. Hiện tại, đã có vốn, dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ lắp đặt những cống hộp này cùng một lượt với việc làm đường Miễu Bà - Rạch Môn.
Ðại Dương