Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau hơn 3 năm không được điều chỉnh do phải tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch Covid-19, mức tăng lương cơ sở lần này được điều chỉnh tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% được đánh giá là hợp lý.
Mức lương thấp, lạm phát kinh tế ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống giáo viên (Trong ảnh: Một giờ dạy của giáo viên Trường tiểu học Thị trấn A Dương Minh Châu)
Thông tin về việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng lương hưu và một số trợ cấp, phụ cấp nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và mọi tầng lớp nhân dân ngay từ các phiên thảo luận của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.
Sau khi Quốc hội chính thức quyết nghị thông qua nội dung này trong phiên họp chiều 11.11, đông đảo cử tri, đặc biệt là công chức, viên chức bày tỏ sự vui mừng, đồng tình. Đồng thời, mong muốn Chính phủ, chính quyền địa phương có giải pháp hiệu quả chống lạm phát, bình ổn thị trường để niềm vui tăng lương được trọn vẹn.
Tăng lương cơ sở, lương hưu và một số trợ cấp, phụ cấp
Chiều 11.11, với 451/456 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết, tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Một trong những nội dung của nghị quyết là tăng lương cơ sở, lương hưu, một số trợ cấp, phụ cấp. Nghị quyết nêu rõ: chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII trong năm 2023.
Từ ngày 1.7.2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Từ ngày 1.1.2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30.12.2021 của Bộ Chính trị.
Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương.
Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chính sách tiền lương được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết. Bên cạnh đó, tập trung điều hành chính sách tài khoá phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới… bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách Nhà nước.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
Tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ.
Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart phường 3, thành phố Tây Ninh.
Lương tăng-vừa mừng, vừa lo
Thông tin về việc tăng lương cơ sở, tăng lương hưu và một số trợ cấp, phụ cấp ưu đãi nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri, mọi tầng lớp nhân dân ngay từ các phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV.
Ông Đinh Văn Phát, ngụ phường IV, thành phố Tây Ninh cho biết, qua theo dõi các phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, ông rất đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn đề cập vấn đề tại sao công chức, viên chức, đặc biệt là nhiều nhân viên y tế, giáo viên, kể cả cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước nghỉ việc thời gian qua.
Tình trạng này một phần là do tiền lương thấp, chế độ tiền lương chậm được cải thiện, áp lực công việc lớn. Sau hơn 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nhà nước chưa tăng lương cơ sở, cộng với lạm phát kinh tế toàn cầu khiến giá cả các mặt hàng đều tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân nói chung, đội ngũ công chức, viên chức nói riêng.
Ông Phát cho biết thêm: “Tôi rất đồng tình việc Quốc hội quyết nghị tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Sự quan tâm dành cho những người làm việc trong các cơ quan nhà nước thời điểm này là hết sức cần thiết, là động lực quan trọng để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm gắn bó với công việc”.
Đón nhận thông tin chính thức về việc tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1.7.2023, chị Trần Thị Thơ, công chức Tài chính - Kế toán UBND xã Tân Lập, huyện Tân Biên rất vui mừng.
Chị Thơ chia sẻ: “Quốc hội quyết nghị tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và tăng lương hưu, trợ cấp, phụ cấp ưu đãi thực sự rất hợp tình, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, lương tăng thì mừng nhưng cũng có chút lo lắng là giá cả các mặt hàng lại đua nhau tăng theo.
Mức lương cơ sở sắp tới sẽ tăng được 310.000 đồng/tháng so với thời điểm hiện tại, tuy nhiên, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như xăng, dầu, gas, hầu hết các mặt hàng nhu yếu phẩm đều đã tăng giá trong thời gian vừa qua, nếu còn tăng nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đa số người dân, trong đó có công chức, viên chức.
Rất mong Chính phủ có giải pháp kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường”. Suy nghĩ của chị Thơ cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều công chức, viên chức khi đón nhận tin mừng sắp được tăng lương.
Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương.
Sau hơn 3 năm không được điều chỉnh do phải tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch Covid-19, mức tăng lương cơ sở lần này được điều chỉnh tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% được đánh giá là hợp lý.
Cùng với đó, lương hưu, một số trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cũng được điều chỉnh tăng với mức phù hợp với điều kiện của đất nước. Tuy mức tăng có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người nhưng chính sách đã thể hiện sự nỗ lực, quan tâm, chăm lo đời sống người lao động, chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh cả nước vừa phải trải qua 3 năm tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và đang nỗ lực để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Vì sao không tăng lương cơ sở từ 1.1.2023?
Chiều 11.11, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1.1.2023.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nếu áp dụng tăng lương ở thời điểm này đúng vào dịp đầu năm gần tết dương lịch và âm lịch- thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hoá dịch vụ của người dân, doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tại Kết luận số 42-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo đề nghị của Ban cán sự Đảng Chính phủ và thời điểm áp dụng từ 1.7.2023. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu theo đúng tinh thần Kết luận số 42-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Tờ trình của Chính phủ.
Phương Thuý