Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vấn nạn lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông:
Mong sớm có giải pháp xử lý hiệu quả
Chủ nhật: 23:01 ngày 23/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cứ như đến hẹn lại lên, hằng năm, vào dịp trước và sau tết nguyên đán, lục bình lại phát triển dày đặc trên sông Vàm Cò Đông. Năm nay, “vấn nạn” lục bình lại ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ của người dân.

Lục bình dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn ngang cầu Bến Sỏi, huyện Châu Thành, gây khó khăn cho phương tiện giao thông đi lại trên sông (ảnh chụp tháng 2.2020).

Người dân kiến nghị giăng dây chặn lục bình

Mới đây, người dân ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành gởi đơn kiến nghị UBND huyện với nội dung: hiện nay đang vào mùa thu hoạch nhưng do lục bình trên sông quá nhiều nên người dân không thể vận chuyển lúa qua sông. Do đó, người dân yêu cầu các ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn và cho phép căng dây chặn lục bình để vận chuyển lúa qua sông được thuận lợi.

Theo chị Tư Thông, sống tại khu vực bến Trung Dân, xã Phước Vinh, năm nay mật độ lục bình quá dày, ghe, xuồng không thể di chuyển được. Để vận chuyển nông sản, người dân đành phải dùng cách căng dây ngang mặt sông để chặn lục bình. Thế nhưng việc căng dây này lại cản trở giao thông đường thuỷ.

Một người dân khác tại khu vực này cho rằng, mặc dù từ trước tết nguyên đán đến nay, đơn vị trục vớt thường xuyên thi công, nhưng lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông vẫn chưa giảm. Theo người dân này, vấn đề mấu chốt là, cơ quan chức năng cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao cứ trước và sau tết nguyên đán, lục bình lại sinh sôi nảy nở nhiều như vậy, để tìm ra giải pháp xử lý có hiệu quả hơn.

Đi tìm nguyên nhân

Trước kiến nghị của người dân, Sở Giao thông Vận tải đã khảo sát thực trạng lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Tại đoạn sông ở bến Bực Lở, ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, lục bình phủ kín. Anh Tân, người dân sống tại đây chỉ vào chiếc phà nhỏ vận chuyển hành khách và vật tư, nông sản qua sông cho biết, từ tết đến nay, mỗi ngày, phà chỉ hoạt động được vài chuyến vì lục bình quá dày.

Là người sống trên vùng sông nước, anh Tân cho rằng, tình trạng này là do chính quyền các địa phương chưa có giải pháp xử lý triệt để việc người dân đặt chà cá. Họ gom lục bình lại phủ bên trên chà cá, đến tháng 12 âm lịch, người dân bắt đầu đẩy lục bình ra sông, dỡ chà cá để thu hoạch. Dọc hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông có khá nhiều người làm chà cá, chỉ cần xử lý triệt để, sẽ giải quyết được một phần rất lớn vấn nạn lục bình.

Để chứng minh quan điểm của mình, anh Tân đưa chúng tôi đi lên đoạn sông tại ngã ba Vàm Trảng, thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Ở đoạn sông này dù chỉ cách bến Trung Dân, bến Bực Lở khoảng 3 - 4km nhưng không có tình trạng mặt sông bị lục bình phủ kín. Nước sông từ thượng nguồn đổ về cũng không có lục bình như phía dưới hạ lưu. Anh Tân cho biết thêm, năm 2016, chính quyền đã chỉ đạo mạnh tay xử lý tình trạng chà cá trên sông nên những năm tiếp theo lục bình trên sông dù có nhưng không dày đặc như hiện nay. Khoảng một, hai năm trở lại đây, người dân lại đặt chà cá, không ai kiểm soát, khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng như hiện nay.

Tăng cường tiến độ trục vớt lục bình

Theo đại điện Công ty Huỳnh Vương, đơn vị trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, trong những ngày tới, công ty sẽ tăng cường trục vớt tại những đoạn sông bị lục bình ken kít, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển nông sản. Đồng thời kết hợp với người dân địa phương có kinh nghiệm tìm giải pháp tối ưu để việc trục vớt lục bình hiệu quả hơn.

Đơn vị trục vớt lục bình khẩn trương trục vớt lục bình đoạn qua xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải- Phó Giám đốc Sở GTVT, trước tình trạng lục bình phát triển trên sông dày đặc, Sở đã làm việc vàyêu cầu đơn vị trục vớt tìm giải pháp xử lý hiệu quả. Qua khảo sát, lắng nghe kiến nghị của người dân, Sở sẽ cùng chính quyền địa phương tìm hướng tháo gỡ, đặc biệt là xử lý việc đặt chà cá dọc hai bên bờ sông…

Vấn đề đặt ra là, vấn nạn lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông xảy ra nhiều năm, nhiều giải pháp đã được ngành GTVT tỉnh đưa ra để bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ. Tuy nhiên, để xử lý có hiệu quả, không chỉ ngành GTVT mà cần sự chung tay của chính quyền địa phương và người dân.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh