Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đến với thơ hay
Một câu chuyện đầy thi vị
Thứ bảy: 23:29 ngày 02/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua sự quan sát của tác giả, hình ảnh hoa văn trên mai của con cua, giống với cái… nồi (?). Và cái nồi ấy qua tưởng tượng của trẻ em là “nồi xôi”, nhưng lạ, khác biệt phải là “Vừa đi vừa thổi”, rồi đẩy lên thêm sự cường điệu “Mùi xôi thơm lừng” thật là thú vị.

Một trong những người tâm huyết, sáng tác thơ cho lứa tuổi thiếu nhi hiện nay là nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú. Anh sinh năm 1959, tại làng biển Kim Ðôi - Hà Tĩnh, tốt nghiệp ngành kỹ sư xe máy Học viện Kỹ thuật quân sự và Trường viết văn Nguyễn Du khoá 5. Hiện anh là Tổng biên tập tạp chí Hồng Lĩnh thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Bài thơ “Cua càng thổi xôi” được in trong tập “Mùa chim” do NXB Văn học ấn hành năm 2013. Ðây là bài thơ hay và ngộ nghĩnh viết cho thiếu nhi. Với sự am hiểu và quan sát tinh tế về các sinh vật của sông, biển như: cua, ốc, tép, tôm, sam... cùng sự hóm hỉnh, hồn nhiên, những câu thơ trong bài đã gây cảm giác thích thú và tò mò cho người đọc.

Hãy nghe nhà thơ giới thiệu:“Cua càng đi hội/ Cõng nồi trên lưng/ Vừa đi vừa thổi/ Mùi xôi thơm lừng”. Với thể thơ 4 chữ, phù hợp với đồng dao cho trẻ em, Nguyễn Ngọc Phú đã nhân hoá hàng loạt các sinh vật sông, biển trong một ngày hội vui. Ở đó, chú cua càng được giới thiệu trước tiên.

Qua sự quan sát của tác giả, hình ảnh hoa văn trên mai của con cua, giống với cái… nồi (?). Và cái nồi ấy qua tưởng tượng của trẻ em là “nồi xôi”, nhưng lạ, khác biệt phải là “Vừa đi vừa thổi”, rồi đẩy lên thêm sự cường điệu “Mùi xôi thơm lừng” thật là thú vị.

Tiếp tục mạch quan sát và cái nhìn tinh tế về từng đặc điểm của các nhân vật tiếp theo: “Cái Tép đỏ mắt/ Cậu Ốc vặn mình/ Chú Tôm lật đật/ Bà Sam cồng kềnh”.

Tép đỏ mắt, ốc vặn mình, tôm lật đật và sam cồng kềnh thì không ai có thể... phủ nhận rồi! Nhưng đó là đặc điểm bên ngoài, còn tài năng của từng con thì sao? Nhà thơ hóm hỉnh viết: “Tép chuyên nhóm lửa/ Bà Sam dựng nhà/ Tôm đi chợ cá/ Cậu Ốc pha trà”.

Không chỉ là “hội” mà còn là cuộc thi tài... nấu nướng, này nhé: “Hai tay dụi mắt/ Tép chép miệng: Xong/ Chú Tôm về chậm/ Dắt tay bà Còng” và tiếp theo là: “Hong xôi vừa chín/ Nhà đổ mái bằng/ Trà pha thơm ngát/ Mời ông Dã Tràng”. Cuối cùng câu chuyện bằng thơ được kết thúc: “Dã Tràng móm mém/ Rụng hai chiếc răng/ Khen xôi nấu dẻo/ Có công Cua càng”.

Ông Dã Tràng, một sinh vật chuyên sống ở các bãi biển có lẽ vừa là trọng tài hoặc giám khảo đã công bố kết quả “Xôi nấu dẻo” trong đó có công của Cua càng, nhân vật xuất hiện từ đầu bài thơ.

Thơ viết cho thiếu nhi, dễ mà khó, bởi lẽ, có thể đơn giản về tứ, thi luật, song phải thú vị, phù hợp với tâm lý và cách quan sát, cách nhìn của trẻ.

Chính vì vậy, người làm thơ cho thiếu nhi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nguyễn Ngọc Phú là một trong số những người ít ỏi ấy. Với những bài thơ thú vị viết cho thiếu nhi của mình, tác phẩm của anh luôn được các bạn trẻ đón nhận và yêu thích...

NGUYỄN SÔNG TRÀ

Tin cùng chuyên mục