Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một câu phân trần, một “phong trào xin lỗi”…
Chủ nhật: 23:14 ngày 14/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mấy hôm trước, trong câu chuyện bên bàn cà phê, một ông bạn đọc hỏi thăm Bàn Dân:

-Tôi thấy trên mạng xã hội có bàn tán về chuyện nước Úc phát hành đồng tiền 2 đô-la Úc có hình “cờ vàng ba sọc đỏ” của chế độ Sài Gòn cũ, tôi chưa hiểu rõ chuyện ấy lắm, ông nhà báo có nắm được chuyện ấy không, nói cho tôi biết với?

-À, đó là chuyện hôm 4.5, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao, có một phóng viên đã đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc một số vật phẩm phát hành tại Úc có hình ảnh “cờ vàng”. Vị Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã trả lời: “Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh “cờ vàng”, cờ của một chế độ đã không còn tồn tại. Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Úc. Chúng tôi đã trao đổi với phía Úc về việc này”. Sau đó vài ngày thì Bàn Dân cũng có đọc được tin Đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc phân trần rằng “hồi tháng 4, Sở đúc tiền của Úc đã phát hành 85.000 đồng 2 đô la bằng vàng và bạc để đánh dấu kỷ niệm 50 năm quân đội Úc rút khỏi miền Nam Việt Nam”, còn “Chính phủ Úc không công nhận lá “cờ vàng” của Việt Nam cộng hoà vốn do Mỹ hậu thuẫn và là chế độ đã không còn tồn tại (theo ABC News của Úc).

-Vậy là hồi thời chiến tranh, quân đội Úc cũng có sang tham chiến ở miền Nam nước mình hả ông?

-Y vậy, cách nay gần 60 năm, sau khi đế quốc Mỹ trực tiếp đổ quân xâm lược miền Nam nước ta, chúng còn “kêu gọi” nhiều nước “đồng minh” cùng “tham gia chiến đấu” vì “sự uy hiếp xâm lược của chủ nghĩa cộng sản không chỉ tạo nên tình trạng nguy hiểm cho riêng Nam Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến việc bảo vệ an ninh các nước Đông Nam Á, thậm chí uy hiếp trực tiếp đến việc bảo đảm an ninh và hoà bình toàn thế giới tự do”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, đã có 5 nước cùng trực tiếp gửi quân đến Việt Nam. Thực chất, hoạt động quân sự gọi là “bảo vệ thế giới tự do, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản” ấy, chỉ là việc làm “lính đánh thuê cho Mỹ” để đổi lại những khoản viện trợ quân sự, kinh tế của Mỹ đổ vào các nước ấy.

-Phải rồi, ông nói tôi mới nhớ, khoảng giữa tháng 2 năm nay tôi có đọc được trên trang quochoitv.vn của kênh Truyền hình Quốc hội một bài có tựa đề là “Người Hàn Quốc và phong trào xin lỗi Việt Nam”. Theo đó một toà án Hàn Quốc đã ra phán quyết sơ thẩm yêu cầu chính phủ nước ấy phải bồi thường cho một nạn nhân Việt Nam bị lính thuỷ quân lục chiến Hàn Quốc tham chiến cùng lực lượng Mỹ ở Việt Nam bắn giết vào những năm 1970. Trước khi phán quyết này được đưa ra, nhiều người dân Hàn Quốc đã tham gia phong trào “Xin lỗi Việt Nam” nhằm xoa dịu những đau thương mất mát của gia đình các nạn nhân.

Nói thiệt với ông về việc các nước có lính đánh thuê cho Mỹ ở nước mình, lâu lâu báo chí có đưa như mấy vụ “Úc phân trần, Hàn xin lỗi” như vừa rồi tôi mới biết. Ông làm truyền thông chắc có nắm được cụ thể, vui lòng nói cho tôi biết với!

-Bàn Dân cũng như ông thôi, thời ấy mình còn học tiểu học biết gì nhiều đâu. Sau này có dịp tìm hiểu sách vở mới biết qua thôi. Ví dụ như là trong sách “Phán quyết - Các nước lớn đã can thiệp vào chiến tranh Việt Nam như thế nào?” của tác giả Nguyễn Văn Hưởng (Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an) thì có 5 nước là: Úc, lúc đầu (năm 1962) chỉ có mấy chục quân, nhưng năm cao điểm (1969) đã lên đến 7.672 binh lính. Hàn Quốc là nước đưa quân đến nước ta nhiều nhất với quân số lúc cao điểm (1968) lên tới 50.003 người. Đứng thứ hai sau Úc về quân số là Thái Lan, lúc đầu quân Thái cũng chỉ có 16 người, nhưng tới năm 1970 thì lên đến 11.560 người. Một nước Đông Nam Á khác là Philippines với khoảng 2.000 người (Philippines hoạt động chủ yếu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với nhiệm vụ công binh và dân sự vụ -BD). Gửi quân đến Việt Nam ít nhất là New Zealand (lúc ấy gọi là Tân Tây Lan) với 441 người. (Tuy ít quân nhưng lính New Zealand có “dàn nhạc Tân Tây Lan” nổi tiếng với màn “pháo bầy” bắn loạn xạ vào vùng giải phóng -BD). Các nước này lần lượt rút quân từ cuối năm 1972 đến đầu năm 1973.

-Kể cũng lạ hả ông! Hồi nào họ là lính “chư hầu” theo gót quân Mỹ đến đánh quân dân ta, mà nay tất cả họ đều có quan hệ ngoại giao hữu hảo, là đối tác làm ăn kinh tế sâu rộng với nước ta, đúng là thời đại hoà bình, nên “gác lại quá khứ” phải không ông?!

-Thật ra cũng không có gì lạ đâu ông ơi. Hồi xưa các nước “đồng minh” của Mỹ cũng đâu có giàu có gì. Họ buộc phải theo vì lệ thuộc quá nhiều vào nguồn viện trợ của Mỹ. Vì vậy, ngay sau khi Mỹ vừa phải ký kết Hiệp định Paris 1973, “Mỹ cút” mà “nguỵ chưa nhào” thì phần đông trong số họ đã lập tức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta ngay.

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh