BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một chiến sĩ Điện Biên còn gặp khó khăn

Cập nhật ngày: 10/05/2009 - 05:14

Trong những ngày qua, tôi có dịp đến thăm những người đã từng một thời “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” để làm nên một chiến thắng Điện Biên huyền thoại. Hầu hết những chiến sĩ Điện Biên mà tôi gặp đều có cuộc sống ổn định và có người còn vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, có một trường hợp cứ làm tôi ray rứt mãi. Bởi hiện tại cuộc sống của ông còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, trong khi hai vết thương của hai cuộc chiến vẫn hoành hành trong cơ thể, nhưng không được hưởng chế độ thương, bệnh binh nào cả. Người chiến sĩ Điện Biên ấy là ông Lê Thành Đạo, năm nay 78 tuổi, hiện ở khu phố 2, phường 1, thị xã Tây Ninh.

Khi chúng tôi đến, cũng là lúc ông Đạo vừa dắt hai con trâu ngoài đồng về tới

Mang tiếng ở Thị xã, nhưng căn nhà của ông Đạo nằm tuốt ngoài đồng. Để đến được nhà ông, chạy mướt mồ hôi, qua những đoạn đường bờ ngoằn ngoèo, và cuối cùng phải bỏ xe, xắn quần lội đi bộ. Đến nhà cũng là lúc ông Đạo vừa dắt trâu ngoài đồng về tới. Trông ông ốm yếu, gầy gò, nếu không được giới thiệu trước, chắc tôi khó có thể tin được đây lại là một người đã từng cầm súng xông pha giữa chiến trường Điện Biên đầy lửa đạn của 55 năm về trước. Bên chiếc bàn đơn sơ dưới bóng cây ngoài sân, ông Đạo trầm ngâm kể lại những năm tháng đã qua: Quê ở Phú Thọ, năm 1952, ông vào bộ đội, thuộc Sư đoàn 312. Năm 1954, ông trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên. Ông từng tham gia các trận đánh ở đồi E, A1. Trong trận đánh cuối cùng để giải phóng Điện Biên, đơn vị của ông được phân công đánh chặn đầu sân bay Mường Thanh, không cho địch tháo chạy về Lai Châu. Ông vạch mớ tóc bạc lưa thưa cho chúng tôi xem một vết thẹo khá dài trên đầu và kể tiếp: Trong trận đó, ông bị trúng một viên đạn từ trán xước lên đỉnh đầu. May mà chỉ bị thương phần xương sọ chứ không tổn thương đến não nên không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng vết thương khá nặng và thuộc vùng nguy hiểm nên ông được đưa về tuyến sau chữa trị. Sau một thời gian, thấy vết thương đã bình phục ông được trở lại chiến trường. Ông nhớ lại: “Khi tôi xin xuất viện, người y sĩ đang bận chữa vết thương cho thương binh khác nên ông chỉ “ừ” một tiếng là tôi quảy ba lô trở lại đơn vị mà không nghĩ đến việc lấy giấy chứng nhận thương tật. Vì vậy mà đến bây giờ tôi vẫn không được hưởng chế độ thương binh”.

Sau chiến thắng Điện Biên, ông được chuyển qua Sư đoàn 316, tiếp tục chiến đấu ở Thượng Lào. Sau đó, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ mới: vào miền Nam chiến đấu. Ông được tăng cường cho chiến trường Bình Long, Phước Long (tỉnh Bình Phước hiện nay). Năm 1971, ông được đưa sang chiến đấu ở tỉnh Kompong Chàm, Campuchia. Trong thời gian này, ông bị thương ở gót chân trái nên được đưa về nước chữa trị. Lần trị thương này, ông có giấy xác nhận tỷ lệ thương tật đàng hoàng. Nhưng số phận đen đũi vẫn không ngừng đeo bám theo ông. “Năm 1976, khi được xuất ngũ, tôi về lập gia đình và sinh sống ở xã Thành Long, huyện Châu Thành. Trong một tiệc nhậu tại gia đình, cha vợ thấy giấy chứng nhận thương tật của tôi liền cười bảo: “Bây giờ đất nước hoà bình thống nhất, mày cần giấy này để làm gì?”, rồi ông xé bỏ. Lúc đó tôi thấy mình khoẻ mạnh nên nghĩ cũng chẳng cần giấy tờ đó làm gì. Nhưng không ngờ, gần 30 năm nay, khi tuổi già sức yếu thì các vết thương trở lại hoành hành. Mỗi lần thời tiết thay đổi là đầu và gót chân tôi đau nhức không chịu nổi” - ông tâm sự. Những lúc lên cơn đau, tính nết ông trở nên cộc cằn, khó chịu. Cũng vì vậy mà vợ chồng ông đành phải chia tay nhau. Ông dự định tìm lại những y, bác sĩ trước đây đã điều trị vết thương để xin giấy xác nhận thương tật, nhưng không biết bây giờ những y, bác sĩ ấy đang sinh sống ở đâu, còn sống hay đã chết?

Ông Đạo (ngồi giữa) trước căn nhà đại đoàn kết do Bộ đội Công binh xây tặng vào năm 2004

Năm 1987, ông Đạo về Thị xã sinh sống và “đi bước nữa”. Vợ chồng ông mua được 0,4 ha đất ruộng, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì không có tiền đóng thuế. Vợ chồng ông phải mượn tiền quỹ của Hội CCB, Hội Phụ nữ phường 1 để mua phân tro rải lúa, mua trâu về nuôi. Hiện nay, vợ chồng ông còn đang thiếu nợ Hội CCB, Hội Phụ nữ của phường 6 triệu đồng. Tài sản có giá trị nhất đối với ông là ngôi nhà đại đoàn kết do đơn vị Bộ đội Công binh thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh xây tặng vào năm 2004. Hai người con trai của vợ chồng ông đều đã nghỉ học giữa chừng. Người con trai lớn năm nay 18 tuổi, mới vừa xin được vào làm tài xế lái xe xúc ở quận Gò Vấp (TP.HCM); người con trai út, 16 tuổi, ở nhà thất nghiệp. Dường như bao nhiêu chuyện xui rủi cứ thích đeo bám theo ông. Vụ lúa vừa qua, xuống giống chưa được bao lâu thì bị những cơn mưa trái mùa làm cho ngập nước, chết hết. Vợ chồng ông chắt chiu nuôi được một đàn gà, vịt, chưa kịp bán thì bị kẻ trộm lẻn vào bắt đi gần hết.

Nói về trường hợp của ông Đạo, ông Trịnh Minh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 1, Thị xã Tây Ninh cho biết: “Trong những năm qua chúng tôi đã cố gắng hết sức để giúp cho ông Đạo được hưởng chế độ thương binh, nhưng vì không có giấy chứng nhận tỷ lệ thương tật nên không được. Chúng tôi chỉ có thể giúp đỡ bằng cách ưu tiên phát quà cho ông vào những dịp lễ, tết và cho mượn tiền của Hội CCB phường 1. Nhưng vì quỹ của Hội cũng rất hạn chế nên thông thường chỉ cho mượn 100.000 – 200.000 đồng. Năm 2008, được mượn nhiều nhất là 600.000 đồng. Vừa qua, chúng tôi đang làm hồ sơ cho ông Đạo được hưởng chế độ những người trực tiếp tham gia kháng chiến theo Nghị định 142 của Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ của ông đã đủ và đã chuyển lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đang chờ kết luận cuối cùng của hội đồng xét duyệt của tỉnh”.

ĐẠI DƯƠNG