Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau bao lần lỡ hẹn, đã từng đến thăm rất nhiều ngôi chùa, hôm nay tôi mới thực sự được đến với chùa Bút Tháp - cái tên đã gợi bao suy cảm.
Cây cầu đá, một trong những biểu tượng của chùa Bút Tháp. |
Còn nhớ, khi là một cậu học trò miền núi, được đọc những câu thơ của Hoàng Cầm, tôi cứ bị ám ảnh bởi không gian văn hoá Kinh Bắc: “Trên núi Thiên Thai/ Trong chùa Bút Tháp/ Giữa huyện Lang Tài/ Gửi về may áo cho ai” - (Bên kia sông Đuống)
Về thăm chùa Bút Tháp, chúng tôi đi men theo con đường đê bên dòng sông Đuống, mùa này nước sông xanh và trầm ngâm như gợi bao chuyện cũ. Lan man nghĩ suy, rồi chúng tôi cũng đã đến thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Ngôi chùa vốn có tên chữ Hán là Ninh Phúc tự hay còn gọi là chùa Nhạn Tháp. Nhìn những mái đao, cột gỗ thâm nghiêm lặng lẽ dưới nắng chiều thu gợi bề dày của trầm tích văn hoá. Thành tâm cúi đầu bước qua bậu cửa, bước đôi chân trần, nhìn bức tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay do một nhà điêu khắc họ Trương tạc vào năm 1656. Bàn tay tài nghệ của người thợ xưa và lớp sơn phủ đã làm nên vẻ uy nghiêm ngỡ như đó là hình hài của Quan âm hiện diện giữa trần thế.
Tháp Báo Nghiêm. |
Lần đầu được bước chân lên cây cầu đá cổ ở phía sau thượng điện, cây cầu đã trở thành một trong những biểu tượng của ngôi chùa này và vùng văn hoá Kinh Bắc. Phía sau là vườn tháp uy nghi với ngọn tháp Báo Nghiêm như ngọn bút viết lên nền trời thu xanh, gợi bao liên tưởng về một mảnh đất văn hiến và tình người nồng hậu.
Trước đây, khi tìm hiểu các tài liệu, được biết đây là một trong những ngôi chùa có kiến trúc khá hoàn chỉnh còn bảo tồn. Nhưng đến khi được tận mắt chứng kiến, chúng tôi vẫn thực sự ngỡ ngàng và thích thú.
Mới hay, đất nước mình có những nhiều công trình kiến trúc mang giá trị văn hoá, tâm linh chứa đựng giá trị tinh thần và hồn vía của dân tộc Việt. Một chiều đến với chùa Bút Tháp dẫu chưa đủ để cảm nhận hết vẻ đẹp đó nhưng cũng đủ thấy lòng mình thanh thản và yêu hơn quê hương, đất nước Việt Nam.
Theo danviet