BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một chút liên tưởng để “ôn cố tri tân”

Cập nhật ngày: 26/03/2023 - 23:23

BTN - Chào bạn đọc thân mến, ông đọc cái gì mà cắm cúi, mải miết dữ vậy?!

- À, tôi đang xem mấy cái tin về đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư ấy mà. Mình già rồi, thị lực kém, tôi phải dán mắt sát màn hình xì-mạc-phôn mới nhìn rõ mặt chữ, nên không thấy ông đến… Xin lỗi nghen!

- Ừ, đúng là trong tuần qua tin ấy khá thu hút người đọc. Bàn Dân hỏi thật nhé, theo nhận định riêng của ông, sự việc doanh nghiệp Mỹ đến nước mình có gì đáng chú ý nhất?

- Việc này thì… tôi chú ý nhất là cái tổ chức đã lập thành đoàn đi, những người dẫn đầu đoàn đi, thành phần đoàn đi và thời điểm đoàn đi.

- Những chi tiết đó tin báo nào cũng có giới thiệu đầy đủ. Nào là tổ chức đoàn đi là Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ, trưởng đoàn là ông Chủ tịch Hội đồng- cũng là cựu dại sứ Mỹ tại Việt Nam, đoàn gồm 52 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ là các tập đoàn hàng không vũ trụ, công nghiệp quân sự, công nghệ… toàn những tên tuổi “thứ dữ”, tất cả đều được nêu rõ, nếu ông… không chú ý mới lạ chứ?

- Vâng, đúng là mọi thông tin đều rõ ràng, cho nên phải nói là tôi liên tưởng chứ không chỉ là chú ý!

- Ông nói rõ hơn đi?

- Nhân chuyện đoàn Mỹ đến, mà hai ông trưởng, phó đoàn đều nguyên là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tôi lại liên tưởng đến chuyện năm, bảy chục năm trước…

- Xin lỗi nghen, ông đúng là… “hoài cổ” thật, chuyện năm, bảy chục năm trước mà ông liên tưởng là chuyện gì nào?

- Không sao, ông bảo tôi “hoài cổ”, thậm chí ông có nói tôi “thủ cựu” cũng không sao cả. Tôi có cái tật “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” không bỏ được, ông chẳng cần “xin lỗi, xin phải” gì! Từ chuyện các tập đoàn kinh tế Mỹ do Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ dẫn đến nước ta năm nay, tôi lại nhớ đến chuyện gần 70 trước, ngay sau khi Hiệp định Genève ký kết tháng 7, thì tháng 8 năm 1954 Hoa Kỳ làm “đầu têu” thành lập “Minh ước liên phòng Đông Nam Á” gọi tắt là SEATO để làm cái chuyện na ná như “Minh ước liên phòng Bắc Đại Tây Dương” gọi tắt là NATO, nhằm “ngăn chặn làn sóng đỏ” có nghĩa là chủ nghĩa cộng sản phát triển rộng ra khu vực Đông Nam Á. Thế rồi sau khi đế quốc Mỹ thua trận, phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam thì cái SEATO nọ cũng giải thể cho “hậu thân” của nó sinh ra là tổ chức ASEAN, tức Hiệp hội Các nước Đông Nam Á hiện nay. Rồi từ cái tổ chức “chư hầu” được lập ra để a dua theo Mỹ xâm lược Việt Nam, đến khi hoà bình thì trở thành của tổ chức cộng đồng khu vực mà Việt Nam là thành viên tích cực có vai trò không kém quan trọng. Và bây giờ thì giữa ASEAN và Hoa Kỳ lại có một cầu nối để hợp tác phát triển là Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ, chính là tổ chức dẫn đầu các doanh nghiệp “đại bàng” của Mỹ mới vừa đi tìm nơi “làm tổ” tại Việt Nam mình đấy!

- Thế còn chuyện 50 năm trước là chuyện gì mà ông cũng liên tưởng nhân chuyến đi của đoàn Mỹ mới đây?

- Còn chuyện của 50 trước, thì không phải “chuyện Mỹ đến” mà là “chuyện Mỹ đi”.

- Cụ thể là chuyện gì?

- 50 năm trước, ngày 27.1.1973, sau khi thua trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12.1972, Hoa Kỳ cùng các bên tham chiến tại miền Nam Việt Nam đã ký kết Hiệp định Paris, mà theo nội dung Hiệp định thì quân đội Hoa Kỳ phải rút khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 60 ngày sau khi ký kết. Do sau tháng 1 là tháng 2 chỉ có 28 ngày, nên đến ngày 29.3.1973, người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi nước ta. Đến lúc này, “lời tiên tri” của lãnh tụ kính yêu của cách mạng nước ta - Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành sự thật: “Mỹ chỉ cút khi thua trận trên bầu trời Hà Nội”. Ông thấy có phải từ khi “quân xâm lược Mỹ” rút khỏi Việt Nam, đến khi “đoàn doanh nghiệp đại bàng Mỹ” đến Việt Nam là đúng 50 năm không? Như vậy, dù muốn hay không, điều ngẫu nhiên của lịch sử ấy cũng khiến tôi phải có sự liên tưởng chứ!

- Bàn Dân không thể không đồng ý với sự liên tưởng, đúng hơn là hồi tưởng của ông. Nhưng hồi nãy, lúc còn đứng nhìn ông đọc báo, Bàn Dân thấy ông nhíu mày có vẻ như không bằng lòng cái gì đó, ông có thể nói rõ ra không?                     

- Tôi cố tình tìm đọc cả chục tờ báo, trang mạng có đưa tin đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam, vậy mà không bản tin nào nhắc gì đến những chuyện tôi liên tưởng vừa kể với ông?!

- Có đấy, để Bàn Dân đọc ông nghe một đoạn trong bản tin của baochinhphu.vn: “…Chia sẻ về những nền tảng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, trải qua nhiều năm chiến tranh, bao vây và cấm vận, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài có thể tác động lớn tới bên trong, như những diễn biến gần đây liên quan tới hệ thống ngân hàng các nước như Mỹ, Thuỵ Sĩ... Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và mong muốn phía Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ nhân đạo, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh do bom mìn, chất độc da cam…”.

BÀN DÂN