Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Dịp tết nguyên đán vừa qua, tôi lại lên rừng Phước Vinh. Chẳng là trước đó, tôi đã theo trục đường vào ấp 1 để tìm những địa danh lừng lẫy khác trong nửa đất phía Ðông Bắc của xã Phước Vinh.
Bàu Voi Nằm: cao su xen kẽ với cây rừng.
Nửa đất này cặp bên sông Vịnh, còn gọi là rạch Sóc Om. Bên kia rạch là xã Hảo Ðước có phủ An Cơ nổi tiếng. Và phần đất phía Ðông Bắc này ôm trọn trong lòng những bàu Rau Muống, trảng Máy Bay Bắn Trâu, suối Tổng Du, bàu Ông Cả, bàu Hang, Trảng Cồng…
Tôi hy vọng tìm ra một cái hầm giấu thóc năm xưa của cụ Nguyễn Hồng Phan còn sót lại. Nhưng, lần ấy do mưa lũ bão số 16, tôi mới đến được suối Tổng Du là phải dừng lại. Bởi muốn vào sâu hơn thì nước đã ngập lai láng các cánh rừng. Gặp mấy anh bảo vệ rẫy vườn, khuyên đến mùa khô thì trở lại.
Lần này thì đã giữa mùa khô. Nắng đã chang chang cả tháng không mưa. Ðể nhanh được vào rừng hơn, nên tôi đi vào từ lối đường mòn ở trạm gác rừng thuộc ấp Phước Hoà, gần với Ðồi Thơ, Hoà Hiệp. Ấy là một bác nông dân gặp ở Uỷ ban xã Phước Vinh khuyên như thế.
Hăm hở ngược đường 788, tìm được trạm gác rừng rồi nhưng trạm chẳng có ai. Ðành chờ, và quả nhiên hơn 8 giờ có 2 người tới. Ðấy là bác Tiến và một bác khác chưa kịp hỏi tên. Bác Tiến cẩn thận chỉ đường cho đi tìm mấy địa danh.
Bàu Voi Nằm thì ở ngay kia, cách trạm chỉ độ 300m. Sau nữa là tìm tới bàu Ðưng, rồi theo dòng kênh thoát nước mà tới khu bàu Rau Muống…
Nhấm ly trà Bắc do hai bác pha mời uống, tôi ngồi và ngắm cơ ngơi trạm. Một căn nhà cấp 4 tường xây lợp mái tôn. Một khoảnh sân rợp mát bóng cây rừng, còn cả những bụi dây leo vương vấn. Một cái chòi giăng võng bên bờ bàu nước, chắc là làm chỗ nghỉ trưa. Và cả một gian làm việc, tiếp khách pha trà, chúng tôi ngồi trò chuyện.
Thú vị nhất có lẽ là cái bàu khá lớn phía sau, mà các bác gọi tên là bàu Cống Bể. Mặt bàu luênh loang, có cả một vạt rau nhút đang nở bông vàng, nuôi được cả đôi ngan lẫn vài cặp vịt trời đang tung tăng bơi lội. Trạm cũng có cả một chòi quan sát cao chừng 12m. Lên cao là thấy ngay những cây rừng in bóng phía trời xa.
Hố bom còn ở cạnh bàu Đưng.
Phải cảm ơn và chia tay hai bác thôi! Bởi đã nghe như có tiếng rừng vẫy gọi. Náo nức quá, khi đi trên đường lộ đoạn này đã thấy những cây rừng vẽ trên nền trời một đường viền khấp khểnh. Ðường vào rừng là đây, đất đỏ rộng vừa cho một chiếc xe bò.
Qua chừng hơn trăm mét rẫy ruộng lề đường, là tới cửa rừng. Thật đúng là kiểu rừng nguyên sinh từng thấy ở Chàng Riệc hay Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Mới vào khỏi cửa rừng một đoạn đã có ngay cảm giác đổi thay. Ðấy là bỗng nhiên khí trời dịu mát, dù rằng vẫn còn nắng lọt xuống đó đây. Ngoài đường 788 kia trời đất khô rang, mà con đường rừng lại dính dấp, trượt trơn vì ẩm ướt.
Vừa may lại gặp hai cậu bé chăn bò đang lùa bò đi ăn sang phía bàu Ðưng. Các cậu chỉ cho tôi quẹo sang nơi có bàu Voi Nằm. Thì cái bàu Voi ấy nay đã là một vườn cao su độ 2 năm tuổi. Thân cây cỡ cổ tay người lớn, trắng muốt và lênh khênh, nhấp nhỉnh trên ngọn những chùm lá tơ non.
Trên toàn bộ đất vườn, cách vài chục mét là lại có một cây rừng còn sót lại. Toàn những cây cao, thẳng tắp thân trắng, lá xanh già xao xác bóng rừng xưa, chẳng biết là dầu, vên vên hay là Kơ-nia. Có lẽ đây chính là những cái cây nhìn thấy được từ chòi canh trạm gác.
Dĩ nhiên, cái bàu đã không còn, khi mà đất vườn cao su đã bằng bặn, cây trải đều tăm tắp. Nhưng vẫn còn đây một khoảnh rừng bên một hố sâu hút. Cái khoảnh này chỉ độ công đất (1.000m2), nhưng cũng đã được rào lại bằng dây kẽm gai làm chỗ nuôi nhốt trâu. Bàu Voi Nằm năm xưa, nay thành chỗ trâu nằm.
Trở lại con đường xuyên rừng Ðông Bắc xã Phước Vinh. Rừng không rậm, cũng không có cây cổ thụ uy nghi toả bóng như bên Chàng Riệc, Lò Gò. Có lẽ cây chồi là chính với dây leo vấn vít. Con đường xuyên qua, có chỗ đã đọng nước thành từng vũng, khiến người sau phải mở thêm lối tránh bên rừng.
Cho dù đã cẩn thận, nhưng chiếc xe của tôi đi có lúc đã phải đổ ngang, tắm trong bùn. Nhưng qua chừng hơn 1 cây số của lớp rừng thứ hai này thì tới bàu Ðưng. Tôi lại bắt kịp đàn bò của hai cậu bé. Lại gặp thêm được một thanh niên đang tưới vườn ớt nằm kế bên một cụm rừng khá đẹp.
Nghĩa là có nhiều cây rừng cỡ 3-4 tấc đường kính xúm xít bên nhau. Tiếc rằng cụm rừng này cũng chỉ độ non công đất. Kế bên vườn ớt còn nguyên một hố bom sâu. Nhờ thế mà vài ba cây rừng mọc bên bờ hố bom còn sống sót.
Hỏi anh thanh niên, bàu Ðưng xưa ở đâu? Anh chỉ tay khoáng đại một vòng ra phía trước. Thì cả một vùng mênh mông trảng bàu xưa, nay đã mọc toàn cao su độ 2 năm tuổi, xen kẽ với rẫy mì, rau đậu…
Theo lời chỉ dẫn của người gác rừng, quả nhiên đã gặp một con kênh khi qua hết bàu Ðưng. Kênh tiêu thoát nước cho những dải rừng cao su rộng dài tít tắp hai bên. Thỉnh thoảng lại có một chiếc cầu kênh bằng bê tông, lan can sắt tròn cho người qua lại. Ði mãi, đi hoài cũng gặp một ngôi nhà ở cô độc giữa rừng, gần một cầu kênh, nhưng chủ nhà đi vắng.
Cao su ở đây đã cao lớn hơn, ngọn cây cao ngang với những cây rừng mọc phía sau nhà. Cũng có một hố bom với nghiêng ngả cây rừng hoang dại. Nhưng chủ nhân đã trồng giặm thêm những cây keo xanh tốt mỡ màng. Chỉ vài ba năm nữa, những cây keo này sẽ cao lớn vượt lên những cây dầu tà-beng còm cõi còn sót lại. Thế là xong!
May mà ở một cây cầu kênh, tôi gặp vài chị mới chăm sóc vườn cao su bên kia kênh trở về. Hỏi các chị về bàu Rau Muống. Các chị hăm hở dẫn đường đi tới. Thì ra bàu Rau Muống cũng nằm kề bên trục đường xuyên qua rừng Ðông Bắc Phước Vinh. Nhưng đã muộn rồi! Bàu Rau Muống đã không còn nữa. Thay vào hàng chục ha của bàu xưa, giờ là vườn cây keo tai tượng mỡ màng xanh. Các chị kể, bàu này đã bị san lấp năm 2014, đến năm 2016 mới trồng keo.
Thật là đáng kinh ngạc về sức người, sức máy “dời non lấp bể” thời công nghiệp hoá! Bởi cái bàu này lớn đến nỗi người Pháp vẽ bản đồ đã phải ghi danh trên đấy là bàu Cho-Bát, hiện vẫn còn trên bản đồ hành chính tỷ lệ 1/5.000 tỉnh Tây Ninh hiện nay. Nó to như một dấu vân tay, rộng dài (1 x 1,5cm).
Nếu bản đồ chính xác, thì bàu có kích thước là (500 x 750m). Tính ra cũng vài chục ha. Các chị công nhân cao su kể, cũng nhờ có con kênh này mà người ta mới lấp được bàu Rau Muống. Kênh là lối tiêu thoát nước ra tới suối Cùng, rồi đổ vào sông Vịnh. Vậy mà tới mùa mưa lũ năm 2017 cũng không thoát kịp, nên nhiều cánh rừng cao su bị ngập nhiều ngày. Dọc kênh toàn những rừng cao su thẳng tắp chạy dài. Ðây đó trên bờ kênh rập rờn những bụi hoa mua hồng tím.
Cứ chạy hoài hoài đường dọc bờ kênh rồi cũng tới một con kênh do tỉnh đầu tư xây dựng thẳng tắp đến chân trời. Có lẽ đây là con kênh đầu tiên có mặt trên đất Phước Vinh, đưa nước Lòng Hồ về tưới tắm cho vườn ruộng phía bờ Tây sông Vịnh. Lòng kênh đã được bê tông hoá hẳn hoi, nước bạc lưng lưng. Ðến đây đã không thấy dấu tích nào của rừng xưa nữa. Nhưng vẫn cần bươn tới để tìm ra địa chỉ nhiều người thương nhớ: Trảng Cồng.
Tới đây không thể không nhắc đến giai điệu và lời ca da diết của ca khúc Lên Ngàn, nhạc sĩ Hoàng Việt viết sau lũ lịch sử Nhâm Thìn tháng 10.1952: “Hò ơ… dòng sông chảy xiết… Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Cồng/ Cắt lúa thay chồng… thay chồng nuôi con…”.
Dòng sông chảy xiết ở đây chính là sông Vịnh, còn mang tên là rạch Sóc Om hay Bến Ðá- một trong hai dòng chính của sông Vàm Cỏ Ðông ở phía thượng nguồn. Cho đến tận ngày nay, vào mùa lũ nước sông Vịnh vẫn còn chảy xiết. Muốn tới Trảng Cồng thì khi tới bến Lon, cập xuồng để đi vào. Nay bến Lon đã có cây cầu bê tông nối liền Phước Vinh sang Hảo Ðước. Con đường ấy còn lộn xộn đá nhựa và đất đỏ nhưng khá rộng và dễ đi.
Vậy mà để tìm ra Trảng Cồng vẫn khó. Là bởi hỏi đến bốn, năm nhà trong một xóm dân cư ven đường- xóm dân cư duy nhất tôi gặp sau khi xuyên hơn 10 cây số đường rừng thì không một ai biết đến Trảng Cồng. Sau có một chị chỉ tới nhà ông già của chị gọi là bác Hai Hoa. Bác Hai lại chỉ cho đến tìm gặp bác Hai Vân có vườn cao su cạnh Trảng Cồng. Từ đường vào tới đây cũng khoảng trên 300 mét, vòng vèo qua những đường lô dưới những vòm xanh mướt cao su.
Trảng Cồng rồi kia! Nhưng không còn một khoảnh trảng hoặc bàu. Chỉ tăm tắp hút xa vườn cao su như mới vừa thu hoạch mủ vụ đầu. Và kỳ diệu chưa, từ phía vườn cao su Trảng Cồng chạy ra, lượn trên đất vườn cao su nhà bác Hai Vân một dòng suối nhỏ đẹp đến hoang đường.
Có lẽ đấy là di tích duy nhất của rừng trảng xưa còn để lại. Suối vẫn lung linh nước chảy như một dải lụa mềm vắt vẻo dưới vườn cây. Suối Cùng đấy!- bác Hai Vân bảo. Thì ra suối Cùng nhưng vẫn rất dài, tôi vừa gặp suối ở bàu Ðưng, rồi lại gặp ở đoạn suối luồn dưới lòng kênh sang phía Trảng Cồng. Chỉ vài ba cây số nữa thôi, là suối đã ùa vào sông Vịnh.
Rút cuộc lại là trong rừng Ðông Bắc Phước Vinh đã chẳng còn một cái bàu nào, dù là bàu Hang, bàu Ðưng hay bàu Rau Muống… Nhớ hồi năm 2017 lên Phước Vinh, các cán bộ xã còn nói chắc như đóng đinh những bàu ấy vẫn còn, dù diện tích có bị thu hẹp lại.
Nay cũng xin báo cáo lại các anh chị rằng: cho đến tháng 2.2018, hầu như đã không còn cái bàu nào, ngoài những hố bom. Cái bàu duy nhất tôi thấy trong chuyến xuyên rừng này, chính là bàu Cống Bể ở phía sau trạm gác rừng của xã.
Nơi ấy còn cả cụm cây rừng, hồ nước long lanh có hoa nhút nở vàng, có vịt trời bơi lội thong dong và còn in bóng hàng cây cổ thụ ở bìa rừng phía Ðông Bắc- chính là khu rừng tôi mới đi qua. Trên suốt hành trình ấy, cảnh quan vừa đẹp vừa đáng ngạc nhiên nhất là khi gặp con kênh của tỉnh đầu tư xây dựng.
Trên bờ kênh khá cao, dõi mắt về phía nào cũng chỉ thấy những vườn cao su chạy dài tít tắp. Không hề thấy bóng một cây rừng, dù đây rõ ràng đã từng là một “cửa rừng”. Ðây, tấm bảng bê tông sơn màu xanh vẫn vững vàng, nổi bật câu khẩu hiệu: “Tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng…”.
Thế nhưng ngay sau nó, là ngạo nghễ những vườn cao su, có vài cây đã đổi màu lá đỏ. Thế là ngay tấm biển, mà người ta thường bố trí ở cửa rừng ấy, nay cũng gần như đã thành di tích mất rồi. Di tích của một thời con người ra sức bảo vệ rừng, mà rừng vẫn lặng lẽ biến đi, thay vào những vườn cao su xanh rì, bát ngát. Liệu đã có ai “ăn của rừng mà rưng rưng nước mắt” hay chưa?
N.Q.V