BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bố trí bác sĩ ở Trạm y tế cấp xã:

Một còn chưa đủ, làm gì có hai 

Cập nhật ngày: 16/01/2017 - 14:17

BTNO - Trong giai đoạn từ năm 2010 – 2015, ngành Y tế nói chung, y tế cơ sở nói riêng được đầu tư nhiều- cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn con người, nhưng tình hình cho thấy hiện vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ...

Người dân đến khám bệnh ở Trạm Y tế Tân Phong (Tân Biên).

NHIỀU TRẠM Y TẾ KHÔNG CÓ CỬA THOÁT HIỂM

Năm 2014, Trạm Y tế xã Tân Phong, huyện Tân Biên được xây mới hoàn toàn theo tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020. Bà Bùi Thị Bích Nhan- Trạm phó Trạm Y tế xã Tân Phong cho biết, sau khi có cơ ngơi mới, trạm được đầu tư nhiều thiết bị khá hiện đại như máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hoá, máy xét nghiệm huyết học, máy điện tâm đồ…

Trạm mới được thiết kế có mười bảy phòng, đội ngũ nhân lực gồm tám người. Theo ý kiến của bà Nhan, cấu trúc của trạm y tế và số lượng người được bố trí như hiện nay là hợp lý. Từ ngày có trạm mới, lượng người đến khám, chữa bệnh và làm các dịch vụ y tế khác đông hơn so với trước, bình quân mỗi tháng có 400 – 500 lượt người. Các thiết bị y tế đều được sử dụng, kể cả các loại máy siêu âm, xét nghiệm. Từ tháng 3.2015, Trạm Y tế xã Tân Phong có bác sĩ cố định. Theo nhìn nhận của bà Nhan, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trạm chưa thấy điều gì bất cập.

Cũng được xây theo tiêu chí mới, nhưng Trạm Y tế xã Biên Giới (Châu Thành) chưa được trang bị máy siêu âm dù đã có bác sĩ cố định. Theo ý kiến của lãnh đạo trạm, y tế cơ sở hiện tồn tại những bất cập, cả về chính sách, con người. Trạm có 16 phòng nhưng đội ngũ nhân lực chỉ có 6 người, chưa có hộ lý, không có bảo vệ. Công tác dân số đang được kiêm nhiệm bởi một kế toán, trong khi đúng ra lĩnh vực này cần giao cho một y sĩ thì hợp lý hơn. Về thiết kế xây dựng, tất cả các phòng đều không có cửa thoát hiểm, kể cả phòng trực. “Phòng chỉ có một cửa ở phía trước, phía sau, hai bên đều không có cửa, nếu bị tấn công hoặc một sự cố nào đó, chúng tôi không có đường thoát”– lãnh đạo trạm cho biết.

Tại Trạm Y tế xã Hảo Đước (Châu Thành), cơ ngơi mới gồm 16 phòng, đội ngũ nhân lực gồm 7 người, kể cả cán bộ phụ trách dân số. “Do số lượng người ít nên mỗi người phải kiêm nhiệm từ hai đến ba việc”– vị trạm phó cho biết. Trạm được trang bị máy siêu âm, máy điện tim nhưng chưa sử dụng vì bác sĩ của trạm mới đi học cách sử dụng về và cũng... sắp đến ngày nghỉ hưu. Theo quy định, chỉ có bác sĩ mới được sử dụng các loại thiết bị y tế kể trên, từ y sĩ trở xuống không thể sử dụng. Theo ý kiến của lãnh đạo trạm, quy mô của trạm y tế cấp xã hiện nay được xây dựng lớn hơn mức cần thiết.

Mỗi tháng, theo thống kê có 400 – 500 lượt người đến khám, chữa bệnh nhưng chỉ sơ cứu ban đầu, không có bệnh nhân điều trị nội trú. Cũng như nhiều trạm y tế cấp xã khác, Trạm Y tế xã Hảo Đước dù được xây mới khang trang nhưng không có cửa thoát hiểm. Cơ ngơi mới rộng mênh mông nhưng mỗi đêm chỉ có một người trực, không có bảo vệ. “Trường học có bảo vệ nhưng tại sao trạm y tế lại không có?” – vị lãnh đạo trạm thắc mắc.

NHIỀU VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ

Tháng 8.2016, Ban Văn hoá – Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức đợt giám sát về hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011–2015 trên địa bàn tỉnh. Đoàn giám sát đã làm việc với Sở Y tế, Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh và các huyện Tân Biên, Châu Thành; 6 trạm y tế xã, phường, thị trấn của 3 huyện, thành phố nêu trên.

Lãnh đạo Ban Văn hoá – Xã hội của HĐND tỉnh thông tin, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 76 trạm y tế cấp xã được các huyện, thành phố đầu tư xây dựng với số vốn giải ngân gần 153 tỷ đồng; 91/95 trạm y tế cấp xã được xây dựng khang trang, mỗi trạm có từ 10-15 phòng chức năng, đủ bố trí cho các hoạt động chuyên môn. Năm 2016, Tây Ninh tập trung đầu tư cho 32 trạm y tế cấp xã đạt chuẩn theo quy định của bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020..

Tuy nhiên, 100% trạm y tế cấp xã hiện chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng. Các lò đốt rác xử lý chất thải rắn đa số không sử dụng được, do đó gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Về trang thiết bị y tế, tại thời điểm giám sát, đoàn ghi nhận có 85/95 trạm y tế cấp xã có trên 70% số lượng và cơ cấu trang thiết bị, dụng cụ y tế theo quy định. Hầu hết các trạm có tủ trữ bảo quản vắc-xin, có đủ thiết bị tiệt trùng y dụng cụ. Nhiều trạm y tế cấp xã đã được trang cấp các trang thiết bị chuyên khoa cao cấp để thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở. Trong đó, 35 trạm y tế cấp xã có máy siêu âm, 56 trạm có máy điện tim, 15 trạm có máy xét nghiệm, 18 trạm có ghế nha (răng).

Về nguồn nhân lực, tính đến cuối năm 2015, có 95/95 trạm y tế cấp xã với tổng biên chế 713 người, trong đó có 77 biên chế bác sĩ, 7 bác sĩ chuyên khoa cấp I. Trung bình mỗi trạm có từ 4- 8 cán bộ, nhân viên. 100% các trạm y tế thị trấn (8 trạm của 8 huyện) trên địa bàn tỉnh không bố trí bác sĩ công tác thường xuyên tại trạm và không thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân do trung tâm y tế huyện rất gần.

Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về trạm y tế xã bước đầu thực hiện có hiệu quả. Một số huyện thực hiện tốt công tác vận dụng chính sách và thu hút bác sĩ về công tác tại trạm y tế cấp xã. Huyện Châu Thành có 2 trạm y tế có bác sĩ chuyên khoa cấp  I; huyện Dương Minh Châu có 5 trạm y tế  có bác sĩ chuyên khoa cấp I.

Hầu hết các bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành và trạm y tế các xã của huyện Châu Thành đều được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 09/2009/QĐ-UBND ngày 10.2.2009 của UBND tỉnh Tây Ninh về quy định tạm thời chính sách hỗ trợ, phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2009 – 2015.

Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Ban Văn hoá – Xã hội, ngoài những việc đã thực hiện tốt, hệ thống y tế cơ sở, cụ thể là tại trạm y tế xã vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Trước hết, hiệu quả phòng bệnh, chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở từng lúc, từng nơi chưa đạt hiệu quả cao, nguyên nhân cơ bản là do thiếu đội ngũ bác sĩ tại trạm. Tây Ninh gặp khó khăn lớn khi thực hiện quy định về biên chế bác sĩ tại 100% trạm y tế cấp xã theo quy định của bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020.

Mô hình tuyến y tế cơ sở phải thực hiện hai chức năng “phòng bệnh và chữa bệnh” quy định tại Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 8.12.2014 của Chính phủ và bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Muốn thực hiện tốt mô hình này, trung bình mỗi trạm y tế phải có 2 bác sĩ định biên tại trạm hoặc 1 bác sĩ định biên tại trạm và 1 bác sĩ tăng cường khám, chữa bệnh hằng ngày. Trong khi đó, hiện nay nhiều trạm y tế chưa có bác sĩ hoặc chỉ có một bác sĩ (lại thường xuyên bận họp hành).

Trạm Y tế xã Hảo Đước (Châu Thành) được trang bị máy siêu âm, máy điện tim nhưng chưa sử dụng.

Liên quan đến cơ sở vật chất, quy mô trạm y tế cấp xã khá lớn, số lượng phòng chức năng khá nhiều (10-15 phòng , có nơi gần 20 phòng) nhưng biên chế định biên tại trạm lại ít. Nhiều trang thiết bị chuyên khoa có giá trị lớn như máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm, ghế nha... chưa phát huy hết công năng và hiệu suất chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Đối với vấn đề nguồn nhân lực, việc bố trí 1 bác sĩ định biên tại trạm y tế cấp xã để thực hiện tốt chức năng khám, chữa bệnh theo mô hình “phòng bệnh và chữa bệnh” hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực bác sĩ hiện có và dự kiến đào tạo đến năm 2020 không đủ để bố trí cho 100% trạm y tế cấp xã có bác sĩ định biên tại trạm.

Một số trạm có cự ly khá xa so với trung tâm y tế huyện nhưng chưa bố trí biên chế bác sĩ. Tại thời điểm đoàn giám sát làm việc (tháng 8.2016), trong 95 trạm y tế cấp xã, chỉ có 56 trạm được bố trí bác sĩ làm việc thường xuyên tại trạm.

Việc thực hiện một số nhiệm vụ của trạm y tế cấp xã còn hạn chế, đa số chưa thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng thuốc thiết yếu và tham gia kiểm tra các hoạt động hành nghề y, dược tư nhân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dự phòng chưa có sự phối hợp, lồng ghép khi triển khai thực hiện tại tuyến y tế cơ sở. Hiện chỉ có 25/95 trạm y tế cấp xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến 2020.

Có thể thấy, những khó khăn, bất cập nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả chủ quan lẫn khách quan, có cả vướng mắc về phương diện pháp luật. Hiện nay, vẫn chưa có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật của Chính phủ về danh sách xã đặc biệt khó khăn.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tây Ninh có 20 xã đặc biệt khó khăn, nhưng trong quyết định của Uỷ ban Dân tộc thì Tây Ninh không có xã nào thuộc diện đặc biệt khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng các chính sách có liên quan.

Riêng đối với vị trí bác sĩ tại trạm y tế xã, để thực hiện chức năng khám, chữa bệnh ban đầu, mỗi trạm y tế phải có hai bác sĩ (một người làm chuyên môn, người còn lại phụ trách hành chính), nhưng hiện nay, mỗi trạm chưa có đủ một bác sĩ thì việc bố trí hai người là điều không thể.

VIỆT ĐÔNG