Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một doanh nghiệp đề nghị vớt lục bình với kinh phí gần 9,3 tỷ đồng
Thứ tư: 08:09 ngày 02/06/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa có thêm một đơn vị gửi văn bản đề nghị tham gia xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Đó là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Sơn, có văn phòng tại ấp Rạch Sơn, thị trấn Gò Dầu.

HTML clipboard

Ông Trịnh Văn Lo-Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, vừa có thêm một đơn vị gửi văn bản đề nghị tham gia xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Đó là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Sơn (gọi tắt là Công ty Thanh Sơn), có văn phòng tại ấp Rạch Sơn, thị trấn Gò Dầu.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Thanh Sơn, sông Vàm Cỏ Đông qua Tây Ninh có chiều dài 106km, nơi rộng nhất khoảng 155m, nơi hẹp nhất khoảng 90m, diện tích mặt sông khoảng 13.231.000 m2. Công ty đã thử nghiệm và nhận thấy: sau khi vớt từ dưới sông lên bờ và để cho ráo nước, 1m2 lục bình có trọng lượng trung bình khoảng 10kg. Hiện tại, lục bình đã chiếm hết 70% diện tích mặt sông. Tổng cộng, có khoảng 92.617 tấn lục bình trên sông Vàm Cỏ cần được xử lý để làm thông thoáng mặt sông.

Nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép, Công ty Thanh Sơn dự kiến sẽ tổ chức thu gom lục bình trên sông Vàm Cỏ trong 1 năm. Việc thu gom sẽ được tổ chức tại 9 địa điểm dọc sông Vàm Cỏ, ở những nơi thuận lợi cho việc vận chuyển lục bình bằng đường bộ. Dự kiến, mỗi địa điểm chứa lục bình vớt từ sông lên rộng khoảng 1 ha.

Vớt lục bình bằng phương tiện cơ giới sẽ rất tốn kém, khó khả thi

Công ty Thanh Sơn cho biết, Công ty sẽ sử dụng băng chuyền đặt trên bờ, băng chuyền đưa lục bình từ dưới sông lên xe tải chờ tại bãi chứa, sau đó chuyển đi tiêu thụ. Băng chuyền hoạt động 7 giờ/ngày với công suất trung bình 5 tấn/giờ. Lục bình vớt lên có thể được dùng làm phân hữu cơ hoặc thức ăn gia súc.  Công ty dự tính: với công suất 35 tấn/ngày/điểm vớt lục bình, tại 9 điểm sẽ vớt được 315 tấn/ngày. Nếu hoạt động suốt 300 ngày/năm, sẽ có 94.500 tấn lục bình được vớt lên khỏi sông Vàm.

Về chi phí đầu tư, Công ty Thanh Sơn cho biết tổng chi phí hoàn thành việc vớt lục bình trong 1 năm lên đến… trên 9,25 tỷ đồng, gồm: chi phí xây dựng 9 điểm vớt lục bình trên 1 tỷ đồng; chi phí đầu tư xe tải (18 chiếc) hơn 6,1 tỷ đồng; chi phí thiết bị băng chuyền, máy móc hơn 1,2 tỷ và phí dự phòng gần 850 triệu đồng. Trung bình, để vớt mỗi tấn lục bình, phải chi phí hết 200.000 đồng.

Công ty Thanh Sơn đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 60% kinh phí vớt lục bình, phần còn lại, Công ty sẽ dùng nguồn thu sau xử lý đối với số lục bình vớt được để thu hồi vốn. Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét và có biện pháp hỗ trợ Công ty vay vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng để thực hiện kế hoạch vớt lục bình; hỗ trợ Công ty trong việc chọn các địa điểm để đặt máy móc vớt lục bình.

Được biết, cho đến nay, Sở GT-VT đã tiếp nhận 4 văn bản đề nghị tham gia vớt lục bình của 4 đơn vị (2 đơn vị tại TP.HCM và 2 đơn vị tại Tây Ninh). Một đơn vị đã tổ chức thử nghiệm vớt lục bình trên sông vào cuối năm 2009 nhưng kết quả đạt được không khả quan, thiếu thuyết phục. Ba đơn vị còn lại chỉ mới gửi văn bản đề nghị cùng với bản tóm tắt kế hoạch vớt lục bình.

Theo ông Trịnh Văn Lo, những đề án vớt lục bình bằng phương tiện cơ giới hiện vẫn chưa thể hiện được tính thuyết phục cao, cần phải nghiên cứu kỹ. Kinh phí vớt lục bình cũng là vấn đề cần phải tính toán hợp lý vì mức kinh phí đưa ra của các đơn vị chênh lệch nhau khá nhiều…

HOÀNG THI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục