Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống Báo Tây Ninh (5.10.1946 - 5.10.2023):
Một dòng chảy không ngừng, trong lành và mạnh mẽ
Thứ sáu: 07:58 ngày 06/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhận được yêu cầu viết bài cho Báo Tây Ninh nhân ngày truyền thống 5 tháng 10, tôi chỉ muốn thốt lên lời đầu tiên: 77 năm rồi ư, Báo Tây Ninh!

Bìa báo xuân đầu tiên của Báo Tây Ninh sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Nói hơi duy tâm một chút. Là tôi vốn ưa con số 7. Mà đây lại là cái mốc 77 năm, những 2 con số 7. Vậy thì bắt đầu thôi. Con số 77 cho tôi ấn tượng đầu tiên là Báo đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”. Nghĩa là đã hơi già. Vậy mà những tờ báo ra mỗi sớm thứ hai, thứ tư, thứ sáu hay thứ bảy đều có gương mặt mỗi ngày mỗi trẻ. Ai thường đọc Báo Tây Ninh ắt sẽ nhận ra. Trẻ nhất là trong vài năm qua, kể từ khi có flycam hỗ trợ.

Những hình ảnh mới tinh về quê hương lần lượt hiện ra, lung linh sáng ngời ngay trên trang nhất. Chụp từ trên cao nên bao quát. Những hình sông thế núi được thiên nhiên sắp đặt, được con người góp tay tạo dựng đẹp đến không ngờ. Đã đọc, đã nhìn thì không ai là người Tây Ninh lại không tự hào về quê hương xứ sở.

Những cây cầu mới bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, lượn một vòng cung nhẹ nhàng giữa bát ngát xanh đôi bờ cao su, mì, mía… Lại có cả những cây cầu chỉ để đỡ nâng một tuyến ống nước chảy qua, trải ra thênh thang trên các cánh đồng xanh như một con rắn lượn khổng lồ. Những hình ảnh này có thể từng có ở nơi này nơi khác.

Nhưng chỉ riêng Tây Ninh ta thôi là có núi Bà Đen. Và những hình ảnh núi, với cả các lễ hội núi thường xuất hiện trên báo tỉnh ta cũng mới mẻ bất ngờ, lộng lẫy kiêu sa. Thậm chí có lúc còn làm dậy nên “bão mạng” với các hình mây mũ, mây thấu kính hay mây xà cừ, mây ngũ sắc…

Với tôi, những mây mũ ấy đã quen rồi, nên bức ảnh trên báo mà tôi ấn tượng nhất lại là một bức mà ống kính chụp phải đứng từ cao hơn đỉnh núi (986m). Để ta nhìn thấy tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi như người đang bay trên một mặt biển bời bời mây trắng…

Dĩ nhiên, chỉ ảnh thôi thì cũng chưa làm nên chất trẻ tờ báo. Sức trẻ ở đây còn tràn ra trên từng trang viết, từng chuyên mục. Thì cũng là chuyển tải chuyện thời sự, kinh tế, chính trị và xã hội thôi; nhưng cách kể, cách viết cũng đã khác. Không còn kiểu bài báo rập theo khuôn mẫu hay khô cứng như hô khẩu hiệu ngày xưa.

Cũng là các chuyên mục văn hoá thôi, nhưng từ tràn đầy hình ảnh sinh động trực quan cho đến những bài có hàm lượng chuyên môn sâu sắc. Tôi biết, có nhiều bài của các bạn còn chưa qua tuổi 25. Sức trẻ của báo còn quan tâm đến những mảnh đời còn cơ cực, sẻ chia nhiều câu chuyện của nhà tài trợ, mạnh thường quân với người nghèo ở mọi địa phương.

Không những thế, các bạn thanh niên của Báo còn rời trang viết, xông xáo tới những vùng sâu, vùng xa hỗ trợ bà con nghèo khó… Rõ ràng, với những đổi mới không ngừng ấy, Báo Tây Ninh đã thật sự trở thành “Tiếng nói của Đảng, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Tây Ninh”.

Thêm nữa, từ nhiều năm qua, ai với một chiếc điện thoại thông minh đều có thể truy cập Báo Tây Ninh điện tử. Và nhờ thế, Báo Tây Ninh đã đến với bạn bè trong cả nước và quốc tế, hoà vào mênh mông đại dương của thông tin báo chí toàn cầu.

Nhắc đến “dòng chảy”, tôi lại nhớ đến mùa này, tháng 10 đang là mùa nước lớn. Con sông Vịnh, còn gọi rạch Sóc Om nước chảy dạt dào. Vào năm 1947, sông cũng là căn cứ của xưởng in Báo Dân Quyền- tiền thân của Báo Tây Ninh, xuất bản đầu tiên vào tháng 10 năm 1946. Cuốn sách “Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh” (sơ thảo) do Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh và Đảng bộ huyện Châu Thành xuất bản năm 1985, có những dòng sau: “Khoảng giữa vịnh Cá Kết và bàu Cần Sen là các bộ phận của Ty Thông tin do đồng chí Lê Đình Nhơn lãnh đạo, lập căn cứ ở đây khá lâu.

Các bộ phận xưởng in, xưởng giấy của Ty sản xuất được giấy in bằng nguyên liệu địa phương (rơm, rạ, lục bình, vỏ cây gòn…). Bộ phận xưởng in đã biết lợi dụng sông rạch xã Phước Vinh, tổ chức rất cơ động, các đồng chí sử dụng 1 chiếc ghe lớn chứa đựng tất cả dụng cụ in để tiện lưu động dọc theo rạch Sóc Om. Nơi nào yên ổn mát mẻ là ghe cặp vào bờ và lo việc in ấn. Khi có động thì lui ghe đi nơi khác…”.

77 năm đã qua, kể từ cái buổi ban đầu thương khó ấy. Để những người nặng lòng với lịch sử hôm nay- dù lật giở từng trang báo giấy Tây Ninh thân quen, hay lướt nhẹ smartphone xem báo Tây Ninh điện tử đẹp long lanh, thì vẫn không nguôi nhớ.

Vâng! Sao mà quên những ngày kháng chiến chống Pháp, chị em phụ nữ TP. Tây Ninh phải giấu chữ chì trong bao gạo để chuyển chữ cho nhà in lên Hảo Đước, rạch Sóc Om. Nhớ những tờ tin đầu tiên in bằng đất sét trên giấy rơm mà có sức nóng toả lan như lửa.

Rồi tờ báo Dân Quyền thời chống Pháp, hay báo Giải Phóng thời chống Mỹ, chưa kể những tờ phụ san như Nước Vinh Đạo Sáng, Cờ Giải Phóng, Bản tin giải phóng… Tất cả đều hừng hực một niềm tin chiến thắng. Cho đến ngày đất nước được giải phóng 30.4.1975, thì tờ báo đã chính thức mang tên là Báo Tây Ninh. Từ đây, tờ báo lại tiếp tục đồng hành cùng đất và người Tây Ninh trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.  

Viết về Báo Tây Ninh, sau 77 năm, tôi không nguôi liên tưởng đến dòng sông Vàm Cỏ Đông đang dào dạt chảy trong mùa nước lớn. Con sông mà Hoài Vũ viết trong thơ: “Ơi Vàm Cỏ Đông! Ơi con sông/ Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng”.

Có lúc sông cũng cuộn xoáy ầm ào để nhấn chìm tàu giặc, hay để xua đi những rác rưởi xấu xa. Cuối cùng, sông vẫn luôn trở lại là một dòng chảy trong lành và bất tận, để vừa tưới mát quê hương vừa thanh thản ngắm trời xanh, mây trắng nắng vàng. Báo Tây Ninh 77 năm, có lẽ cũng như một dòng chảy cường tráng trên dòng sông ấy.

Nguyễn Quốc Việt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục