Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Dự án do em Nguyễn Thị Hương Giang và Nguyễn Thị Yến Nhi, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thực hiện.
Em Hương Giang và Yến Nhi thực hiện quy trình xử lý nước bằng chất keo tụ sinh học.
Dự án “Nghiên cứu tổng hợp chất keo tụ sinh học từ tinh bột khoai mì dùng cho xử lý nước sinh hoạt và nước thải” trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học vật liệu của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Tây Ninh đã đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Tây Ninh năm học 2018-2019. Và dự án này vừa đoạt giải Tư cấp quốc gia, diễn ra trung tuần tháng 3 vừa qua.
Dự án do em Nguyễn Thị Hương Giang và Nguyễn Thị Yến Nhi, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thực hiện. Mục tiêu của dự án là từ tinh bột khoai mì, các em thực hiện quy trình tổng hợp chất keo tụ sinh học để xử lý nước sông thành nước sinh hoạt, nhằm thay thế phèn nhôm sulfat truyền thống trong xử lý nước sinh hoạt, còn tồn dư hoá chất gây tác hại với sức khoẻ người sử dụng. Khi chất keo tụ này bỏ vào nước sẽ giúp lọc nước. Đây là một công đoạn trong xử lý nước sinh hoạt của nhà máy nước hiện nay.
Em Nguyễn Thị Hương Giang cho biết: “Qua các phương tiện truyền thông, em được biết hiện nay ở nước ta các nhà máy xử lý nước họ thường dùng phèn nhôm sulfat, còn gọi là phèn chua để xử lý. Nhưng việc sử dụng các muối nhôm này để lại lượng ion Al3+, mà khi các ion Al3+ đi vào cơ thể con người, sẽ gây bệnh Alzheimer hoặc là tác nhân gây hại đến tế bào thần kinh trung ương, rất ảnh hưởng sức khoẻ con người. Chính vì vậy, chúng em muốn nghiên cứu chất keo tụ sinh học mới có thể thay thế phèn nhôm sulfat bảo đảm sức khoẻ con người từ nguyên liệu là tinh bột khoai mì rất dễ tìm ở Tây Ninh và Việt Nam”.
Qua thí nghiệm, chất lượng nước sau khi được xử lý bằng chất keo tụ sinh học này rất khả quan, ưu điểm vượt trội hơn khi sử dụng phèn nhôm sulfat. Cô Lê Thị Hương- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và là người trực tiếp hướng dẫn các em thực hiện dự án cho biết: “Những sản phẩm nước thu được sau xử lý, được gửi mẫu phân tích ở những cơ quan đáng tin cậy để kiểm nghiệm.
Qua phân tích, kết quả các chỉ số đều đạt QCVN 02: 2009/BYT của Bộ Y tế về chất lượng nước sinh hoạt. Đồng thời các chỉ tiêu đều trội hơn so với quy trình xử lý bằng phèn nhôm, trong nước không còn lượng nhôm”.
Dự án “Nghiên cứu tổng hợp chất keo tụ sinh học từ tinh bột khoai mì dùng cho xử lý nước sinh hoạt và nước thải” của Hương Giang và Yến Nhi đã thuyết phục được Ban giám khảo. Hai em cũng được Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tặng giấy khen trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm nay. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi có dự án đoạt giải trong cuộc thi khoa học kỹ thuật vòng tỉnh và quốc gia.
Cô Lê Thị Hương chia sẻ: “Nhà trường đã tổ chức cuộc thi thuyết trình, qua đó chọn các em vừa có ý tưởng vừa có khả năng thuyết trình. Bởi vì không chỉ có ý tưởng, các em còn phải có khả năng thuyết phục người khác hiểu được dự án của mình”.
Đây là kinh nghiệm hay của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cần được nhân rộng, tạo động lực cho các em học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, sáng tạo thuật và rèn luyện kỹ năng sống.
QUẾ HƯƠNG - HUY HOÀNG