Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Những ngày qua, người dân xã Bình Phước, Bình Trị, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang sống trong lo lắng khi Nhà máy bột giấy VNT19 đã không tuân thủ yêu cầu về máy móc thiết bị của tỉnh.
Khu vực đang thi công rầm rộ ở Nhà máy bột giấy VNT19 - Ảnh: TRẦN MAI
Nhà máy trên do Công ty CP bột giấy VNT19 làm chủ đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phải có văn bản gửi Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), trong đó nhắc lại chuyện Formosa, đề nghị hướng dẫn thêm.
Bỏ qua yêu cầu của chính quyền
Nhà máy bột giấy VNT19 (VNT19) rộng 117ha được Quảng Ngãi cấp giấy phép đầu tư vào năm 2011 tại xã Bình Phước (Khu kinh tế Dung Quất), công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn/năm. Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu VNT19 phải sử dụng công nghệ tiên tiến, khép kín, thiết bị máy móc mới 100%, đáp ứng điều kiện kinh tế, môi trường.
Năm 2014, sau khi chủ đầu tư xin điều chỉnh công suất lên 350.000 tấn/năm, Quảng Ngãi cũng yêu cầu dự án phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN-MT tháng 9-2015 cũng yêu cầu dây chuyền sản xuất bột giấy phải được lắp mới.
Nhưng năm 2015, sau khi thiết bị được nhập về thông qua cảng Dung Quất, các cơ quan chức năng Quảng Ngãi phát hiện nhà máy này không hề sử dụng thiết bị mới 100% như cam kết mà lắp đặt máy móc, thiết bị cũ đã qua sử dụng được tháo dỡ từ Nhà máy bột giấy Sodra Cell Tofte (Na Uy).
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thu hồi hơn 87ha đất (trong đó có 50ha rừng dừa nước của dân) để xây hồ chứa cung cấp nước cho VNT19.
Lối vào Nhà máy bột giấy VNT19 luôn có bảo vệ túc trực - Ảnh: Trần Mai
Thuê giám định “lụi”?
Đầu năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư thuê đơn vị giám định độc lập để giám định dây chuyền công nghệ. VNT19 đã thuê Công ty CP giám định Á Việt (đóng tại Đà Nẵng). Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở KH-CN Quảng Ngãi, Á Việt chưa có tên trong danh sách tổ chức giám định do Bộ KH-CN công bố.
Trong khi chất lượng công nghệ nhà máy chưa thực rõ, chủ đầu tư đã khảo sát để làm tuyến ống xả thải đổ ra vịnh Việt Thanh (xã Bình Trị), khiến người dân địa phương phản ứng dữ dội. Theo tìm hiểu, ngoài việc lắp mới một dây chuyền sản xuất bột giấy, dự án này còn lắp mới một tuyến ống thoát nước thải từ nhà máy ra biển dài 5,2km, một hệ thống xử lý nước thải công suất 73.000 m3/ngày đêm... và khu vực xả thải của dự án là vịnh Việt Thanh, đầu ống cách bờ biển 500 - 1.500m.
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, tháng 1-2016 Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất có văn bản đề nghị Sở Xây dựng xem xét, thống nhất điều chỉnh vị trí, hướng tuyến thoát nước thải của VNT19 từ chỗ thoát ra sông Cà Ninh chuyển sang thải ra biển Lệ Thủy. Theo ông Đàm Minh Lễ - phó ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, nếu thải ra biển thì tác động môi trường sẽ ít hơn.
Tuy vậy, dân quan ngại nếu thải ra biển bằng đường ống ngầm sẽ không giám sát được. “Phương án thải ra biển vẫn là tối ưu vì lượng nước dự án là không nhỏ, 73.000 m3/ngày đêm. Thải chỗ nào không quan trọng, quan trọng là không để xảy ra sự cố môi trường” - ông Lễ nói và cho biết Bộ TN-MT sẽ vào kiểm tra dự án này.
Thiết bị Nhà máy bột giấy VNT19 mua về từ Na Uy là đồ cũ - Ảnh: Công ty Gemadept cung cấp
Ngừa nguy cơ thêm một sự cố Formosa
Trong khi dự án đang trong giai đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị, ngày 3-4-2017 ông Trần Ngọc Căng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã có công văn gửi Bộ TN-MT cho rằng “qua sự cố môi trường Formosa, để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, tỉnh đề nghị bộ có ý kiến về việc chủ đầu tư lắp đặt đường ống ngầm dưới mặt nước (giống Formosa Hà Tĩnh) có đảm bảo đúng các quy định hiện hành của pháp luật VN hay không”.
Ông Căng cho rằng trong đánh giá tác động môi trường, dự án đã được Bộ TN-MT phê duyệt không có xây dựng hồ chứa nước thải trước khi thải ra biển để làm cơ sở đối chứng. Vì vậy, tỉnh đề nghị bộ yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hồ chỉ thị sinh học (hồ nuôi cá) để kiểm chứng chất lượng nước thải sau khi xử lý và trước khi thải ra biển.
Ông Phan Văn Đông, bí thư Đảng ủy xã Bình Trị, cũng cho biết: “Khi nghe tin nhà máy giấy xả ống thải ra biển là người dân không chịu, xã cũng không đồng tình”. Hơn 2.000 dân nơi đây sống hoàn toàn bằng nghề biển, vậy nên nếu xảy ra ô nhiễm thì cuộc sống của ngư dân sẽ rất khốn khó. Nếu tỉnh đã quyết, ông Đông cho biết người dân cũng đề nghị có một hồ chứa nước thải ở xã Bình Trị công khai để dân kiểm soát nước thải bằng cách thả cá vào nuôi nhằm kiểm soát ô nhiễm...
Xem kỹ hệ thống xử lý nước thải
Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành giấy, ngoài vấn đề công nghệ, thiết bị mới hay cũ, hạng mục cực kỳ quan trọng là hệ thống xử lý nước thải. Với công nghệ tiên tiến hiện nay, vấn đề là doanh nghiệp có chịu đầu tư đúng mức, đúng chuẩn hay không. Hiện ngành giấy tái chế cần đến 12m3 nước sạch để cho ra 1 tấn giấy thương phẩm. Nếu sản xuất bột giấy, lượng nước cần gấp 3 lần số trên. Chưa rõ chủ đầu tư sử dụng công nghệ theo hướng bột cơ học hay hóa học, vị chuyên gia cho biết “chắc chắn vốn đầu tư cho riêng hệ thống này không thể dưới 20 triệu USD” và lưu ý: nếu theo hướng xử lý bột hóa học, nhà đầu tư phải có biện pháp thu hồi hóa chất cũng như phải đầu tư xử lý dịch đen triệt để. Nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng...
Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất giấy quy mô lớn hiện nay cũng lưu ý không nên mua thiết bị cũ ngành giấy “nếu đã lạc hậu khoảng 20 năm”, bởi thế hệ thiết bị mới sau này sẽ tối ưu năng lượng cũng như đảm bảo yếu tố môi trường hơn.T.V.NGHI
Formosa được vận hành thử nghiệm 6 tháng
Ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ sau phiên họp ngày 10-5 của hội đồng giám sát liên ngành việc khắc phục vi phạm của Formosa. Theo ông Thức, hội đồng đã xem xét toàn bộ quá trình khắc phục 53 lỗi vi phạm đến việc hoàn thành 17 hạng mục bảo vệ môi trường mà Bộ TN-MT yêu cầu bổ sung. Ghi nhận với các phương tiện, trang thiết bị đã có, vấn đề môi trường ở Formosa được kiểm soát, hội đồng đã xem xét cả báo cáo của Formosa về các kịch bản ứng phó sự cố trong trường hợp nước thải vượt ngưỡng.
Ông Thức cũng cho biết Formosa đã đề nghị cho phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và xưởng luyện thép trong thời gian 6 tháng, thời điểm bắt đầu sẽ trong khoảng từ ngày 20 đến 30-5. Hội đồng giám sát liên ngành thống nhất sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép.
Khi vận hành thử nghiệm lò cao số 1, nguồn nước thải trạm sinh hóa đang xử lý 1.900m3 sẽ tăng thêm 300 m3/ngày. Tuy nhiên, theo ông Thức, hoàn toàn có thể kiểm soát được chất lượng nguồn nước thải. Với khí thải, vừa qua Formosa đã phải lắp đặt đủ 15 trạm quan trắc. “Trong quá trình vận hành thử nghiệm 6 tháng tới, tổ giám sát liên ngành của Bộ TN-MT và các nhà khoa học sẽ cùng tỉnh Hà Tĩnh giám sát suốt quá trình hoạt động” - ông Thức cho hay.
Nguồn TTO