Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một gánh thốt nốt đưa con vào đời
Chủ nhật: 21:21 ngày 26/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ở một góc phía bên kia đường đối diện với cửa Hoà Viện- Toà thánh có một phụ nữ chuyên ngồi bán trái thốt nốt và nước giải khát. Chị làm công việc này đã hơn 20 năm qua. Hỏi tên, chị chỉ cười rồi nói: “Cứ gọi chị Hai thốt nốt là ai cũng biết”. Hỏi thăm mới biết cái nghề nay biến thành tên chị đã nuôi sống 5 miệng ăn trong gia đình chị, đưa các con của chị đến giảng đường.

Với nghề bán thốt nốt, chị Hai đã nuôi con nên người.

Vừa chỉ tôi cách chẻ thốt nốt lấy phần cơm trái như thế nào cho gọn, cho ngon và nguyên vẹn, chị Hai vừa kể chuyện đời mình. Ngày trẻ, khi chị và chồng tương lai vừa qua lễ dạm hỏi không được bao lâu thì anh đã lên đường theo tiếng gọi non sông.

3 năm sau, anh trở về với những vết thương trên người. Giữ lời hẹn ước xưa, chị về làm vợ anh, hai người sống ở khu phố Hiệp Lễ, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh. Niềm vui đong đầy khi ba đứa con lần lượt chào đời. Nhưng niềm vui đó cũng gắn liền với sự nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh của chị.

Anh là thương binh, bệnh tật nên chị trở thành trụ cột gia đình. Ngày ngày, chị thức khuya dậy sớm làm bánh men đem bán. Được một thời gian, nhận thấy việc này không thể nuôi sống cả nhà, chị bỏ công xuống thành phố Hồ Chí Minh mua dép xốp về bán xổ.

“Bán cũng đắt hàng lắm nhưng phải mất thời gian đi tới, đi lui. Cứ hết hàng là phải đi, mà mấy chục năm về trước chuyện đi lại đâu có dễ dàng gì; đã vậy mỗi lần đi lấy hàng phải vận chuyển cồng kềnh. Vì thế khi thấy người Campuchia mang thốt nốt qua bán, tôi mua ăn thử, thấy ngon tôi liền quyết định mua thốt nốt để bán”- chị Hai kể.

Cũng theo lời kể, lúc mới bán thốt nốt, do chưa có nhiều kinh nghiệm, chị đã không ít lần bị lỗ lã vì mua nhầm thốt nốt quá già, hoặc quá non, không thể bán được. Đến khi công việc mua bán đã ổn, thấy chị làm được, nhiều người cũng bắt chước làm theo.

Chị Hai chia sẻ: “Nếu vô mùa thì người ta sẽ chở thốt nốt tới bỏ mối cho mình, còn khi hết mùa (từ tháng 6 trở đi), muốn có thốt nốt để bán thì phải lên tận biên giới ở khu vực chợ Tà Nông (Châu Thành) để thu mua. Nhiều người mua nên giá cả phải cạnh tranh, mua xong chở về cực khổ mà bán thì chẳng lời lóm được bao nhiêu”.

Vất vả, cực nhọc là vậy nhưng cứ nhìn những đứa con ngày một khôn lớn, ngoan ngoãn chị lại cảm thấy vững lòng hơn. Thương mẹ, các con của chị đi học về là lo phụ giúp việc chẻ trái thốt nốt hoặc đi giao hàng cho khách. Nếu chỉ phải lo chuyện cơm áo hằng ngày thì cuộc sống như vậy cũng gọi là ổn thoả.

Thế nhưng khi các con của chị lớn lên rồi lần lượt vào đại học, cao đẳng thì gánh nặng chi phí cũng bắt đầu quằn trên vai chị: “Hai năm đầu đứa lớn học đại học thì cũng còn lo được. Đến năm thứ ba, con em nó vào cao đẳng, tôi xoay muốn… chóng mặt luôn. Hết bán ở đây lại chạy về nhà lo gà, heo… Đắp đầu này, vá đầu kia riết mà tụi nó ra trường hồi nào không hay”- chị Hai cười vui vẻ nói.

Chị Hai với công việc hằng ngày.

Công việc mua bán thốt nốt của chị Hai hiện tại khá suôn sẻ, ngoài một số “mối ruột” thường mua một ít để ăn vặt hằng ngày, nhiều người còn đặt mua với số lượng kha khá- khi thì 10 bịch đem về nấu chè, khi thì 5 bịch xay sinh tố. Vì thế, mỗi ngày từ 4 giờ sáng, chị đã trở dậy chẻ thốt nốt, lấy phần cơm trái ra rồi cặm cụi cho vô bịch để đem bỏ mối. Xong đâu đó, chị mới về nhà lo cơm nước cho chồng, đoạn quày quã trở ra chỗ bán hàng ngồi bán lẻ.

Sau bao năm tần tảo, giờ đây sức khoẻ của chị Hai cũng đã suy giảm ít nhiều. Chị bị bệnh giãn dây chằng- hậu quả để lại sau những lần mang vác những thùng nước, những bao tải thốt nốt trước kia. Để các con không phải lo lắng cho mẹ, chị quyết định nghỉ nuôi heo và hạn chế làm những việc nặng. Riêng việc mua bán thốt nốt thì vẫn phải duy trì, bởi bây giờ chị còn phải lo cho cậu con trai út đang học năm thứ hai đại học ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chị tâm sự: “Hai đứa con lớn của chị đã ra trường, đi làm và đã có thu nhập, mỗi tháng cũng phụ mẹ được một ít để lo cho em. Riêng đứa con thứ hai hiện đã có gia đình rồi, nên tháng nào tiền bạc thoải mái thì chị chỉ nhận của nó in ít thôi, để nó còn lo cho con cái”.

Nói chung là mặc dù con cái đã lớn và có khả năng phụ giúp mẹ nhưng chị Hai vẫn muốn tự làm lụng kiếm tiền, tự xoay xở bằng sức lao động của mình khi còn có thể. Chị dự tính mấy năm nữa, khi tất cả các con đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, chị mới cho phép mình được nghỉ ngơi.

Còn bây giờ thì: “Nếu còn lo, còn làm được thì cứ làm, cứ lo. Chị chỉ mong ông trời cho chị một sức khoẻ dẻo dai để còn làm việc được, rồi còn lo dựng vợ gả chồng cho con cái sau này”, Với chị Hai, nếu được như vậy thì niềm vui của người làm mẹ như chị mới thật viên mãn.

Ngọc Diêu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục