BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hướng tới kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam (30.4.1975- 30.4.2022):

Một gia đình có 3 Mẹ Việt Nam anh hùng 

Cập nhật ngày: 20/04/2022 - 00:56

BTN - 47 năm trôi qua, hầu hết những vết thương chiến tranh trong mỗi gia đình đã yên lành, nhưng những mất mát, hy sinh của các bà mẹ, của những người con vẫn mãi được khắc ghi.

Ông Thời thắp hương thờ cúng những người đã ngã xuống vì đất nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, chỉ tính riêng ở khu phố An Phú (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) có 163 liệt sĩ và 34 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH).

Trong đó, có hộ gia đình ở khu phố An Phú có tới 3 người Mẹ VNAH và nhiều người khác được tặng Huân, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nhì, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Gia đình “cách mạng nòi” đó là của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh, Đinh Văn Phu.

Vợ chồng bà Thanh có với nhau 6 người con, gồm 4 người con trai: Đinh Văn Lăng, Đinh Văn Bửng, Đinh Văn Kính, Đinh Văn Trợ và 2 người con gái tên Đinh Thị Đinh, Đinh Thị Nguyên.

Năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, quân dân Nam bộ đứng lên kháng chiến đánh đuổi kẻ thù, 2 người con trai của vợ chồng bà Thanh là Đinh Văn Kính và Đinh Văn Trợ tham gia cách mạng, chiến đấu chống Pháp.

Thời điểm đó, sợ liên luỵ tới dòng họ nên hai ông Đinh Văn Kính và Đinh Văn Trợ đều đổi thành họ Nguyễn. Từ đó về sau, hai anh em này mang tên Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Văn Trợ.

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, hai anh em Nguyễn Văn Kính và Nguyễn Văn Trợ tiếp tục cầm súng kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ quê hương. Trong những năm chiến tranh ác liệt, cả hai chiến sĩ tiền khởi nghĩa này đã lần lượt ngã xuống vì Tổ quốc.

Năm 2015, bà Nguyễn Thị Thanh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, những thế hệ con, cháu của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng quê hương.

Ông Nguyễn Văn Trợ và vợ tên Hồ Thị Học có 9 người con, trong đó có 2 con trai tên Nguyễn Văn Rằng, Nguyễn Văn Nương hy sinh trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước; bà Hồ Thị Học được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH.

Ông Nguyễn Văn Thời, năm nay 83 tuổi, ngụ khu phố An Phú (con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Trợ) kể, ông thoát ly gia đình tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Thời điểm đó, ông cùng với một số đồng đội được giao nhiệm vụ canh giữ hơn 10 kho lúa, gạo của đơn vị Hậu cần Quân sự tỉnh.

Sau 3 năm làm nhiệm vụ, ông Thời bị bệnh phổi và được đơn vị cho về an dưỡng. Thời gian ở nhà, ông đào hai căn hầm. Một hầm trong nhà sau để gia đình tránh bom đạn và một căn hầm khác từ trong nhà thông ra ngoài vườn cây, để cán bộ, chiến sĩ cách mạng ẩn trú khi về đây hoạt động. “Lúc đó, khu vực này là vùng chồng lấn giữa quân địch và quân ta. Ban ngày, lính nguỵ thường ghé vào nhà tôi. Ban đêm, cán bộ cách mạng về đầy nhà”.

Với những đóng góp của ông trong 3 năm làm nhiệm vụ giữ kho lương thực của Hậu cần Quân sự tỉnh và công nuôi giấu cán bộ cách mạng, năm 1984, ông Thời và vợ là Nguyễn Thị Thững được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Ông Thời cho biết thêm, trong nhà còn có người em gái tên Nguyễn Thị Thu Trang, cũng thoát ly gia đình tham gia cách mạng và là thành viên Đội Biệt động Sài Gòn trước năm 1975. Với những chiến công lập được, sau ngày đất nước thống nhất, bà Trang được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Nữ anh hùng nay đã 70 tuổi, nghỉ hưu và đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Kính, Trương Thị Căng tiếp nối truyền thống cách mạng, làm rạng danh gia đình. Bà Nguyễn Thị Tám, năm nay 76 tuổi- con gái lớn của ông Kính kể lại, bà và 3 người em tên Nguyễn Thị Lập, Nguyễn Văn Đời, Nguyễn Văn Tạo được cha giác ngộ cách mạng, sớm đi theo tiếng gọi non sông, tham gia nhiều hoạt động cứu nước.

“Tôi ở địa phương, thường giả nông dân làm ruộng, đi qua lại giữa vùng địch tạm chiếm và giải phóng để đưa thư từ, tin tức cho cán bộ cách mạng”- bà Tám nhớ lại.

Ngoài người em gái Nguyễn Thị Lập hy sinh cùng với cha trong một lần địch bố ráp quy mô lớn vào địa bàn An Phú, người em trai Nguyễn Văn Đời cũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với chồng và 2 con đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 1994, bà Trương Thị Căng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Năm 2002, bà Căng qua đời vì già yếu.

Sau ngày đất nước thống nhất, vợ chồng bà Tám cùng với nhân dân cả nước chung tay xây dựng lại quê hương. Năm 2014, chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, vợ chồng bà hiến hơn 210m2 đất ngay trước cổng nhà để làm nhà văn hoá - văn phòng khu phố An Phú. Vợ chồng bà Tám rất coi trọng việc nuôi dạy con cái và định hướng các con trở thành người có ích cho xã hội.

Đến nay, tất cả 6 người con trai, con dâu của vợ chồng ông đều công tác trong ngành giáo dục của tỉnh, trong đó có 4 người đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mẹ VNAH Trương Thị Căng.

Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH cho hai bà Nguyễn Thị Thanh, Hồ Thị Học.

Ông Nguyễn Văn Tạo- con trai của Mẹ VNAH Trương Thị Căng tham gia cách mạng từ khi mới 16 tuổi. Ông Tạo được đưa về Chiến khu D ở rừng Mã Đà (thuộc tỉnh Đồng Nai ngày nay) và vào Đại đội 10 (C10) của Hậu cần quân đội- đơn vị chuyên phụ trách công tác chế tạo vũ khí, thuốc nổ. Ở đây, ông được giao nhiệm vụ đi đến những bộ phận chuyên cưa bom, đạn bị lép (bom, đạn không nổ) của kẻ địch, thu gom thuốc nổ đem về đơn vị để chế tạo vũ khí chiến đấu.

“Công việc rất nguy hiểm. Để có được chất nổ, tôi phải băng qua những vùng đang xảy ra chiến sự hoặc vừa xong chiến sự, cùng với đồng đội nhặt những quả bom, mìn, đạn pháo lép. Không ít lần tôi bị bom đạn nổ chậm, văng miểng vào người. Đến bây giờ, trong người tôi còn nhiều miểng bom đạn chưa lấy ra”.

Ông Tạo vén áo cho tôi xem trên thân thể còn chi chít nhiều vết sẹo do chiến tranh để lại. Năm 1977, ông Tạo được xuất ngũ, trở về địa phương, là bệnh binh mất sức 61%. Năm 1984, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Hiện nay, ông được hưởng chế độ người có công với số tiền hơn 3 triệu đồng/tháng và an nhiên tuổi già bên hai người con của mình ở quê nhà.

47 năm trôi qua, hầu hết những vết thương chiến tranh trong mỗi gia đình đã yên lành, nhưng những mất mát, hy sinh của các bà mẹ, của những người con vẫn mãi được khắc ghi. Những thế hệ kế tiếp của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh, Đinh Văn Phu tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp phần làm rạng danh gia đình, dòng họ anh hùng ở làng quê xứ Trảng.

Đại Dương