Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một gia đình hiếu học

Cập nhật ngày: 16/08/2010 - 10:29

Ở ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, ai cũng biết ông Lê Văn Khôi và bà Đặng Thị Vinh, đôi vợ chồng đã nuôi dạy cả đàn con nên người thành đạt.

Tôi đến nhà ông Lê Văn Khôi một buổi chiều. Ngôi nhà không rộng lắm nhưng gọn gàng, ngăn nắp. Trên tường nhà các giấy khen đủ loại được bày trí thẳng hàng. Nhìn vào đủ biết sự cống hiến của ba thế hệ con người trong gia đình ông bà cho xã hội là rất lớn.

Quê ông Khôi ở Nghệ An, năm 1970 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt” ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đến tháng 6.1975 ông được phục viên. Những năm đầu mới về địa phương, đời sống gia đình ông hết sức chật vật, làm nhiều mà vẫn cứ thiếu ăn. Năm 1990, ông bà quyết định vào Nam lập nghiệp. Thế là hai vợ chồng đưa cả 6 người con vào Tây Ninh làm ăn sinh sống. Bán hết gia tài chỉ được vỏn vẹn 3 chỉ vàng làm vốn. Nơi đất khách quê người, cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, ăn chưa đủ no, áo chưa đủ ấm nhưng chưa bao giờ ông bà có ý định cho con nghỉ học, ngược lại còn yêu cầu các con: “Dù khó khăn đến đâu, các con cũng phải học tập tốt. Mọi chi phí cho việc học của các con cha mẹ sẽ lo”. Ông Khôi thường nói với vợ và các con: “Gia đình ta vào đây là 5 năm đầu phải củng cố, 10 năm sau mới phát triển được, chứ không phải một ngày hai ngày là có tiền”.

Vợ chồng ông Khôi.

Theo lời khuyên của cha mẹ, cả 6 người con của ông Khôi đều phấn đấu học tốt. Tất cả đều tốt nghiệp trung học phổ thông rồi nối tiếp nhau vào các trường cao đẳng, đại học.

Nhìn vào sự trưởng thành của các con, ông bà mừng vui khôn xiết, bõ công những tháng ngày ông bà phải chịu bao vất vả, nhọc nhằn làm thuê làm mướn nuôi con. Có giai đoạn vô cùng ngặt nghèo, ông bà không có việc làm nên đã phải thế chấp đất nhà cho ngân hàng lấy tiền cho con học. Đến hạn không có tiền đóng, lại phải vay tiền nóng bên ngoài với lãi suất rất cao để trả ngân hàng rồi vay lại. Cứ như vậy đến mấy năm liền.

Ông bà vẫn tự hào về đàn con của mình. Những năm tháng còn theo học phổ thông, đứa học buổi chiều thì buổi sáng đi làm cỏ mướn với cha mẹ và ngược lại, đứa học buổi sáng thì buổi chiều đi làm với cha mẹ. Tối về, tất cả tập trung vào bàn học cho đến khuya mới nghỉ. Nhiều đêm, trở mình thức dậy, ông Khôi vẫn còn thấy các con ngồi học chăm chỉ, ông cảm thấy rất mừng nhưng chạnh lòng thương, lo cho sức khoẻ các con. Cũng vì hoàn cảnh gia đình mà ban ngày các con ông đều bận đi làm mướn, ít có thời gian để học mới phải thức khuya để học cho hết bài. Nhưng ông lại cười một mình, nghĩ: “Có khổ vậy mới nuôi chí ăn học nên người”.

Hiện tại, trong gia đình ông Khôi bà Vinh có 3 người con và 2 người con dâu đã tốt nghiệp đại học, còn lại 3 người cũng đã tốt nghiệp cao đẳng. Các con của ông bà tốt nghiệp đại học cũng không dễ dàng, người nào cũng ban ngày đến giảng đường, tối đi làm thêm để kiếm tiền tự trang trải việc học cho mình.

Giờ thì vợ chồng ông Khôi sống rất hạnh phúc. Kinh tế ổn định, các con đều thành đạt, ông bà cảm thấy mãn nguyện.

Hôm hai ông bà được nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, con cháu kéo về đông đủ, chật ních  nhà. Ông bà vui mừng, hạnh phúc đến trào nước mắt. Niềm vui ấy, hạnh phúc ấy chính là quả ngọt gặt hái được sau những năm tháng cả gia đình ông- một gia đình cần cù, hiếu học, đồng lòng chung sức gieo hạt, vun trồng.

Doãn Lục