Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gò Dầu:
Một giáo viên khiếu nại về chế độ bảo hiểm xã hội
Thứ bảy: 00:11 ngày 02/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Rất mong BHXH tỉnh và huyện tìm hướng giải quyết khác, để tôi sớm được hưởng chế độ hưu trí”. Đó là ý kiến của bà Võ Thị Minh Phương, SN 1964, ngụ ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.

Bà Phương trình bày lại vụ việc.

Trả lời chưa đầy đủ căn cứ

Từ tháng 9.1984, bà Võ Thị Minh Phương là giáo viên Trường cấp 1 + 2 Trường Đông A, thuộc Phòng Giáo dục huyện Hoà Thành (nay là thị xã). Đến tháng 8.1990, sức khoẻ không được tốt sau phẫu thuật cắt buồng trứng phải, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên bà xin nghỉ việc, được hiệu trưởng nhà trường chấp thuận. Theo bà Phương, bà chỉ xin nghỉ việc không lương nên không có quyết định thôi việc, do vậy vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp.

Đến tháng 11.1994, bà Phương tiếp tục vào làm giáo viên tại Trường tiểu học Cẩm Thắng (xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu). Sau đó, bà được phân công giảng dạy tại Trường THCS Lê Lợi, thuộc Phòng Giáo dục huyện Gò Dầu. Trong quá trình công tác, bà Phương luôn hoàn thành nhiệm vụ, chưa lần nào bị kỷ luật. Trong các lần khai về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bà đều khai đầy đủ, cung cấp hồ sơ đúng quy định, về phía đơn vị BHXH cũng không có ý kiến gì.

Tháng 12.2019, bà Phương đến tuổi nghỉ hưu theo quy định. Ngày 10.12.2019, BHXH huyện chốt sổ bảo hiểm cho bà với tổng thời gian tham gia đóng quỹ hưu trí, tử tuất là 31 năm 2 tháng (trong đó BHXH bắt buộc là 31 năm 2 tháng). Bất ngờ, vào ngày 25.12.2019, BHXH huyện gọi điện thông báo không chấp nhận khoảng thời gian làm việc của bà từ tháng 9.1984 đến tháng 8.1990.

Ngày 13.1.2020, bà Phương gửi đơn khiếu nại đến BHXH tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được xem xét giải quyết. Ngày 4.2.2020, BHXH tỉnh ban hành Công văn số 155 trả lời.

Theo đó, BHXH tỉnh căn cứ tiết r, điểm 2, Khoản D, Mục II, Phần thứ nhất Công văn số 169/BHXH ngày 17.2.1981 của Bộ LĐ-TB&XH quy định về việc tính thời gian công tác để hưởng BHXH đối với trường hợp công nhân, viên chức Nhà nước có thời gian: “Trường hợp xin thôi việc, thì thời gian công tác trước khi thôi việc tính là thời gian công tác nói chung, nếu tự ý bỏ việc thì thời gian trước không tính, thời gian công tác liên tục tính từ khi trở lại làm việc”.

Công văn số 155 còn nêu rõ, tại tờ khai cấp sổ BHXH năm 1996 và tờ khai cấp sổ BHXH lần 2 năm 2004 của bà Phương đã khai từ tháng 9.1984 đến tháng 8.1990 là giáo viên Trường cấp 1+2 Trường Đông A; từ tháng 9.1990 đến tháng 10.1994 nghỉ việc. Do đó, cơ quan BHXH thẩm định khi cấp sổ bảo hiểm đã không tính thời gian công tác của bà như trên là đúng. Thời gian qua, khi nhập sổ BHXH của người lao động để quản lý trên phần mềm vi tính, cơ quan BHXH có sự sai sót và hiện đã ghi nhận lại quá trình trên.

Không đồng ý với nội dung công văn trả lời của BHXH tỉnh, bà Phương tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Sở LĐ-TB&XH, UBND tỉnh. Ngày 26.2.2020, Sở LĐ-TB&XH ban hành Quyết định số 394 giải quyết khiếu nại (lần 2). Trong quyết định này, ngoài việc đề cập đến căn cứ được BHXH tỉnh áp dụng tại Công văn số 155 nêu trên, Sở LĐ-TB&XH còn căn cứ vào nhiều quy định khác có liên quan đến quyền lợi BHXH của người lao động.

Cụ thể như căn cứ tại Khoản 6, Điều 123 Luật BHXH năm 2014; điểm b, Khoản 1, Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015 của Chính phủ; Điều 54 Nghị định số 12/CP ngày 26.1.1995 của Chính phủ; Khoản 4, Điều 139 Luật BHXH năm 2006 ...

Quyết định số 394 có phần nội dung nhận định, ngoài việc cần áp dụng các văn bản trước đây để tính thời gian công tác trước năm 1995, trong trường hợp người lao động có thời gian công tác gián đoạn trước năm 1995 nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần về BHXH, thì thời gian đó được tính là thời gian để hưởng BHXH.

Tuy nhiên, Công văn số 155 của BHXH tỉnh chỉ căn cứ vào Công văn số 169/BHXH ngày 17.2.1981 của Bộ LĐ-TB&XH để trả lời cho bà Phương như vậy là chưa đầy đủ, chưa phản ánh hết các điều kiện được hưởng chế độ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người khiếu nại.

Sở LĐ-TB&XH còn nêu rõ, việc BHXH huyện Gò Dầu tính thời gian tham gia bảo hiểm của bà Võ Thị Minh Phương là 31 năm 2 tháng (Phó Giám đốc BHXH huyện ký xác nhận vào ngày 10.12.2019), sau đó thông báo lại qua điện thoại không chấp nhận thời gian này là chưa đúng theo quy định tại Khoản 4, Điều 110 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (phải thông báo bằng văn bản), gây bức xúc cho người khiếu nại.

Thêm nữa, BHXH tỉnh không thực hiện trình tự giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại (thụ lý, xác minh, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại...), mà chỉ ban hành Công văn số 155 trả lời đơn cho bà Phương là chưa đúng quy định, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến quyền lợi của người khiếu nại.

Quyết định số 394 đang đề cập đã giải quyết đơn khiếu nại của bà Phương như sau: “Yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh Tây Ninh kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc không thống nhất trong việc xác định thời gian đóng BHXH của bà Võ Thị Minh Phương của BHXH huyện Gò Dầu, việc giải quyết khiếu nại lần đầu không đúng quy định (không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại); tổ chức cuộc họp (có biên bản) với bà Phương để hướng dẫn, thống nhất việc bổ sung hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật để giải quyết chế độ hưu trí. Đề nghị bà Phương phối hợp, cung cấp hồ sơ cho BHXH theo quy định”.

Yêu cầu khó thực hiện

Sau khi bà Phương nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Sở LĐ-TB&XH, ngày 26.3.2020, BHXH tỉnh cùng BHXH huyện làm việc với bà Phương. Tại biên bản làm việc, cơ quan BHXH tỉnh và huyện căn cứ Quyết định số 595 ngày 14.4.2017 của BHXH Việt Nam, đề nghị bà Phương bổ sung hồ sơ là quyết định nghỉ việc tại thời điểm tháng 9.1990 của Trường cấp 1+2 Trường Đông A; giấy xác nhận chưa nhận trợ cấp thôi việc. Khi bà Phương bổ sung các hồ sơ theo yêu cầu, cơ quan BHXH sẽ thực hiện điều chỉnh quá trình tham gia BHXH, mức hưởng lương hưu liên quan đến các quyền lợi khi bà nghỉ hưu.

Nhằm thực hiện theo yêu cầu của cơ quan BHXH, ngày 27.3.2020, bà Phương cùng ông Lê Thanh Phong - Phó Giám đốc BHXH huyện Gò Dầu đã đến Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hoà Thành trích lục hồ sơ. Tại đây, những người tiếp ông Phong và bà Phương cho hay hồ sơ cần tìm cách nay đã 30 năm, Phòng không còn lưu giữ nên không thể cung cấp hay xác nhận được. Bà Phương đành ra về trong nỗi niềm thất vọng. Sau đó, bà đã gửi đơn phản ánh đến Báo Tây Ninh và một số cơ quan khác.

Trao đổi với chúng tôi vào ngày 28.4, bà Phương bức xúc: “Tôi đã mấy chục năm đứng lớp giảng dạy, bây giờ đến tuổi về hưu lại bị “vướng” phải yêu cầu bổ sung hồ sơ cách nay 30 năm. Thực tế, ngay từ khi lập tờ khai về BHXH, tôi có nộp giấy xác nhận của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoà Thành (ngày 25.3.1997) về việc tôi có thời gian công tác tại Trường cấp 1+2 Trường Đông A, cụ thể là từ tháng 9.1984 đến 8.1990.

Cơ quan BHXH cũng đã ghi và xác nhận khoảng thời gian công tác này vào hồ sơ để tiến hành cấp sổ. Thế nhưng, tại sao vào thời điểm đó BHXH không đề nghị tôi bổ sung hai loại giấy tờ như đang yêu cầu, mà phải đợi đến tận ngày nay để rồi việc trích lục hồ sơ gặp khó khăn, bất khả thi”.

Một lần nữa bà Phương vẫn khẳng định, tại thời điểm tháng 8.1990, bà chỉ xin nghỉ việc không lương nên không có quyết định thôi việc, do vậy vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp. Việc cơ quan BHXH yêu cầu bà bổ sung hai loại giấy tờ này quả là không thể thực hiện được. “Rất mong BHXH tỉnh và BHXH huyện Gò Dầu tìm hướng giải quyết khác, để tôi sớm được hưởng chế độ hưu trí” - bà Phương nêu ý kiến.

Quốc Sơn

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục