Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hơn 20 ngày nay, nhiều người cư ngụ phía trong hẻm số 4, đường Yết Kiêu, khu phố 2, phường 2, TP Tây Ninh hết sức bức xúc vì có một hộ dân xây dựng tường rào, gây cản trở lối đi.
Góc đường xảy ra tranh chấp.
Ông Lê Hồng Thiện- ngụ tại đây đã nhiều năm, chỉ rõ: hẻm số 4 nối từ đường Yết Kiêu, đi dọc theo một bên chân cầu Trần Quốc Toản khoảng 200 mét rồi rẽ một góc 90 độ, nối tiếp một hẻm nhỏ khác đi vào khu dân cư.
Tại góc “cua quẹo” đó, còn có một lối nhỏ, bề ngang khoảng 2 mét, dài khoảng 6 mét, đi chéo lên lề đường Trần Quốc Toản và nối vào đường Trần Quốc Toản. Năm 2000, khi cầu và đường Trần Quốc Toản được xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động, hàng chục hộ dân sinh sống bên trong con hẻm nhỏ vẫn dùng lối đi chéo góc này để vô, ra làm ăn, buôn bán.
Ngay tại góc “cua quẹo”, có quán cà phê Mây, do bà Nguyễn Thị Hoàng Lan làm chủ. Khoảng cuối tháng 5.2017, vợ chồng bà Lan cho xây tường rào kiên cố tại góc cua quẹo của lối đi chéo.
“Lối đi chéo vốn nhỏ hẹp, hằng ngày, xe từ trên lề đường Trần Quốc Toản đổ dốc xuống hẻm hay xe từ hẻm lên đường Trần Quốc Toản đã hết sức khó khăn, bây giờ bà Lan còn cho xây góc tường rào nhô ra khoảng 2 mét, làm hẹp lối đi, che khuất tầm nhìn, rất dễ gây tai nạn giao thông cho bà con mỗi khi vô ra. Vì vậy, khi bà Lan thuê công nhân xây tường rào, đã bị dân cư ở đây đạp ngã trụ rào, kiên quyết không cho xây dựng”.
Một người dân khác, ông Lê Minh Quang cho biết, thời điểm năm 2000, khi đường Trần Quốc Toản được xây dựng, ông là Bí thư khu phố 2 nên hiểu rất rõ về đoạn đường chéo này. Ông nói, phần diện tích đất đoạn đường chéo nằm trên phần vỉa hè của đường Trần Quốc Toản- tức là đất công thuộc quyền quản lý của Nhà nước chứ không phải đất của gia đình bà Lan.
Khi thi công cầu Trần Quốc Toản, Nhà nước đã đền bù, giải toả đất của dân ở khu vực này, trong đó, có phần phần taluy (vỉa hè) của móng cầu Trần Quốc Toản. Gia đình bà Lan có một phần đất cặp bên dốc cầu. Phần đất này trũng, thấp, trong khi đó, dốc cầu quá cao, gây khó khăn cho việc đi lại, nên gia đình bà Lan có xin chính quyền địa phương cho đổ đất nâng cao mặt bằng từ taluy đường vào phần đất của bà để làm lối đi vào ra quán cà phê.
Sau khi gia đình bà Lan đổ đất, độ dốc giữa lối vào quán cà phê và con hẻm nhỏ khá cao nên ông Quang đã vận động người dân trong hẻm hùn tiền mua đất đổ thêm vào để giảm bớt độ dốc. “Lúc đó, xe tải đổ đất trên mặt đường Trần Quốc Toản, chính tôi cùng nhiều bà con trong hẻm phải khiêng đất đổ xuống dốc”- ông Quang nhớ lại- “Từ đó, mới có một lối đi chéo nối liền từ taluy cầu xuống khu dân cư trong hẻm nhỏ.
Về phía bà Lan, bà khẳng định phần đất của gia đình bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Trong đó, đất của bà giáp với dốc cầu Trần Quốc Toản. Bà Lan nói, qua nhiều năm, đất của gia đình bà bị “chài” xuống hẻm nên bà quyết định xây góc tường này lại để giữ đất. Khi thợ hồ đang đổ trụ xi măng để xây góc tường thì người dân phản đối. Có người đạp đổ trụ xi măng, không cho xây dựng.
UBND phường 2 đã cử cán bộ chuyên môn cùng người của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh TP Tây Ninh đến đo đạc lại hiện trường, nhưng một số người dân trong hẻm không chấp nhận, họ cho rằng đo bằng phương pháp thủ công kết quả không chính xác. Bà con yêu cầu chính quyền địa phương đo đạc lại bằng máy định vị để có kết quả khách quan hơn.
Lãnh đạo Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh- chi nhánh thành phố Tây Ninh cho biết: “Sau khi sự việc mâu thuẫn giữa chủ quán cà phê Mây và nhiều hộ dân trong hẻm xảy ra, chúng tôi đã cử cán bộ đến nắm lại tình hình và đối chiếu với bản đồ địa chính.
Kết quả cho thấy, đường Trần Quốc Toản có chiều ngang 21 mét, khi đo từ tim đường Trần Quốc Toản vào đến lề đường này với chiều ngang 10,5 mét là đụng tới ranh đất của quán cà phê Mây. Ðiều đó chứng tỏ bà Lan không lấn chiếm phần đất taluy của đường Trần Quốc Toản”.
Bà Nguyễn Anh Ðào- Bí thư, Chủ tịch UBND phường 2 cho biết: “Chính quyền địa phương đã biết vụ việc này. Vừa qua, phường đã cử cán bộ đến nắm lại vụ việc. Sắp tới, UBND phường sẽ tổ chức họp mặt các bên có liên quan để làm rõ và có hướng xử lý dứt điểm”.
Một vụ tranh chấp đất không đáng kể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự việc khá phức tạp, khiến nhiều người dân bức xúc. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần sớm tìm hiểu, giải quyết dứt điểm một cách hợp lý hợp tình, giữ được tình làng nghĩa xóm, tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra giữa gia đình bà Lan và những người hàng xóm cư ngụ trong hẻm đang bị hạn chế, khó khăn trong việc đi lại, làm ăn.
Trường Sơn- Thái Hoà