Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Qua khảo sát hiện trạng đất của ông Phong, chúng tôi nhận thấy, cạnh trước và cạnh sau của thửa đất 395 đều đúng như trong “sổ đỏ”. Trong khi đó, ông Phong cho rằng đất của mình đã bị lấn tại phần đường ranh hơi cong nằm khoảng giữa cạnh đất, chiều ngang 50cm, dài gần 20m.
Ông Phong cho rằng đất của mình đã bị lấn tại phần đường ranh hơi cong.
Theo đơn trình bày của ông Tạ Hoài Phong (ngụ ấp Bàu Tràm Lớn, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu), năm 2004, ông có nhận sang nhượng một phần đất diện tích 46m2, thuộc thửa 395, tờ bản đồ số 23.
Phần đất đã được UBND huyện Bến Cầu cấp giấy chứng nhận QSDÐ ngày 21.8.2006, vị trí đất tại ấp Tân Lập, xã Tiên Thuận. Vào thời điểm đó, thửa đất có cắm sẵn hàng trụ rào xi măng để phân ranh.
Do công việc phải đi làm ăn xa, ông Phong hợp đồng cho ông V thuê cả phần đất (trên đất có căn nhà nhỏ) để làm tiệm sửa xe. Ðến năm 2017, ông V có nhận sang nhượng một phần đất giáp ranh liền kề với thửa 395 của ông Phong.
“Trong quá trình đo đạc đất để cấp giấy cho ông V, mặc dù cạnh liền kề với thửa đất của tôi đang có sẵn một hàng trụ xi măng phân ranh, nhưng cán bộ địa chính xã Tiên Thuận vẫn đo lấn qua phần ranh đất của tôi khoảng 50cm một đoạn khá dài.
Lý ra, khi cán bộ đo đất nhận thấy hàng trụ rào thì phải có trách nhiệm làm rõ; tiến hành xác minh tứ cận giáp ranh theo đúng quy định. Sau đó, huyện cấp sổ đỏ cho ông V. Căn cứ vào sổ đỏ, ông V nhổ bỏ nhiều trụ rào cũ của tôi, rồi chôn trụ mới, giăng rào B40”, ông Phong cho biết.
Sau khi sự việc xảy ra, tranh chấp kéo dài, ông Phong đã nộp đơn lên UBND xã Tiên Thuận kiến nghị xử lý trách nhiệm của cán bộ địa chính, đề nghị thu hồi sổ đỏ của ông V để cấp trả lại ranh đất như cũ cho ông Phong, hoặc phải có hướng xem xét bồi thường thoả đáng.
Ngày 6.7.2018, UBND xã Tiên Thuận có văn bản trả lời cho ông Phong với nội dung: Theo báo cáo của cán bộ địa chính xã về việc ông V nhận chuyển nhượng QSDÐ; tại thời điểm đo đạc, hiện trạng đất trống, có cắm trụ phân ranh rõ ràng, mặt trước và mặt sau thửa đất đều ngang bằng nhau 3,5m, đúng với bản đồ địa chính và giấy chứng nhận QSDÐ của bên chuyển nhượng, đất không tranh chấp.
Từ cơ sở đó, cán bộ địa chính xã đã làm thủ tục xin cấp “sổ đỏ” cho ông V. Việc cấp đổi giấy chứng nhận QSDÐ mà đất đã có trụ phân ranh rõ ràng, đúng với bản đồ lưới VN- 2000 và căn cứ theo giấy chứng nhận QSDÐ sẵn có thì không cần các chủ đất lân cận ký tên…
Ngoài ra, qua đo đạc, đối chiếu lại bản đồ địa chính về thực tế sử dụng của ông V và ông Phong, hoàn toàn khớp với giấy chứng nhận QSDÐ đã được cấp.
Ông Tạ Hoài Phong không đồng ý với văn bản trả lời nêu trên nên tiếp tục khiếu nại, yêu cầu UBND xã Tiên Thuận giải quyết. Ngày 26.7.2018, UBND xã Tiên Thuận mời hai bên đương sự hoà giải.
Ông V trình bày, đất là do cơ quan chức năng đo đạc, ông chỉ sử dụng trong phạm vi được cấp, chứ không hề lấn chiếm của ông Phong. Riêng ông Phong vẫn một mực bảo vệ ý kiến theo nội dung đơn kiến nghị đã nộp cho xã.
Chủ trì buổi hoà giải, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Thuận giải thích: “Ðất trong giấy chứng nhận QSDÐ của ông V và ông Phong hoàn toàn trùng khớp với hiện trạng thực tế. Do đó, yêu cầu của ông Phong là không có cơ sở”. Ông Phong không đồng ý, buổi hoà giải không thành.
Qua trao đổi, cán bộ địa chính xã Tiên Thuận khẳng định: “Chắc chắn đất trên giấy và ngoài thực tế là trùng khớp. Sổ đỏ đã cấp không sai, nhưng không hiểu vì sao ông Phong cứ khiếu nại?”. Ông Phước cho biết, UBND xã đã chuyển hồ sơ lên cấp trên giải quyết.
Qua khảo sát hiện trạng đất của ông Phong, chúng tôi nhận thấy, cạnh trước và cạnh sau của thửa đất 395 đều đúng như trong “sổ đỏ”. Trong khi đó, ông Phong cho rằng đất của mình đã bị lấn tại phần đường ranh hơi cong nằm khoảng giữa cạnh đất, chiều ngang 50cm, dài gần 20m. Ông Phong trưng ra nhiều tấm ảnh về hàng cọc phân ranh cũ khi vừa mới xảy ra tranh chấp (lúc ông V chưa kịp nhổ bỏ- N.V).
Vấn đề “lấn đất theo đường ranh hơi cong” như ông Phong cho biết là như thế nào, vì sao lại có những tấm ảnh về hàng trụ xi măng phân ranh đất trước đó? Rất mong cơ quan có thẩm quyền huyện Bến Cầu xem xét thấu đáo những thắc mắc của ông Phong, để ông “tâm phục khẩu phục”.
QUỐC SƠN