Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Một “hoa giáp” đến bờ vinh quang
Thứ hai: 09:58 ngày 18/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chào ông bạn già, mới đó mà một năm nữa sắp trôi qua, chỉ còn mấy tuần nữa là đến Tết Tân Sửu rồi ông hả.

-Sắp gì mà sắp, ông không nhớ hôm nay đã hơn nửa tháng đầu năm 2021 rồi à. Còn nếu tính theo âm lịch, nếu như năm Canh Tý không có thêm một tháng nhuần thì chẳng phải giờ đây ba ngày Tết Tân Sửu đã trôi qua rồi sao?

-Ừ, thời gian đúng là “bóng câu qua song cửa”. Nhớ ngày nào tôi còn học lớp vỡ lòng, đầu giờ học ông thầy già đề thứ trên bảng theo kiểu “nửa tây nửa ta”: “thứ… ngày… tháng… năm Tân Sửu, dương lịch 1961”, mà bây giờ đã tròn một “lục thập hoa giáp” sáu chục năm rồi. Sợ thật!

-Nhắc đến năm Tân Sửu, ông nhớ lại ngày đầu đi học, còn tôi thì tôi nhớ đến một bài thơ…

-Bài gì thế?!

-Bài thơ Xuân 61.

-À, bài thơ của nhà thơ Tố Hữu, viết ở miền Bắc để gởi gắm tâm tình vào miền Nam nhân sự kiện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vừa ra đời, hiệu triệu “Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng”, mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, diệt nguỵ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ông còn nhớ rõ bài thơ ấy, vui lòng đọc lại cho mình nghe với.

-Vâng, tôi nhớ đoạn đầu bài thơ như thế này:

“Tôi viết bài thơ xuân

Nghìn chín trăm sáu mốt

Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt

Nắng soi sương giọt long lanh…

Rét nhiều nên nắng ấm hanh

Ðắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?

Giã từ năm cũ bâng khuâng

Ðã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường...”

Bài thơ khá dài, tôi không thể đọc hết, chỉ đọc thêm ông nghe đoạn kết như một dự báo tương lai thật chính xác như thế này:

“Tôi viết cho ai bài thơ 61?

Ðêm đã khuya rồi rét về tê buốt

Hà Nội rì rầm… Còi thổi ngoài ga

Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa

Tiếng xình xịch, chạy dọc đường Nam Bộ…

Ôi đâu phải con tàu! Trái tim ta đó

Tiếng đập thình thình, muốn vỡ làm đôi!

Ta biết em rất khoẻ, tim ơi 

Không khóc đấy. Nhưng sao mà nóng bỏng

Như lửa cháy trong lòng ta gió lộng!

Mấy hôm nay, như đứa nhớ nhà

Ta vẩn vơ hoài, rạo rực, vào ra

Nghe tiếng mõ và nghe tiếng súng

Miền Nam dậy, hò reo náo động!

Ba con tôi đã ngủ lâu rồi

Còn bao nhiêu chưa được ngủ trong nôi

Miền Bắc thiên đường của các con tôi!

Gà gáy sáng. Thơ ơi mang cánh lửa

Hãy bay đi! Con chim kêu trước cửa

Thêm một ngày xuân đến. Bình minh

Cành táo đầu hè quả ngọt rung rinh

Như hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ

Treo trước mắt của loài người ta đó:

Hoà bình

Ấm no

Cho

Con người

Sung sướng

Tự do!”

Nghe tôi đọc đoạn đầu và đoạn cuối Bài thơ Xuân 61, ông cảm nhận được điều gì nói tôi nghe thử xem?

- Nghĩ mà thấy hay thật là hay ông hả! Từ sáu mươi năm trước, đất nước còn chia hai, miền Bắc ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, xây dựng miền Bắc thành thành trì vững chắc làm chỗ dựa và chi viện cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ, diệt nguỵ thống nhất đất nước.

Mình nghĩ, lúc ấy tiềm lực cách mạng chưa nhiều, chưa mạnh mà nhà thơ Tố Hữu, kể như là “phát ngôn nhân của cách mạng Việt Nam” đã sáng tác được một bài thơ xuân thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng sắt son của cả dân tộc, nhất định sẽ vượt qua muôn ngàn gian khó, đánh thắng kẻ thù hung bạo nhất thế giới để giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Quả thật, nếu không có niềm tin và sức mạnh tinh thần vững chắc ấy, chưa biết bao giờ mới có ngày đất nước hoà bình, toàn vẹn lãnh thổ, vững vàng đi lên sánh vai cùng bè bạn năm châu như đất nước ta hôm nay phải không ông!

-Vâng, xuân 1961, Ðảng ta vừa tổ chức thành công Ðại hội toàn quốc lần thứ III, đề ra Nghị quyết xác định hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

Từ đó đến nay trải qua 60 năm Ðảng ta tiến hành 10 lần Ðại hội, hai lần giành thắng lợi chấn động hoàn cầu. Ðó là Ðại thắng mùa Xuân 1975 “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục Việt Nam đánh thắng cả quân viễn chinh Hoa Kỳ, quốc gia vốn tự cho mình là “bất khả chiến bại”.

Rồi từ một đất nước vừa trải qua nhiều cuộc chiến tranh, kinh tế xã hội bị tàn phá nặng nề, thậm chí bị bao vây cấm vận mọi mặt, cho đến nay kết thúc năm 2020, bước sang năm 2021, cả nước ta tưng bừng chào đón Ðại hội toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng với tâm thế của một “Ðất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

-Như thế có thể nói là từ Tân Sửu 1961 đến Tân Sửu 2021, dưới ngọn cờ “bách chiến, bách thắng” của Ðảng, đất nước ta, dân tộc ta đã đi tới bến bờ vinh quang mà không phải nước nào cũng có được, phải không ông!

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh