Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Một lần đặt chân lên nóc nhà Đông Nam bộ
Thứ năm: 17:19 ngày 23/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đứng ở đỉnh núi rồi mới thấy những lời giới thiệu của nhà đầu tư, những ngợi khen của người đến trước quả không sai. “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”, không khí thật mát mẻ như ở Đà Lạt…

Những ngày giáp tết Canh Tý 2020, người người Tây Ninh náo nức khi biết Tập đoàn Sun Group chính thức khai trương hệ thống cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen. Không ít người Tây Ninh nói riêng, người dân khắp nơi nói chung từng có ước muốn được một lần đặt chân lên nóc nhà Đông Nam bộ này. Vì vậy, khi có tuyến cáp treo lên đỉnh, nhiều người nôn nao, háo hức mong sớm “hiện thực hóa” ước mơ.

Khi khai trương, chủ đầu tư công trình lại công bố nhiều thông tin hấp dẫn về công trình: nhà ga cáp treo được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận là nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới; ưu tiên giảm 50% giá vé đi cáp cho người dân địa phương trong 5 ngày đầu tiên, cùng nhiều hình ảnh cỏ hoa, cây xanh đẹp xinh rực rỡ… khiến bao người mê mẫn. Thế nên, dẫu ngày tết cổ truyền đã cận kề, bao người vẫn sắp xếp việc nhà, tranh thủ cùng rủ nhau lên đỉnh một lần cho biết!

Chen nhau đi cáp.

Tôi chọn đi vào chiều ngày thứ hai, sau ngày đầu tiên hệ thống cáp treo được khánh thành. Qua tham khảo thông tin từ những người thân quen đã lên đỉnh, tôi được biết khách tham quan cũng chưa đông lắm, không có cảnh phải chen lấn mua vé như bao kỳ hội xuân ở núi Bà mà tôi từng gặp phải. Và có lẽ, nhiều người cũng có chung thông tin như tôi nên chiều hôm ấy… núi lại đông ngẹt. Nhiều người dân địa phương biết thông tin về giảm giá vé chung chung, nhất là những bậc cha mẹ có con nhỏ đi theo nên không đem theo đầy đủ giấy tờ cần thiết, nhưng chẳng mấy ai phàn nàn, vẫn vui vẻ mua vé đúng theo giá quy định để đi cáp lên đỉnh.

Ấn tượng về nhà ga cáp treo hiện đại, đạt kỷ lục thế giới, tôi khỏi phải diễn tả vì quá nhiều người nói rồi. Trong những tiếng lao xao ngợi khen, suýt xoa, tôi nghe lẫn tiếng so sánh với nhà ga cáp treo ở Bà Nà (Đà Nẵng). Bở lẽ hai công trình này cũng có chung một chủ đầu tư. Sự đón tiếp niềm nở, lời chào thân thiện của anh chị nhân viên phục vụ hướng dẫn lên cáp đã giúp không ít người lần đầu tiên được ngồi cáp treo bớt sợ hãi. Và có lẽ không ít người còn chưa kịp quen cảm giác bồng bềnh, ù tai của cáp treo thì đã được… lên tới đỉnh.  

Cáp treo lên đỉnh.

Cảm giác đầu tiên ở đỉnh là… người và người, quen có lạ có. Nhưng phần đông vẫn là người Tây Ninh. Đứng ở đỉnh núi rồi mới thấy những lời giới thiệu của nhà đầu tư, những ngợi khen của người đến trước quả không sai. “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”, không khí thật mát mẻ như ở Đà Lạt; cây xanh, thảm hoa đủ sắc đủ màu rực rỡ, những tản đá to khổng lồ uy nghi…

Rất nhiều bạn trẻ thích cảm giác phiêu lưu tựa vào thành lan can kiếng đưa tay vươn ra như tìm cách níu đám mây trời bồng bềnh trôi. Có bạn “nghệ thuật hơn”, chọn góc giơ tay đến tận mặt trời… Người người chen nhau chụp ảnh, ai cũng muốn lưu giữ những cảnh đẹp xung quanh mà lần đầu tiên mới được tận hưởng ở đỉnh Bà Đen.

Thế nhưng trong số bao người đi thưởng ngoạn vẻ đẹp của đỉnh núi thì vẫn còn không ít người vô tư giẫm lên hoặc trộm hái hoa cỏ. Có người nhảy hẳn vào ngồi chồm hổm giữa đám hoa sao nhái mong manh để tạo dáng. Dẫu được anh nhân viên của khu du lịch đến nhắc nhở nhưng chị khách vẫn cố ngồi chụp xong tấm hình kỷ niệm. Kết quả, sau khi chị đứng lên, bước ra khỏi đám hoa, vạt hoa chỗ đã ngã rạp xuống, nhiều cây hoa đã dập gãy.  

Thảm hoa đỉnh núi.

Phải nói khu vực mới được đưa vào khai thác cho khách du lịch chiêm ngưỡng đầu tiên về đỉnh núi không rộng đến nỗi phải đi mỏi cả giò; cũng chưa có nhiều chỗ thăm viếng ngoại trừ hang Sơn Thần. Nhưng vì lần đầu tiên mới biết đỉnh, dù đông ken cỡ nào, ai cũng muốn một lần được chạm tay vào cái cột mốc tam giác ghi dòng chữ “Núi Bà Đen 986 mét”. Và bất chấp mọi nỗ lực can ngăn của nhân viên khu du lịch, nhiều người cứ tót thẳng lên ngồi trên bệ cột mốc để chụp hình.

Một điều nữa ai cũng biết, để khu du lịch luôn xanh, sạch, đẹp thì việc giữ vệ sinh chung cần ý thức của mỗi khách du lịch. Nhiều chỗ, khách du lịch vẫn vô tư bỏ vỏ chai nước suối, bao bì bánh kẹo thành cả đống nhếch nhác.  Đặc biệt sản vật của núi không nhất thiết phải quý giá như ốc núi, thằn lằn núi mà từ ngọn cây, cọng cỏ cũng cần tôn trọng. Cỏ lau ở đỉnh núi mùa này công nhận là đẹp thiệt, có không ít người không cưỡng lại được ham muốn đã bứt cả bó cầm về…

Chụp hình nơi cột mốc đỉnh núi.

Chỉ hơn một tiếng đồng hồ ở đỉnh, tôi và không ít người cũng đủ nhận ra rằng núi quê mình đẹp quá. Vẻ đẹp tiềm ẩn này giờ đây từng bước được đánh thức. Chắc chắn tết này, núi sẽ đông vui hơn, rộn ràng hơn, nhiều người sẽ biết được đỉnh núi hơn.

Thế nhưng, người đến du lịch cũng cần nâng cao ý thức văn hóa, từ việc xếp hàng trật tự mua vé, tránh cảnh chen lấn xô đẩy; từ việc bỏ rác đúng vào nơi quy định để không vứt bỏ lung tung làm khổ nhân viên vệ sinh gom dọn; từ việc nhường nhau bước đi, góc đứng để ai ai cũng có thể ngắm nhìn, chụp ảnh cảnh đẹp của núi ở mọi góc độ mà không phải chen nhau; rồi đến cả ý thức nâng niu từng cành cây, ngọn cỏ, hoa lá ở đỉnh mà bao người đã dày công trồng tỉa, chăm sóc…

Kim Ngân

Tin cùng chuyên mục