Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một lần đến Tây Nguyên
Chủ nhật: 05:44 ngày 18/11/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tây Nguyên- mảnh đất từng sản sinh ra những người anh hùng đã đi vào huyền thoại và trở thành cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết nên những bản trường ca bất tận truyền mãi tới muôn đời sau.

Sống ở vùng biển đã lâu, quen với những con sóng vỗ rì rào của biển cả và những cơn gió mặn mòi của đại dương nên chuyến đi Tây Nguyên vừa qua đã làm tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang dại của núi rừng và màu xanh thẳm bạt ngàn, sự hùng vĩ của những dòng thác ngày đêm rì rầm tuôn chảy của vùng đất Tây Nguyên.

Trước Bảo tàng Dân tộc Dak Lak.

Chuyến xe từ thành phố biển Nha Trang đưa chúng tôi đến mảnh đất Tây Nguyên vào một buổi sáng đầu tháng 8. Sau khi qua con đèo Phượng Hoàng uốn lượn là đến Dak Lak, vừa bước xuống xe cái lạnh bất chợt lùa vào da qua làn áo. Xung quanh tôi, những sắc màu hoa dại và sương trắng tràn ngập cả con đường. Tôi đã bắt đầu bị cuốn hút bởi cái vẻ hoang sơ huyền bí của núi rừng, những vườn cao su, cà phê bạt ngàn...

Điểm đến đầu tiên trong chuyến du ngoạn Tây Nguyên của chúng tôi là Bản Đôn. Tại đây, chúng tôi được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng và vượt sông Sêrêpôk để đến với Vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh những cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi, chúng tôi còn được thưởng thức một cảm giác mạnh khác là cái lắc lư nghiêng ngả của cầu treo Buôn Đôn. Chiếc cầu treo dài trên 100 mét bắc ngang lưng chừng những rặng si già vượt qua dòng sông đến ốc đảo Ea Nô, với bãi tắm tiên, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ…Trên cầu treo, có những nhà hàng tươm tất và mát mẻ dành cho du khách nghỉ ngơi và ăn uống ngay trên mặt nước. Tại đây, chúng tôi được thưởng thức những món ăn đặc sản như cơm lam, gà nướng, heo nướng, canh cá lăng, những món ăn đặc sản từ dòng sông Sêrêpôk. Ngoài ra, còn có những món ăn rất đặc trưng như: hoa chuối rừng, rau rừng, đọt mây rừng... Bản Đôn có bán nhiều món quà lưu niệm mang đậm nét Tây Nguyên được chế tác từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và được làm bằng nguyên liệu tại chỗ như: gùi, bầu đựng nước, vải thổ cẩm được dệt bằng tay từ nguyên liệu bông vải và nhiều mặt hàng khác có giá trị nghệ thuật cao.

Cưỡi voi trở về với bản làng.

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là thác Dray Nur hùng vĩ, là một thác nước trên dòng sông Sêrêpôk, cách TP. Buôn Ma Thuột chừng 25km về hướng Nam. Đây là một ngọn thác hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Dak Lak. Thác Dray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống 3 thác: Gia Long - Dray Nur và Dray Sáp của sông Sêrêpôk. Thật khó có thể diễn tả cảm xúc khi đứng trước những thác nước ồn ào, dữ dội cuộn chảy. Tôi đã thực sự choáng ngợp trước dòng thác đổ giữa chốn đại ngàn của núi rừng hùng vĩ.

Men theo từng bậc thang gối vào dốc đá khúc khuỷu dẫn xuống chân thác sâu đến vài chục mét, những gốc cây rừng cổ thụ xòe bóng rợp giữa một vùng khói nước tỏa nơi chân ngọn thác hùng vĩ càng khiến ngọn thác thêm phần rạng rỡ. Dray Nur là một ngọn thác hùng vĩ, với chiều dài trên 250m, chiều cao trên 30m, trải rộng khoảng 150m. Bọt tung trắng xóa, hơi nước ngập tràn khiến quang cảnh xung quanh thác thật nên thơ. Nhưng hấp dẫn nhất không phải là việc chiêm ngưỡng thác mà là khám phá, tìm kiếm cảm giác mạnh trong hang động gần 3.000m2 phía sau thác. Những khối đá được tạo dáng kỳ thú bên vệ đường xen lẫn những cây cổ thụ cùng với hàng cây cảnh được các nghệ nhân cắt tỉa trông thật bắt mắt tạo cho đường vào thác trở nên lung linh, huyền ảo, mơ màng. Tôi cảm thấy dường như đang lạc vào chốn tiên cảnh bồng lai nào đó trong tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân.

Kết thúc một ngày đắm mình trong những dòng nước mát lành Dray Nur, chúng tôi trở về thành phố và tham quan Bảo tàng Dân tộc Dak Lak và Sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột. Bảo tàng gồm hai tầng: Tầng 1 dùng để trưng bày những hiện vật, hình ảnh giới thiệu về đặc điểm tự nhiên của Dak Lak, về văn hóa hai dân tộc thiểu số Êđê và M'nông; các mô hình nhà sàn, trang phục, dụng cụ sản xuất, tượng nhà mồ, các bộ sưu tập ché rượu, gùi, trái bầu...Tầng 2 là nơi trưng bày những hình ảnh, hiện vật về công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của đồng bào Dak Lak. Ngoài ra, Bảo tàng cũng trưng bày những hình ảnh về công cuộc xây dựng phát triển kinh tế của người dân Dak Lak sau ngày giải phóng: khai hoang ruộng nước, trồng cao su, cà phê, chế biến mủ cao su, làm thủy điện, các hoạt động y tế, du lịch... Qua đó chúng tôi mới cảm nhận hết được những đặc trưng văn hóa của đồng bào nơi đây muôn màu muôn vẻ, đa sắc thái dân tộc. Tây Nguyên cũng như bao mảnh đất khác dọc trên chiều dài đất nước, đã từng trải qua bao năm tháng mưa bom bão đạn của chiến tranh. Mảnh đất từng sản sinh ra những người anh hùng đã đi vào huyền thoại và trở thành cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết nên những bản trường ca bất tận truyền mãi tới muôn đời sau.

Để kết thúc chuyến hành trình khám phá Tây Nguyên với thời gian ít ỏi, chúng tôi đi một vòng để thưởng thức phố núi vào lúc chạng vạng tối, đó quả thực là một trải nghiệm thú vị. Quảng trường trung tâm về đêm rực rỡ ánh đèn; đài phun nước xung quanh chiếc xe tăng biểu tượng cho chiến thắng Buôn Ma Thuột xuân 1975. Những khu phố buôn bán sầm uất ở đường Phan Bội Châu, Trần Phú, Phan Chu Trinh…và sau đó chọn một quán cà phê tĩnh lặng dặt dìu nhạc Trịnh, thích thú nhấm nháp từng giọt cà phê đậm đà của thủ phủ cà phê nức tiếng cả nước.

Mỗi nơi đi qua đều để lại trong tôi những dư hương đủ mùi vị của miền đất Tây Nguyên về tình người nồng hậu, hương cà phê nồng nàn phố núi, vị nồng say của rượu cần, mùi thơm phức của ống cơm lam và những âm thanh của tiếng cồng chiêng. Chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng cảm xúc trong tôi thì không bao giờ phai mờ, giục giã lòng mình sẽ đến với Tây Nguyên lần sau.

V.C (st)

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin liên quan