Ở các quốc gia phát triển, sĩ số học sinh trong một lớp học ở trường phổ thông thường không quá 25 học sinh.
|
Khoảng cách giữa học sinh ngồi ở bàn đầu với bục giảng của giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Hoà Thành) quá gần |
(BTN) - Mỗi lớp học chỉ nên có khoảng 25 đến 30 học sinh để tạo điều kiện cho giáo viên dạy tốt hơn– ý kiến này do một giáo viên Trường tiểu học Tân Lập, huyện Tân Biên nêu lên trong một lần tiếp xúc với các vị đại biểu Quốc hội cách nay chưa lâu. Theo giải thích của một số giáo viên, do sĩ số một lớp học hiện nay thường quá đông, từ 35 - 40 học sinh mỗi lớp, nên trong quá trình dạy, mặc dù giáo viên phải làm việc hết sức vất vả nhưng vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu chuyên môn như mong muốn.
Theo tinh thần dạy học mới, không phải tiết học nào giáo viên cũng yêu cầu học sinh “khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng” để nghe cô giáo giảng bài. Trong sách giáo khoa có nhiều bài học yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm (thảo luận nhóm), tuy nhiên vì sĩ số học sinh quá đông nên hoạt động này bị hạn chế rất nhiều. “Có nhiều khi phân chia nhóm thảo luận xong, học sinh chưa kịp “thảo” thì giáo viên đã vội “kết luận” vì hết giờ”– một giáo viên dạy tiểu học nói. Học theo nhóm, làm việc theo nhóm có ưu điểm là khiến học sinh tự tin, phần lớn học sinh đều tham gia xây dựng bài chứ không chỉ ngồi để nghe cô đọc cho chép (hoặc nhìn lên bảng để chép). Nhưng sĩ số lớp học quá đông nên việc giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận hiện chỉ đang dừng lại ở mức “biểu diễn”, hình thức. Thậm chí có giáo viên chỉ làm việc này khi có đồng nghiệp dự giờ, hội giảng…
Tình trạng sĩ số học sinh quá đông trong một lớp đặc biệt phổ biến ở các trường tiểu học có tổ chức các lớp theo mô hình bán trú, nhất là những trường bán trú đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Có thể khẳng định, hiếm có trường tiểu học bán trú nào đạt chuẩn quốc gia tuyển đúng số học sinh 35 em mỗi lớp như quy định. Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Hoà Thành) chẳng hạn. Năm học 2012 – 2013 này, toàn trường có 30 lớp với tổng số học sinh 1.132 em, bình quân 37,7 em/lớp (thực tế có lớp đến 39 em). Theo quy định đối với trường đạt chuẩn quốc gia thì Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu đã tuyển vượt số lượng 82 em, tương đương hơn 2 lớp. Điều đáng nói là trong tổng số 1.132 em học sinh, số học sinh trong địa bàn chỉ có… 303 em (!). Gần 830 còn lại là ngoài địa bàn (trái tuyến). “Rõ ràng hiện nay không có quy định nào cấm nhà trường tuyển sinh ngoài địa bàn, song việc tuyển quá đông như vậy rõ ràng có cái gì đó không ổn. Bàn ghế thì lớn, phòng ốc lại chật chội nên giáo viên khó triển khai bài dạy theo yêu cầu sư phạm”- một cô giáo đang dạy lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Hoà Thành) nói.
Theo ý kiến của một số giáo viên tiểu học ở Tân Biên, Bến Cầu và Hoà Thành, nếu sĩ số học sinh giảm xuống, giáo viên sẽ có điều kiện kèm cặp thật sự cho những học sinh tiếp thu bài chậm. Thế nhưng, do trong lớp có nhiều học sinh, nếu hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cho em này thì mất em kia.
Không chỉ ảnh hưởng đến chuyên môn, do sĩ số lớp đông, mặt bàn dành cho học sinh có thiết diện lớn (mặt bàn rộng để học sinh vừa học vừa làm chỗ ngủ trưa) nên những em học sinh “được” xếp ngồi học ở bàn đầu gần như đã sát với bảng, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến mắt của các em. Chưa kể, do bàn ghế được xếp quá dày, khoảng cách giữa bàn này với bàn kia quá gần nên có cảm giác không gian lớp học tù túng, bức bối, nóng nực.
Không chỉ xảy ra ở bậc tiểu học mà ở bậc trung học phổ thông, sĩ số trong một lớp quá đông cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy – học. “Khối lượng kiến thức thì nhiều, thời lượng dành cho bài học lại ít, học sinh thì đông nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai ý đồ sư phạm” – ý kiến vừa nêu là của một giáo viên dạy môn Hoá học ở Trường THPT Trần Phú (huyện Tân Biên). Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, giáo viên này kiến nghị các cấp có thẩm quyền nên xem xét để giảm sĩ số học sinh trong một lớp sớm chừng nào hay chừng đó.
Ở các quốc gia phát triển, sĩ số học sinh trong một lớp học ở trường phổ thông thường không quá 25 học sinh. Tại Việt Nam, những trường học có “yếu tố nước ngoài” cũng được tổ chức theo tinh thần ấy: càng ít học sinh càng dễ dạy. Tuy nhiên, việc giảm sĩ số học sinh trong một lớp không phải là điều dễ thực hiện bởi để làm được điều này, phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến đội ngũ, lực lượng giáo viên và cơ sở vật chất trường, lớp…
VIỆT ĐÔNG