Gắn nhiều màn hình vào một
máy tính
Quen thuộc nhất trong suy
nghĩ của mọi người là mỗi chiếc máy tính sẽ chỉ cần có một màn hình để xem thông
tin. Tuy nhiên với giá thành phần cứng, cụ thể là các loại màn hình ngày càng
giảm đến mức chấp nhận được, cũng như nhu cầu sử dụng máy tính đa tác vụ ngày
càng tăng, bạn sẽ thấy rằng mình cần gắn nhiều hơn một màn hình vào một máy tính
trong các trường hợp sau. Thứ nhất, bạn cần chiếu hình ảnh từ một máy tính lên
cùng lúc nhiều màn hình, và thứ hai, khi bạn muốn mở rộng màn hình làm việc của
mình với chi phí thấp hơn là mua và sử dụng một màn hình kích thước lớn.
Chiếu hình ảnh từ một máy
tính lên cùng lúc nhiều màn hình
Nếu cần hiển thị thông tin
giống nhau lên tất cả các màn hình đã gắn, được phát ra từ một máy tính, thì bạn
chỉ cần duy nhất một chiếc card màn hình là đủ. Thứ bạn cần dùng thêm là các bộ
chia cổng màn hình (VGA splitter). Bộ chia đơn giản nhất chỉ là sợi cáp VGA
Splitter chia một cổng VGA thành hai cổng, nối vào hai màn hình (khoảng 200.000
đồng).
Phức tạp hơn là các hộp chia
VGA Splitter 1 ra 2 (180.000 đồng), VGA Splitter 1 ra 4 (200.000 đồng), hay VGA
Splitter 1 ra 8 (250.000 đồng). Trường hợp card màn hình của bạn phát tín hiệu
ra cổng DVI thì bạn phải dùng các bộ chia DVI Splitter 1 ra 2 (450 USD), hay DVI
Splitter 1 ra 4 (520 USD).
Ghép nhiều màn hình thành
một màn hình rộng hơn
Nếu bạn muốn ghép nhiều màn
hình lại thành một màn hình lớn, theo cách sử dụng thứ hai, cơ bản nhất là bạn
cần dùng số card màn hình tương ứng với số màn hình bạn gắn thêm. Lưu ý rằng một
số card màn hình có đến hai cổng giao tiếp có thể chạy song song cùng lúc. Vì
thế khi gắn nhiều màn hình vào một máy tính cá nhân, bạn nên dùng loại card này
để giảm thiểu số khe cắm bị chiếm dụng trên máy tính của mình.
Các máy tính xách tay hầu
hết đều có sẵn một cổng video mở rộng để bạn gắn thêm màn hình mà không cần phải
gắn thêm card màn hình. Tùy dòng máy mà đó là cổng VGA, DVI hay mini Display
port. Thực chất là bạn không còn khe để cắm thêm một chiếc card màn hình thứ hai
vào laptop. Tuy nhiên, nếu cần thiết bạn có thêm tăng cường card màn hình bằng
cổng USB với thiết bị VGA KVJ 1920 (137USD).
Hệ điều hành và các công cụ
hỗ trợ
Hầu hết các hệ điều hành
hiện nay như Windows, Mac OS X và Linux đều hỗ trợ việc người dùng máy tính cá
nhân sử dụng nhiều card màn hình và nhiều màn hình cùng lúc để tạo nên một màn
hình lớn. Một vài loại card màn hình còn cung cấp thêm các phần mềm hỗ trợ nâng
cao việc dùng nhiều màn hình theo hai chế độ hiển thị khác nhau. Một số phần mềm
hỗ trợ quản lý đa màn hình được người dùng ưa chuộng là:
DisplayFusion (http://www.displayfusion.com),
chạy trên hệ điều hành Windows, bản Basic: miễn phí, bản Pro giá 25 USD.
Synergy (http://synergy2.sourceforge.net),
hoạt động được trên cả Windows/Mac/Linux, miễn phí.
UltraMon (http://www.realtimesoft.com/ultramon),
chạy trên Windows, giá 39.95 USD.
MultiMon (http://www.mediachance.com/free/multimon.htm),
bản Basic: miễn phí, bản Pro giá 28 USD.
Hai chế độ hiển thị
Khi dùng thiết bị chia sẻ
VGA Splitter như cách thứ nhất, bạn chỉ có thể sử dụng theo một cách duy nhất là
các màn hình đều hiển thị giống hệt nhau. Với cách kết nối phần cứng thứ hai
này, nghĩa là mỗi màn hình gắn vào một cổng VGA hay DVI, bạn sẽ được quyền chọn
lựa việc hiển thị theo kiểu nối các màn hình lại với nhau (Spanning) hay hiển
thị giống hệt nhau (Cloning).
Và dĩ nhiên là khi đã tốn
kém thêm cho việc đầu tư các card màn hình mở rộng, thì chúng ta sẽ quan tâm đến
kiểu kết nối các màn hình lại với nhau. Bạn sẽ phải đặt các màn hình bên cạnh
nhau, và Desktop của bạn sẽ hiển thị dàn trải ra trên các màn hình đó. Khi con
chuột đi ra khỏi cạnh phải của màn hình bên trái, thì nó sẽ lập tức xuất hiện ở
cạnh trái của màn hình bên phải.
Như vậy xem như bạn có một
màn hình rất rộng để làm việc đa nhiệm, một cửa sổ dùng soạn thảo văn bản, trong
khi cửa sổ kia dùng lướt web, đọc email hay chơi game. Các chuyên viên đồ họa
thường xem thử tấm ảnh ở một cửa sổ và hiệu chỉnh nó ở cửa sổ bên kia. Với một
số trò chơi như Flight Simulator, bạn còn có thể mở rộng cửa sổ trò chơi ra
nhiều màn hình, tương tự như bạn đang ngồi trong khoang lái của một chiếc máy
bay thực sự.
Và khi cần thiết bạn cũng có
thể cấu hình lại để hiển thị giống nhau trên mọi màn hình, dù chúng gắn trên các
cổng VGA hay DVI khác nhau. Cách này thường được sử dụng khi bạn thuyết trình
bằng Power Point. Nó giúp người trình bày có thể nhìn vào một màn hình, còn
người nghe thì nhìn vào một màn hình khác, tùy theo vị trí của mình.
Cấu hình chuyển đổi chế độ
hiển thị
Việc cấu hình để chọn một
trong hai chế độ hiển thị này khá đơn giản. Sau khi gắn màn hình mở rộng vào máy
tính, bạn hãy khởi động lại hệ điều hành. Màn hình mới sẽ được nhận ra và bạn có
thể chọn một trong ba cách hiển thị trên màn hình phụ như sau: Duplicate my
desktop (hiển thị cùng một nội dung trên cả màn hình chính và màn hình phụ),
Show different parts of my desktop on each display (màn hình chính và màn hình
phụ sẽ ghép thành một màn hình rộng), và chọn lựa cuối cùng Show my desktop on
the external display only (chỉ hiển thị nội dung máy tính lên màn hình phụ mà
thôi).
Khi cần chọn lại chế độ hiển
thị mới, bạn bấm phải chuột trên màn hình Desktop, rồi chọn mục Screen
Resolution. Để phát hiện ra màn hình mới gắn vào, bạn bấm nút Detect. Tên màn
hình mới khi phát hiện ra sẽ được đưa vào mục Display. Bạn có thể chọn để cấu
hình độ phân giải cho từng màn hình mà bạn đang có.
Với mục chọn Orientation,
bạn có thể chọn để các màn hình của mình hiển thị theo chiều ngang (Landscape),
hay chiều đứng (Portrait). Còn để thay đổi chế độ hiển thị giữa hai màn hình,
bạn dùng mục Multiple displays. Có bốn mục để bạn chọn là chế độ ghép hai màn
hình (Extend these displays), hiển thị hai màn hình giống nhau (Duplicate these
displays), hay chỉ hiển thị trên một màn hình mà thôi (Show desktop on ly on 1,
Show desktop on ly on 2).
Với máy tính xách tay, thì
còn có một cách khác để chuyển đổi cực nhanh giữa các chế độ hiển thị của hai
màn hình là bạn chọn mục Connect to a projector ở ngay phía dưới các mục chọn
trên. Một cửa sổ sẽ bật lên để bạn chọn nhanh giữa bốn chế độ: Computer only,
Duplicate, Extend và Projector only. Bạn sẽ xem Projector trong menu này chính
là màn hình thứ hai được gắn vào cổng VGA của laptop. Nếu đang không ở trong cửa
sổ cấu hình Screen Resolution, bạn có thể dùng tổ hợp phím tắt Windows + P để
bật menu này lên.
Một số lỗi của việc dùng
nhiều màn hình
Ý định của bạn là ghép hai
hay ba màn hình lại thành một màn hình rộng. Tuy nhiên, chiếc màn hình rộng ảo
mà bạn tạo ra sẽ bị ngăn thành các phần riêng lẻ bởi các khoảng trống tạo ra do
cạnh của các màn hình vật lý. Những hình ảnh trải dài qua hai màn hình sẽ bị
gián đoạn ở giữa. Vì thế khi chọn mua, bạn nên lựa những loại màn hình có hai
cạnh bên càng mỏng càng tốt. Đa phần những người dùng nhiều màn hình sẽ đặt các
chương trình được chú ý hơn ở màn hình chính, còn các chương trình ít dùng hơn
sẽ nằm trên các màn hình còn lại.
Nhưng một vài chương trình
lại bị lỗi khi bạn cho nó chạy trên các màn hình phụ, nhất là các ứng dụng chiếu
phim từ đĩa DVD. Nguyên nhân là do các ứng dụng phát hình từ đĩa DVD thường sử
dụng tính năng phủ hình (overlay), vốn được lập trình để chỉ hoạt động trên màn
hình chính. Khi bạn mang màn hình chiếu phim DVD dạng này bỏ sang màn hình phụ,
nó sẽ không hiển thị gì cả. Do lỗi này, mà hầu hết các trò chơi cũ trên máy tính
đơn cũng chỉ chạy được trên màn hình chính, và bị lỗi khi chạy trên các màn hình
thứ hai.
Lam Kiều
(st)