Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một mình lo bảy, lo ba
Thứ tư: 20:56 ngày 07/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gần hai năm qua, bà Nguyễn Thị Nhi, 59 tuổi, ngụ ấp Thạnh Sơn, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên một mình vừa chăm sóc bà mẹ già 79 tuổi, vừa lo cho người em đã ngoài 50 tuổi bị bệnh tâm thần. Cuộc sống thật sự khó khăn khi việc chăm nom người bệnh chiếm hết thời gian của bà Nhi.

Bà Nhi bên hai người thân của mình.

Thời gian qua, thu nhập của gia đình bà nhờ vào việc cho thuê căn nhà nhỏ với giá vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, cộng với khoản trợ cấp xã hội của Nhà nước và sự giúp đỡ của chòm xóm. Bà lo âu nói: “Nếu khoẻ mạnh thì không sao, nhưng mẹ và em trai tôi có lúc cũng phải đi viện, lúc đó thì thiếu hụt”. Bản thân bà sức khoẻ cũng không mấy tốt, trong khi tuổi ngày một cao.

Mỗi ngày, bà Nhi chỉ quanh quẩn ở nhà lo vệ sinh, ăn uống cho mẹ già và trông nom người em bệnh tâm thần. Bà cho biết, vài năm trước đây, gia đình bà cũng có thu nhập từ một quán nước nhỏ ở xã Thạnh Bắc. Lúc đó, mẹ của bà còn khoẻ, có thể đảm nhận việc chăm sóc cậu con trai.

Tuy nhiên, hai năm nay, bà cụ lâm bệnh nặng, không còn tự đi lại được nên bà phải về ở cùng để tiện việc chăm sóc cho cả mẹ và em. Có những lúc bà phải túc trực ở bệnh viện để nuôi mẹ bệnh. Có những lúc lại lặn lội đưa em trai đi Biên Hoà để lấy thuốc về uống.

Trước đây, bà Nhi cũng từng lập gia đình, nhưng rồi cuộc hôn nhân bị đổ vỡ, bà quyết định ở vậy, để hủ hỉ cùng mẹ già. Khi về ở với mẹ, bà Nhi lại mở một cái quán nhỏ trước nhà để kiếm thêm thu nhập. Nhưng rồi vì việc nhà khó sắp xếp, việc buôn bán không thuận lợi, vốn liếng cũng không còn, cuộc sống của mấy mẹ con nhà bà ngày càng trở nên khó khăn.

Bây giờ, khi mọi việc đã dần ổn định hơn, bà ao ước mình có một số vốn nho nhỏ để mở lại cái quán nước hầu buôn bán kiếm đồng ra đồng vào nhưng bà đành bất lực khi thu nhập hiện tại chỉ tạm đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày, đó là chưa kể bà còn đang mang một khoản nợ mà không biết khi nào mới trả được. Bà Nhi buồn rầu nói: “Chị em thương mình mới cho mượn nợ nhưng tôi lại chưa có cách để trả. Mang nợ người ta cũng lo lắm”.

 Lo âu, buồn rầu nhưng bà Nhi vẫn không quên trách nhiệm đối với gia đình. Mỗi ngày bà đều tự dặn mình phải cố gắng nhiều hơn để còn lo cho hai người thân bệnh tật.

V.X

Tin cùng chuyên mục