Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Gần mười năm nay, chị và cô con gái sống trong một gia đình không có đàn ông. Hỏi có cảm thấy trống vắng, cô quạnh gì không? Chị cười buồn nói lâu rồi thành quen, cũng bình thường thôi.
Gần mười năm nay, chị và cô con gái sống trong một gia đình không có đàn ông. Đến nay, con gái đi học ở thành phố, chị lại sống chung với mấy em, mấy cháu gái giúp việc. Hỏi có cảm thấy trống vắng, cô quạnh gì không? Chị cười buồn nói lâu rồi thành quen, cũng bình thường thôi. Công việc hằng ngày quá nhiều, con gái mỗi ngày một lớn, trách nhiệm với gia đình không thể bỏ qua, tự nhiên chị thấy mình trở nên mạnh mẽ, quyết đoán như một người đàn ông thực thụ.
Mái ấm gia đình có hơi hướm người đàn ông của chị chỉ kéo dài được mười năm. Khi mâu thuẫn vợ chồng trở nên căng thẳng, hai người quyết định chia tay, chị nhận quyền nuôi con gái nhỏ. Trở về mảnh đất cũ cha mẹ chia cho, chị bắt tay vào làm lại từ đầu: nuôi heo, làm vườn, mấy năm nay là kinh doanh cà phê vườn. Quán cà phê Vườn Dâu của chị khuất sâu trong ngõ, gần cổng doanh trại quân đội của Sư đoàn 5, chỉ đông khách từ lúc 9 giờ sáng, tới 7 giờ tối. Ngày thứ bảy, chủ nhật bận rộn hơn nên chị phải nhờ mấy cô em họ giúp việc. Hằng tháng, chị đi Thành phố HCM vài lần để đem tiền cho cô con gái đang theo học Học viện Hành chính quốc gia, mỗi tháng tốn 1,5 triệu đồng tiền ăn ở, riêng khoản học phí cả năm khoảng 6-7 triệu. Chi phí cho con ăn học đến ra trường, ước tính cũng gần 70 triệu đồng, chị tự gánh cả. Đó là chuyện con cái, còn những công việc cần bàn tay đàn ông như sửa sang nhà cửa, quán sá, chăm sóc vườn cây… chị đều làm gọn ghẽ. Đến quán cà phê Vườn Dâu, các bậc mày râu đều không khỏi ngạc nhiên bởi cách thiết kế, trang trí từ hàng rào, thác nước, tượng, đèn trong quán của chị, chúng được sắp xếp, bố trí rất có mỹ thuật. Vừa làm chủ, vừa… chạy bàn, vừa đi chợ, không thấy lúc nào chị thảnh thơi để tự nhìn lại nhan sắc mình như thế nào.
Công việc chị yêu thích nhất là đi làm từ thiện. Chi hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi chùa Cẩm Phong (Gò Dầu) ghi nhận chị là một thành viên tích cực, thường xuyên. Đợt cứu trợ, tặng quà cho người nghèo nào, ở đâu chị đều nhiệt tình tham gia, góp hàng triệu đồng cùng nhà chùa. Người viết từng gặp chị nhiều lần trong những đợt cứu trợ người nghèo ở các huyện biên giới Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu và các điểm vùng sâu, vùng xa ở Bến Cầu, Gò Dầu, hoặc xa hơn nữa là các tỉnh bạn bị thiên tai bão lụt. Tháng 5 vừa qua, biết chùa Cẩm Phong sắp có chuyến đi tặng quà cho người nghèo ở một số tỉnh miền Đông, chị đem tới ủng hộ 1.000kg gạo. Tuy chưa phải giàu có nhưng chị luôn tâm niệm phải chia sẻ với người nghèo.
Lo làm ăn, xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con nên người và dành thời gian đi làm từ thiện. Đó là mối quan tâm của chị. Chúng giúp chị quên đi nỗi cô đơn, hiu quạnh của một gia đình thiếu vắng đàn ông. Chị lấy chồng năm 22 tuổi, tới năm 32 tuổi thì ly hôn, năm nay bước sang tuổi 41, chị đã quen dần với cảnh nhà toàn phụ nữ. “Không có đàn ông cũng chẳng sao. Mình vẫn sống với một mái ấm gia đình” – chị nói. Tuy nhiên, cũng có những lúc chợt buồn. Chị từng vượt qua nỗi buồn, cô đơn của người phụ nữ còn thanh xuân bằng nghị lực của một người mẹ có trách nhiệm. Cũng có người ra công vun vén, mai mối cho chị nhưng đều không thành. Với chị, lấy chồng chỉ để trong nhà có tiếng đàn ông thì cần suy nghĩ lại. Chị nói cũng e mình lấy chồng sẽ khiến con gái buồn. Mấy lần có người tới mai mối, thấy con bé buồn hiu, tội nghiệp lắm! Bây giờ công việc luôn khép kín, chị cũng chẳng có thời gian rảnh mà tiếp cận “đối tượng”.
Người phụ nữ đầy nghị lực này là chị Phạm Thu Hà, chủ quán cà phê Vườn Dâu ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành.
Phương Quý