BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một năm bận rộn, Quốc hội sáng đèn vì quốc kế dân sinh 

Cập nhật ngày: 23/01/2024 - 09:29

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2023 là một năm hoạt động bận rộn của Quốc hội với khối lượng công việc lớn, nhiều việc chưa có tiền lệ, tính chất công việc ngày càng khó và phức tạp hơn.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: Năm 2023 là một năm hoạt động bận rộn của Quốc hội, với khối lượng hoạt động có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Các cơ quan của Quốc hội đã tận tâm tận lực làm việc, không có ngày nghỉ, lễ, tết với tinh thần chủ động, trách nhiệm cùng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc vì quốc kế dân sinh.

Trước thềm xuân mới Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành thời gian chia sẻ với báo chí về những kết quả hoạt động trong năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV và những trọng tâm công tác của Quốc hội trong năm 2024.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2023 là một năm hoạt động bận rộn của Quốc hội với khối lượng công việc lớn, nhiều việc chưa có tiền lệ, tính chất công việc ngày càng khó và phức tạp hơn.

Ông cũng nhấn mạnh thông điệp về một Quốc hội không ngừng đổi mới, ngày càng chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, linh hoạt, bám sát hơi thở của cuộc sống, luôn đặt người dân và doanh nghiệp là trung tâm.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trả lời phỏng vấn (Ảnh: VPQH)

Phóng viên (PV): Thưa Chủ tịch Quốc hội, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội có đánh giá như thế nào về những kết quả trong hoạt động của Quốc hội năm vừa qua?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đúng vậy, năm 2023 có thể nói là một năm khối lượng công việc của Quốc hội lớn nhất từ đầu Khóa tới nay. Theo Hiến pháp, Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ, nhưng riêng năm 2023 có 5 kỳ họp, gồm 2 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường.

Có lẽ trong lịch sử 78 năm của Quốc hội, chưa năm nào nhiều kỳ họp như thế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài 12 Phiên họp thường kỳ hàng tháng cũng họp bổ sung 2 Phiên chuyên đề pháp luật và 5 Phiên họp khác, tổng cộng là gần 20 Phiên, chưa kể các Hội nghị toàn quốc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì hoặc phối hợp tổ chức.

Ngoại giao nghị viện sôi động và hiệu quả, chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung, bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của Việt Nam và thể hiện rõ Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã đón 9 Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Việt Nam; hàng chục Đoàn lãnh đạo nghị viện, các ủy ban của nghị viện, nhóm nghị sĩ hữu nghị, nghị sĩ các nước thăm và làm việc; tiến hành hàng chục hoạt động đối ngoại song phương quan trọng, đạt kết quả thực chất, toàn diện trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân. Đặc biệt Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức thành công ngoài mong đợi Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Khối lượng công việc mà Quốc hội đã hoàn thành trong năm 2023 là vô cùng lớn, nhiều việc khó, phức tạp, chưa có tiền lệ nhưng Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi kiểm điểm lại thì cũng thấy rằng, các quyết sách của Quốc hội đã rất kịp thời, đúng và trúng, tạo khung khổ pháp lý để thực hiện các chủ trương của Trung ương, bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn hướng đến tầm nhìn xa dài hơn trong tương lai.

Nhiều người hỏi chúng tôi vì sao ngày lễ, ngày Tết mà Quốc hội vẫn làm việc, đêm khuya vẫn sáng đèn? Nhưng với khối lượng công việc như vậy, nếu không làm thì làm sao đáp ứng được. Việc trình các dự án luật, nghị quyết nửa đêm về sáng là chuyện bình thường vì thực tế cấp bách.

Bản thân anh em chúng tôi không muốn vất vả như thế, cũng không muốn đại biểu Quốc hội, cán bộ, công nhân viên Văn phòng Quốc hội vất vả nhưng vì việc chung, mỗi người đều phải cố gắng gấp đôi, gấp ba, làm được như vậy rất khó, không dễ dàng gì, nhưng tất cả đều thấy vui vì đã được đóng góp cho đất nước.

PV: Từ đầu nhiệm kỳ khoá XV, Chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần lập pháp kiến tạo sự phát triển. Xin Chủ tịch cho biết tinh thần này đã được thể hiện như thế nào trong năm 2023?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Quốc hội tiếp tục tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo, phát triển, có tầm nhìn dài hạn trên cơ sở bám sát Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội 2021 - 2026.

Riêng năm 2023, Quốc hội đã ban hành và cho ý kiến 26 dự án luật, trong đó thông qua 16 dự án luật, cho ý kiến 10 dự án luật khác; thông qua 6 nghị quyết như luật (nghị quyết có quy phạm pháp luật). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua một pháp lệnh và 10 nghị quyết như pháp lệnh. Như vậy tới nay, có 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ đã được hoàn thành, chiếm 83,21% khối lượng công việc cả nhiệm kỳ.

Thực tế cuộc sống phong phú, đa dạng nên đương nhiên có nhiệm vụ lập pháp thêm mới, có nhiệm vụ rút ra khỏi chương trình hàng năm. Có những việc tôi nghĩ nếu sau này nghỉ hưu và viết hồi ký, có khi sách bán cũng “đắt” khách đấy (cười).

Trước kỳ họp thứ 6, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa vào chương trình dự thảo nghị quyết Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nghị quyết của Quốc hội về cho phép áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Với nội dung thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp một lần đã kết luận, đồng ý trình Quốc hội, nhưng nội dung thứ hai, họp 2 lần cũng không thông qua được để trình, vì việc lập dự toán ngân sách hàng năm, chi tiền hỗ trợ cho các tập đoàn để thu hút đầu tư là chưa có tiền lệ trên thế giới.

Do đó, ngay tại phiên họp trù bị, chúng tôi đã kiến nghị Quốc hội cho rút dự thảo nghị quyết về thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, chỉ trình nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu và được Quốc hội đồng ý. Nhưng một tuần sau, các tập đoàn đa quốc gia gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội, đề nghị không thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu một cách riêng lẻ, mà phải thông qua đồng thời cả hai nghị quyết, nếu không nên hoãn lại. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép rút cả 2 dự thảo nghị quyết này.

Nhưng sau đó, các tập đoàn đa quốc gia lại thay đổi ưu tiên, đề nghị nếu chưa có nghị quyết hỗ trợ đầu tư vào công nghệ cao, đề nghị thông qua sớm nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Họ lo tranh chấp về mặt pháp lý, vì phải làm nghĩa vụ thuế ở nhiều nước là rất phức tạp ảnh hưởng tới việc lập kế hoạch tài chính và phương án nộp thuế của các doanh nghiệp từ năm 2024. 

Trước tình thế đó, trong ngày nghỉ đầu tiên giữa hai đợt họp, tôi làm việc với các cơ quan, gợi ý trình nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp và thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chính bằng nguồn này chứ không chi bằng dự toán ngân sách nhà nước nên được các cơ quan đồng ý. Thủ tướng khi biết tin cũng phấn khởi lắm, nửa đêm còn gọi điện chia sẻ với tôi.

Sau đó, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lại xin Quốc hội đưa trở lại chương trình. Trước hết là xin đưa trở vào việc thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, để giành quyền đánh thuế bổ sung, chống xói mòn cơ sở thuế. Riêng vấn đề này, năm tới chúng ta thêm được khoảng gần 15.000 tỷ đồng mà nếu không có nghị quyết, không thu được khoản tiền này.

Đồng thời, các cơ quan cũng trình Quốc hội đồng ý chủ trương cho lập quỹ hỗ trợ đầu tư chính từ nguồn này và các nguồn lực khác, giao Chính phủ xây dựng Nghị định quy định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Quyết sách này được dư luận đánh giá rất cao, nhiều tập đoàn đa quốc gia gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội hết sức hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ và Quốc hội. Họ nói rất yên tâm, cam kết sẽ đầu tư lâu dài, kêu gọi các tập đoàn khác vào và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đó là điển hình của câu chuyện “kéo pháo vào và kéo pháo ra” trong làm luật, nhưng là để ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và kiến tạo phát triển. Bản thân Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn phương án tối ưu.


Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (Ảnh: VPQH)

PV: Xin Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những trọng tâm công tác và yêu cầu nhiệm vụ mới của Quốc hội trong năm 2024?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết định chưa thông qua hai dự thảo gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Sau khi nghiên cứu, tiếp thu góp ý của 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của dự án luật này và còn nhiều ý kiến khác nhau về quan điểm trong xem xét dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp gần nhất.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra ngay những ngày đầu năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Cùng với đó, Quốc hội cũng thông qua Luật Các tổ chức tín dụng góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống; tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến…

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc Quốc hội bổ sung nội dung này vào trong Kỳ họp thứ 6 và thông qua Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024. Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với việc đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn cuộc sống, điều này còn cho thấy Quốc hội tiếp tục quán triệt nguyên tắc: Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.

Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Quốc hội đặt ra yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 cũng đã đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%.

Như tôi đã nói, Quốc hội tiếp tục xuyên suốt tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn. Với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ kịp thời, trong thẩm quyền của mình, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết. Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia với số vốn đầu tư rất lớn. Sáu dự án này đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng và từng địa phương có dự án đi qua.

Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tiếp tục trên tinh thần đó. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ giúp 21 dự án giao thông trọng điểm khác của đất nước rút ngắn đáng kể thời gian, tăng tốc tiến độ dự án.

Vừa qua, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét, xử lý và báo cáo kết quả vào Kỳ họp thứ 7, có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận công chức, viên chức. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Kết quả của Tổng rà soát, hệ thống hoá hệ thống pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình cải cách hành chính. Từ đó, sang năm 2024, chúng ta tiếp tục thực hiện tổng rà soát về thủ tục hành chính.

Cùng với đó chúng ta đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội, an sinh xã hội, sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.

Quốc hội cùng với hệ thống chính trị tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm…

Tất cả đều nhằm mục đích khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội!

Nguồn dangcongsan