Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một năm cầm quyền của ông Trump
Chủ nhật: 21:02 ngày 21/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nước Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau kể từ khi tỷ phú Donald Trump thành ông chủ Nhà Trắng.

Nước Mỹ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau kể từ khi tỷ phú Donald Trump thành ông chủ Nhà Trắng.

Ngày 20/1, đánh dấu mốc một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà lãnh đạo 72 tuổi, với cá tính mạnh mẽ cùng những quyết định táo bạo, đã đưa xứ cờ hoa từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, khiến chính sách đối ngoại sau nhiều năm xây dựng của Washington gặp nhiều xáo trộn.

Tuy nhiên, xuyên suốt 365 ngày  xáo trộn ấy, có một điều vẫn không thay đổi trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Trump: “Nước Mỹ trên hết”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)

Khi Washington là tất cả

Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã khẳng định sẽ luôn đặt lợi ích của đất nước và người dân lên trên hết, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc đưa Washington từ bỏ một số vai trò và giá trị truyền thống. Chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đề nghị thương thảo lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà Washington từng đóng vai trò then chốt. Theo Tổng thống Trump, Mỹ đã không được hưởng quyền lợi chính đáng khi tham gia những hiệp ước kinh tế đa phương này.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra tại Liên hợp quốc (LHQ), khi Washington nhiều lần “một mình chống cả thế giới”, đỉnh điểm là việc dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel về khu vực tranh chấp Jerusalem. Động thái “chỉ mặt điểm tên” những quốc gia chống Mỹ trong Nghị quyết phản đối của LHQ, tuyên bố rời Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (COP21) là một vài ví dụ cho thấy ông Trump sẵn sàng đảo ngược quyết định của những người tiền nhiệm, nếu sự hiện diện của Mỹ không mang lại một lợi ích thực chất cho quốc gia này.

Lập trường của ông chủ Nhà Trắng cũng thể hiện rõ nét trong các mối quan hệ song phương với những nước lớn và đồng minh thân cận. Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngần ngại nhắc về Trung Quốc và Nga như “các đối thủ đe dọa tới lợi ích quốc gia của Mỹ” trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017.

Washington cũng thẳng thắn yêu cầu các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như đồng minh truyền thống tại Đông Bắc Á như Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường đóng góp cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Rút khỏi nhiều định chế quốc tế, xa rời đồng minh thân cận để đánh đổi lấy lợi ích quốc gia, phải chăng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi chủ nghĩa biệt lập?

Một Mỹ rất khác

Nhiều người cho rằng với những bước đi này, Washington đang phần nào từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu nhận định rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang tự cô lập mình. Trong năm 2017, Nhà Trắng vẫn là nhân tố chủ chốt trên bàn cờ quốc tế. Do đó, trong năm 2018, khi chính sách đối ngoại của Mỹ đã dần đi vào quỹ đạo, với vị thế kinh tế và quân sự hùng mạnh, cùng tầm ảnh hưởng toàn cầu, Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên chính trường thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2017 tại Việt Nam, Tổng thống Donald Trump mong muốn tìm kiếm những thỏa thuận song phương bình đẳng hơn, với lợi ích của Mỹ và các bên đều được tôn trọng. Trong bối cảnh xu thế chung tiếp tục là hòa bình, hợp tác và phát triển, Washington sẽ không từ bỏ cuộc chơi, nhất là khi thương mại quốc tế có vai trò then chốt trong sự lớn mạnh của nền kinh tế Mỹ và là công cụ hữu hiệu để Nhà Trắng mở rộng ảnh hưởng ra thế giới.

Ngay cả khi rời UNESCO, Mỹ vẫn sẽ giữ vị trí trung tâm tại LHQ, duy trì thế tay ba với Trung Quốc đang trỗi dậy và nước Nga đang hồi sinh mạnh mẽ. Song song với đó, Washington sẽ tiến tới cải thiện quan hệ với cả Bắc Kinh và Moscow, hai nhân tố quan trọng chi phối nhiều vấn đề kinh tế và chính trị thế giới.

Mối bang giao giữa Mỹ và đồng minh truyền thống thời gian tới cũng sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Những chuyến công du liên tục của Tổng thống Trump tới châu Á và châu Âu đã phần nào giúp lãnh đạo các nước hiểu rõ thêm về chính quyền Mỹ.

Nhiều người kỳ vọng rằng thời gian tới, Washington sẽ tiếp tục cam kết xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình thịnh vượng, cũng như thúc đẩy ý tưởng Tứ giác An ninh châu Á mà Tổng thống Trump từng đề cập tại Hội nghị An ninh Đông Á hồi tháng 11 vừa qua.

Cuối cùng, Washington sẽ phải tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt cho nhiều điểm nóng quốc tế đang đe dọa tới lợi ích của Mỹ. Ngay cả khi đàm phán hồi tháng 1/2018 với Hàn Quốc, Triều Tiên vẫn là bài toán khó của Mỹ, nhất là khi Nhà Trắng đã “giở hết bài”, còn Bắc Kinh thì vẫn “án binh bất động” trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng.

Ở Trung Đông, quan hệ với Tehran tiếp tục là vấn đề Washington cần lưu tâm. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị tiêu diệt, nhưng cuộc chiến tại Syria giữa lực lượng nổi dậy do Mỹ hỗ trợ và chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn tiếp diễn.

Hoàn thành những mục tiêu này sẽ là thách thức không hề nhỏ đối với Tổng thống Donald Trump. Nhưng đã đến lúc ông chủ Nhà Trắng hiện thực hóa phương châm “Nước Mỹ trên hết” với chính sách đối ngoại cụ thể và bài bản hơn, đưa nước Mỹ “Vĩ đại trở lại” trong mắt cộng đồng quốc tế. 

Nguồn baoquocte

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục