Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trảng Bàng:
Một năm chưa giải quyết xong thủ tục hành chính
Thứ ba: 12:15 ngày 21/04/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài phản ánh trường hợp DNTN Trường Đạt (xã Hưng Thuận) khiếu nại việc bị chính quyền địa phương “làm khó” trong giải quyết thủ tục hành chính. Mới đây, bà Nguyễn Thị Lệ, đại diện doanh nghiệp trên tiếp tục phản ánh đến Báo Tây Ninh và một số cơ quan trong tỉnh về việc cơ quan chức năng đùn đẩy, chậm giải quyết vụ việc của bà, để kéo dài dây dưa.

Khu vực bến thuỷ của DNTN Trường Đạt.

Phòng TN&MT nhận “thiếu sót”

Trước đó, khoảng tháng 5.2014, DNTN Trường Đạt có nhu cầu hoạt động bến thuỷ nội địa ở ấp Lộc Thuận, xã Hưng Thuận. Bà Lệ- chủ doanh nghiệp liên hệ cơ quan chức năng và gửi hồ sơ, thực hiện thủ tục theo quy định. Tháng 6.2014, lãnh đạo UBND huyện cho ý kiến không đồng ý đối với trường hợp xin hoạt động bến thuỷ nội địa của DNTN Trường Đạt.

Lý do là vị trí xin mở bến thuỷ nội địa của doanh nghiệp trên không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã và huyện. Hiện tại, vị trí xin mở bến trùng với dự án “nhà ở liền kề biệt thự vườn”. Về môi trường, vị trí xin mở bến bị xâm thực, có khả năng gây sạt lở.

Trước đây, về đề nghị xin hoạt động bến thuỷ nội địa của DNTN Trường Đạt, Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KT&HT) huyện Trảng Bàng và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có quan điểm trái ngược nhau.

Phòng KT&HT cho rằng việc xin mở bến thuỷ nội địa của DNTN Trường Đạt là phù hợp với dự án quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thuỷ tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Trong khi Phòng TN&MT cho rằng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, dự án nằm chồng dự án nhà ở liền kề biệt thự vườn, bờ sông bị xâm thực…

Dù vậy, tháng 7.2014, DNTN Trường Đạt vẫn được Cảng vụ đường thuỷ khu vực 3 cấp phép hoạt động bến thuỷ nội địa. Để hoàn tất các thủ tục hành chính theo quy định, bà Lệ đã nộp hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường và hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Đến nay, sau gần 1 năm, vụ việc vẫn chưa được giải quyết xong, trong khi giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa đã hết hạn. Bà Lệ tiếp tục gửi đơn, hồ sơ xin cấp giấy phép mới và tiếp tục chờ các cơ quan chức năng tỉnh, huyện “thống nhất quan điểm”.

Sau khi Báo Tây Ninh có bài phản ánh vụ việc (tháng 1.2015), Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng có văn bản trả lời đơn của bà Nguyễn Thị Lệ. Văn bản này thừa nhận việc Phòng không xem xét giải quyết mà không nêu rõ lý do “là thiếu sót của Phòng TN&MT chưa thông báo kịp thời đến bà biết hồ sơ gửi đến Phòng có đủ điều kiện giải quyết hay không”.

Văn bản này cũng cho rằng bến thuỷ nội địa Trường Đạt chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên Phòng TN&MT không thể giải quyết hồ sơ cấp giấy cam kết bảo vệ môi trường theo yêu cầu của bà Lệ.

Đồng thời, căn cứ quy hoạch sử dụng đất của huyện Trảng Bàng và xã Hưng Thuận thì vị trí, diện tích xin chuyển mục đích sử dụng đất của bà Lệ không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Mặt khác, loại đất xin chuyển mục đích sử dụng của bà cũng chưa được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, Phòng TN&MT không thể tham mưu giải quyết việc xin chuyển mục đích sử dụng đất của bà Lệ.

“Tóm lại, tại thời điểm tiếp nhận, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy cam kết bảo vệ môi trường của bà gửi Phòng TN&MT chưa có đầy đủ điều kiện theo quy định pháp luật nên Phòng không thể tham mưu UBND huyện giải quyết theo yêu cầu của bà được.

Nhưng nếu hiện nay, bà bổ sung đầy đủ các điều kiện theo quy định thì Phòng sẽ xem xét trình UBND huyện cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy cam kết bảo vệ môi trường theo đúng pháp luật”.

Bà Lệ bức xúc cho biết, văn bản trả lời của Phòng TN&MT không chính xác, bởi hồ sơ bà nộp cho Phòng TN&MT “không thiếu thứ gì”. Phòng TN&MT cho rằng bến thuỷ nội địa Trường Đạt chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng không đúng, bởi bến này đã được Cảng vụ đường thuỷ khu vực 3 cấp phép hoạt động bến thuỷ nội địa từ tháng 7.2014. Sau đó, DNTN Trường Đạt mới nộp hồ sơ để hoàn tất các thủ tục về bảo vệ môi trường và sử dụng đất.

Các cơ quan chức năng chưa thống nhất quan điểm

Cuối tháng 2.2015, Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh, UBND huyện và các ngành chức năng của huyện Trảng Bàng tiến hành khảo sát thực địa khu vực bến thuỷ của DNTN Trường Đạt.

Trong chuyến khảo sát này, đại diện Phòng KT&HT cho biết, trên tuyến sông này có 4 doanh nghiệp đang hoạt động bến thuỷ nội địa, trong quá trình vận chuyển vật liệu có làm sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Nơi đây cũng là điểm đổ dốc hai đầu ngay trước cổng ra vào bến, dễ xảy ra tai nạn (tại vị trí này đã có xảy ra tai nạn). Đồng thời, hiện trạng phần bờ sông có sạt lở gần 20m, cần được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định lại chỗ sạt lở. Do đó, Phòng KT&HT không đồng ý cấp lại giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa cho DNTN Trường Đạt.

Đại diện Phòng TN&MT cho rằng, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) của xã Hưng Thuận và huyện Trảng Bàng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tại vị trí hoạt động bến thuỷ của DNTN Trường Đạt được quy hoạch là đất trồng cây lâu năm.

Hiện khu vực này có hiện tượng sạt lở bờ sông. Quan điểm của Phòng TN&MT không đồng ý cấp lại giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa. Lãnh đạo UBND xã Hưng Thuận cũng cho rằng khu vực hoạt động bến thuỷ của DNTN Trường Đạt nằm trong đoạn đường dốc, có nhiều cây xanh che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Khu vực này bị sạt lở từ lâu do một doanh nghiệp phía Bình Dương khai thác cát gây ra.

Ông Trịnh Văn Lo- Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, theo quy định hiện hành, Sở có thẩm quyền cấp phép hoạt động và cấp lại giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh.

Theo Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT, bến thuỷ nội địa là công trình độc lập có quy mô nhỏ gồm vùng nước trước bến đến phương tiện thuỷ nội địa neo, đậu xếp dỡ hàng hoá và vùng đất để gia cố các công trình phụ khác.

Do đó, vùng nước thuộc trách nhiệm quản lý của Sở GTVT, vùng đất là nhiệm vụ quản lý của địa phương. Tóm lại, sau khi kiểm tra, các ngành chuyên môn của huyện chưa thống nhất việc cấp hay không cấp giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa cho DNTN Trường Đạt.

Bà Lệ tiếp tục khiếu nại vụ việc, cho rằng cơ quan chức năng huyện Trảng Bàng thiếu khách quan trong nhận định, giải quyết vụ việc. Đúng 1 tháng sau, UBND huyện Trảng Bàng cho thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về xây dựng, an toàn giao thông đường bộ.

Đoàn kiểm tra xác định “tại vị trí bến của DNTN Trường Đạt ven đường 789, thuộc xã Hưng Thuận không phải là điểm đen về an toàn giao thông. Trong 2 năm 2013, 2014, không có xảy ra tai nạn giao thông”. Đồng thời, doanh nghiệp đã cho gia cố đắp đất ven lề (trước đây là hố sâu) để các phương tiện đi qua dễ lưu thông, lách tránh, lắp đèn chiếu sáng, hỗ trợ phát quang lề đường trước khu vực bến thông thoáng.

UBND huyện Trảng Bàng cũng có văn bản đề nghị Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực 3 cho ý kiến về việc cấp lại giấy phép hoạt động bến thuỷ của DNTN Trường Đạt. Cảng vụ cho biết, bến thuỷ nội địa Trường Đạt có tên cũ là Nam Công, hoạt động từ năm 2010, đến cuối năm 2011 thì ngưng hoạt động.

Năm 2014, DNTN Trường Đạt nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép hoạt động và xin đổi tên thành bến thuỷ nội địa Trường Đạt. Trên cơ sở các ý kiến của UBND huyện và ý kiến của Sở GTVT xác định vị trí bến nằm trong khu vực quy hoạch bến vật liệu xây dựng, đơn vị đã tiến hành cấp lại giấy phép hoạt động đến ngày 15.1.2015…

Căn cứ các giấy tờ thì vị trí bến Trường Đạt nằm trong khu vực phù hợp quy hoạch bến thuỷ nội địa của tỉnh Tây Ninh, đồng thời hiện tại bến này đã được doanh nghiệp tiến hành các thủ tục về môi trường và đất đai.

Theo quy định, hoạt động bến thuỷ nội địa có 2 dạng: dạng hoạt động ổn định lâu dài phù hợp với quy hoạch bến thuỷ nội địa của địa phương và dạng hoạt động tạm thời. Riêng đối với bến Trường Đạt là bến đang hoạt động.

Trong trường hợp bến này chưa được xem xét đưa vào chính thức quy hoạch bến thuỷ nội địa của địa phương hoặc nằm trong khu vực quy hoạch dự án khác nhưng dự án chưa triển khai thực hiện, để tránh gây thiệt hại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, có thể xem xét cấp phép tạm thời với điều kiện chủ bến cam kết ngưng hoạt động, tự giải toả không đền bù khi Nhà nước có yêu cầu triển khai thực hiện dự án.

Kéo dài đến bao giờ?

Như vậy, ngoài những quan điểm trái chiều về giao thông, về thủ tục đất đai, môi trường, trong vụ này còn “vướng” vấn đề quy hoạch. Thực tế, bến thuỷ này hiện vướng phải 2 quy hoạch “đá” nhau: Vị trí mở bến phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải đường sông (được UBND tỉnh ký ban hành theo Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND ngày 8.2.2012) nhưng đất sử dụng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất của xã, huyện. Vậy thì gặp trường hợp tương tự, người dân, doanh nghiệp phải thực hiện theo quy hoạch nào mới hợp lý?

Vì sao chỉ một vụ việc đơn giản về thủ tục hành chính mà hơn 1 năm, UBND huyện Trảng Bàng và sau này là Sở GTVT chưa giải quyết xong? Ông Trịnh Văn Lo - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, sở dĩ Sở chưa cấp lại giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa cho DNTN Trường Đạt là vì còn phải… chờ ý kiến của Sở TN&MT và UBND huyện Trảng Bàng.

Còn ông Trần Văn Minh- Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng thì cho biết, hiện thẩm quyền cấp giấy phép bến thuỷ nội địa thuộc Sở GTVT. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan khảo sát, tổng hợp ý kiến để chuyển về Sở GTVT trong thời gian tới.

Liệu có sự đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình cấp giấy phép, cấp lại giấy hoạt động bến thuỷ nội địa?  Liệu Sở GTVT đã thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm được quy định? Mặt khác, những vấn đề về quy hoạch, về an toàn giao thông mà ngành chức năng huyện Trảng Bàng nêu ra để trì hoãn việc thực hiện các thủ tục hành chính chưa đủ sức để doanh nghiệp “tâm phục khẩu phục”.

HOÀNG ĐÌNH BẢO

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục