Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chương trình tiếng nói cử tri:
Một năm nhìn lại
Chủ nhật: 23:44 ngày 18/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xem xét thực hiện các chương trình theo đề xuất của HĐND các huyện, thị xã, thành phố và cử tri; quan tâm thực hiện các chương trình rà soát việc xử lý, giải quyết của ngành chức năng đối với những vấn đề mà chương trình đã phản ánh.

Đại biểu HĐND tỉnh khảo sát thực tế công trình thoát nước thị trấn Bến Cầu. Ảnh: Minh Dương

Chương trình Tiếng nói cử tri được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng định kỳ vào lúc 20 giờ 5 phút ngày chủ nhật, phát lại vào sáng thứ hai hằng tuần vào lúc 9 giờ. Thời gian qua, chương trình nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và định hướng hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh; sự phối hợp tích cực, hiệu quả giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh.

Tính đến tháng 11.2022, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã xây dựng và phát sóng được 48 chương trình Tiếng nói cử tri, trong đó có 20 chương trình thực hiện tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, giải pháp của Nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh, nghị quyết về các chế độ, chính sách, phản ánh, tuyên truyền về hoạt động của HĐND tỉnh; thành tựu KT-XH của tỉnh; công tác bảo vệ an ninh biên giới, phòng, chống dịch Covid-19 và quy hoạch đối với từng địa phương; công tác bảo đảm an ninh trật tự trong dịp tết nguyên đán; tình trạng thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp; định hướng phát triển của tỉnh trong năm 2022; hiệu quả mang lại từ các dịch vụ hành chính công; chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021; công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh... qua đó tăng niềm tin của cử tri đối với chính quyền địa phương.

19 chương trình tập trung phản ánh các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội như: nhiều tuyến kênh thuỷ lợi hoạt động không hiệu quả; công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và việc tách thửa đất, hình thành khu dân cư, nhà ở riêng lẻ ở đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh; nước sông Vàm Cỏ Đông hôi thối, ô nhiễm; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường; người dân không thể xây nhà vì đường điện trung thế đi vào đất; dây cáp chằng chịt trên các trụ điện; nhu cầu nhà ở của công nhân; người dân chật vật đối phó với cơn bão giá; vấn nạn cờ bạc và tín dụng đen ở nông thôn; tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế cho bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế...

9 chương trình toạ đàm được phát sóng hằng tháng về những vấn đề được người dân quan tâm như: quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; định hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021; những vấn đề cử tri quan tâm trước thềm năm học mới; công tác đầu tư, quản lý, bảo dưỡng và khai thác các công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh; tình trạng “bẫy” việc nhẹ, lương cao; công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh...

Thời gian qua, chương trình Tiếng nói cử tri đã phản ánh kịp thời những vấn đề cử tri quan tâm (Ảnh: Thanh tra phân bón, thuốc BVTV tại các cơ sở kinh doanh)

Mặt khác, thực hiện chương trình phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh và Báo Tây Ninh, Ban Biên tập chương trình Tiếng nói cử tri phối hợp với Báo Tây Ninh đăng tải 47 bài viết của Chương trình Tiếng nói cử tri phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

Qua đánh giá, chương trình được phát sóng đúng định kỳ và đăng tải kịp thời lên cổng thông tin điện tử của HĐND tỉnh. Các nội dung phát sóng cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vừa phản ánh được những vấn đề cử tri quan tâm, vừa góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách, thành tựu trong phát triển KT-XH của địa phương. Ban Biên tập luôn tích cực đề ra giải pháp cải tiến về nội dung lẫn hình thức để nâng cao chất lượng chương trình, qua đó, Tổ biên tập đã có sự chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan, Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố có sự phối hợp tốt với Tổ biên tập trong quá trình thực hiện các chương trình. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Biên tập nhận được văn bản đề xuất nội dung thực hiện chương trình Tiếng nói cử tri của Thường trực HĐND 9 huyện, thị xã, thành phố với 27 chủ đề, đã triển khai xây dựng và phát sóng 12 chủ đề, 1 chủ đề đưa vào chương trình dự phòng tháng 12.2022, góp phần cho chương trình ngày càng phong phú hơn và đã giải quyết được nhiều vấn đề từ cơ sở. Báo Tây Ninh đã phối hợp thực hiện tốt các bài viết gắn với chủ đề của chương trình Tiếng nói cử tri phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện có sự chủ động điều chỉnh nội dung chủ đề phản ánh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Tiếng nói cử tri là một trong những chương trình đặc biệt của Tây Ninh. Ông mong muốn chương trình tiếp tục phát huy, để cơ quan quản lý Nhà nước và cử tri gần nhau hơn. Đối với ngành, lĩnh vực của kế hoạch đầu tư, ông đề xuất chương trình tìm hiểu sâu hơn về công tác một cửa một dấu của lĩnh vực đăng ký kinh doanh để doanh nghiệp hiểu hơn về quy trình, quy định thực hiện; công tác thu hút đầu tư, điểm nghẽn đất đai...

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình thu hút được sự quan tâm của cử tri, tuy nhiên, việc cạnh tranh thông tin ngày nay rất lớn, ông cho rằng những thông tin của chương trình cần phải nóng, gần gũi thì cử tri sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật, thậm chí xem lại trên nền tảng khác như YouTube... Ngoài ra, về mặt nội dung, có thể hướng tới những chương trình toạ đàm, tiếp xúc với những nhà khoa học, chuyên gia, giải đáp thắc mắc trực tiếp...

Cử tri Dương Thanh Hoàng (ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) nhận xét, thời gian qua, chương trình Tiếng nói cử tri của tỉnh thực hiện tương đối tốt, đã đem nguyện vọng của cử tri phản ánh đến cơ quan chức năng. Đề xuất nội dung thực hiện trong năm 2023, cử tri Hoàng cho biết, chủ trương chung của tỉnh là thực hiện chương trình nông thôn mới, đối với địa bàn xã Trường Tây, hiện nay, một số cơ sở vật chất về nông thôn mới có đầu tư nhưng mức đạt chưa cao. Cử tri đề nghị tỉnh, ngành chức năng quan tâm hơn để bộ mặt xã Trường Tây ngày càng đẹp.

Là một trong những người thường xuyên theo dõi chương trình Tiếng nói cử tri, ông Nguyễn Văn Nhành (khu phố 1, phường 3, thành phố Tây Ninh), Bí thư kiêm Trưởng khu phố 1 cho biết, qua chương trình, cử tri được tiếp cận thông tin từ các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, chương trình cũng ghi nhận phản ánh của cử tri, chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết, trả lời cho cử tri ở địa phương. Để sinh động hơn, chương trình có thể mở rộng thêm toạ đàm hoặc đối thoại giữa chính quyền với người dân.

Ông Lê Lam Điền- Phó Chủ tịch UBND phường 3, thành phố Tây Ninh chia sẻ: “Qua các chương trình Tiếng nói cử tri, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng thời theo dõi, giám sát việc tổ chức, triển khai thực hiện, cũng như xử lý các vụ việc người dân đã phản ánh. Các chương trình phản ánh đúng thực chất cũng như giải quyết thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của người dân, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị”.

Để phát huy tốt hơn trong thời gian tới, chương trình cần lưu ý phân loại ý kiến của người dân theo từng mảng, ngành, lĩnh vực, trên cơ sở đó kết hợp với ngành theo từng bộ phận chuyên môn để cùng nghiên cứu, thảo luận đưa ra những chuyên đề chuyên sâu, thực chất, từ đó, giải quyết thấu tình đạt lý đối với ý kiến nguyện vọng của cử tri. Còn trong công tác truyền thông, để thông tin đến nhanh với cử tri, khi giải quyết xong vụ việc, chính cơ quan giải quyết, cơ quan thông tin tuyên truyền, báo, đài cần kịp thời đăng tải và thông tin đến cử tri sớm, thông qua mạng xã hội cũng như Cổng thông tin điện tử, tăng mức độ tương tác đối với người dân.

Ông Điền cho biết, trước đây, những nội dung đã đăng tải trên báo, đài chưa kịp thời đến được người tiếp cận thông tin, nhưng thời gian gần đây, những người làm công tác thông tin tuyên truyền, báo, đài rất kịp thời trong việc đăng tải, chia sẻ thông tin trên Zalo hoặc Facebook. Trên cơ sở đó, thông tin được chia sẻ, phổ biến rộng hơn trong cộng đồng.

Theo Ban Biên tập chương trình Tiếng nói cử tri, năm 2023, chương trình sẽ tập trung tuyên truyền, phản ánh những thành tựu, chủ trương, chính sách phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, các hoạt động, nội dung nổi bật liên quan đến nghị quyết của HĐND tỉnh tại các kỳ họp; những vấn đề nổi lên qua giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh. Mặt khác, phản ánh những ý kiến, kiến nghị bức xúc qua tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, chú trọng những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, vấn đề bức xúc, phát sinh từng thời điểm cụ thể.

Xem xét thực hiện các chương trình theo đề xuất của HĐND các huyện, thị xã, thành phố và cử tri; quan tâm thực hiện các chương trình rà soát việc xử lý, giải quyết của ngành chức năng đối với những vấn đề mà chương trình đã phản ánh.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh