Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một năm vượt khó của ngành Nông nghiệp Việt Nam
Chủ nhật: 01:23 ngày 15/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT.

Năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến đời sống, kinh tế-xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng giá vật tư đầu vào và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thuỷ sản.

Mặc dù vậy, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế. Với các giải pháp đồng bộ, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông các nguồn lực phát triển… Nhờ đó, năm 2022 ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Theo thống kê, năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành NN&PTNT đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trường Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị Trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp tại điểm cầu Trung ương.

Nổi bật là việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, hay đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên cũng như vật tư đầu vào được áp dụng; nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng; giá trị  sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt đạt 104,2 triệu đồng, tăng 0,6% so với năm 2021; sản lượng thịt các loại đạt 7,05 triệu tấn, trong đó thịt heo tăng 5,9%, gia cầm tăng 4,5% so với năm 2022; sữa tươi 1,28 triệu tấn, tăng 10,2%; trứng 18,3 tỷ quả, tăng 4,4%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 8,6%. Tổng sản lượng thuỷ sản 9,03 triệu tấn, tăng 2,7%; trong đó khai thác trên 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% và nuôi trồng 5,16 triệu tấn, tăng 6,3%.

Công tác phát triển rừng được quan tâm thực hiện, diện tích rừng trồng mới tập trung 300.000 ha. Các biện pháp bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm nên rừng được bảo vệ tốt hơn. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Thi công tuyến kênh trong dự án thủy lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.

Đó là những kết quả cụ thể, có thể nhìn thấy rõ của một năm mà ngành NN&PTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và việc “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga - Ukraine...

Thu hoạch lúa trên địa bàn huyện Châu Thành.

Mặc dù vậy, ngành NN&PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022 và mong muốn, ngành sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, phát triển bứt phá mạnh mẽ, bền vững hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2023.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục