Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một nét văn hoá ẩm thực đặc sắc
Chủ nhật: 23:47 ngày 19/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cái “gu” ẩm thực của người ta bây giờ “mặn” với các món ăn chay lắm sao mà gần đây nhiều nơi tổ chức “lễ hội làm chay” quá vậy ông?

- Có vẻ như ông “thạo tin” quá há! Ngoài tỉnh mình ra, ông biết nơi nào tổ chức lễ hội ấy nữa nói cho Bàn Dân biết với?

- Tôi đọc tin trên mạng thấy hôm rằm tháng Giêng dưới thị trấn Tầm Vu, ở bên tỉnh giáp ranh tỉnh mình, có tổ chức “lễ hội làm chay” rầm rộ lắm đó!

- Vậy là ông mới chỉ “lướt mạng” chứ không có đọc kỹ. “Lễ hội Làm Chay” ở dưới đó là một lễ hội dân gian, nhằm tưởng niệm anh linh liệt sĩ hy sinh cho Tổ quốc, có nguồn gốc xuất phát từ hồi thực dân Pháp mới xâm chiếm nước ta.

Ở địa phương ấy lúc đó có hai người họ Đỗ yêu nước, chống Pháp, bị chúng giết chết nhưng không cho người dân mai táng, làm đám tang, ngay lúc ấy có trận dịch xảy ra, người dân lấy cớ “làm chay đàn cúng tống ôn” để cúng tế nghĩa sĩ trận vong. Rồi từ đó hằng năm dân địa phương đều có “Lễ hội Làm Chay” với nghi thức tín ngưỡng dân gian để tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh vì nước.

Đến năm 2014 “Lễ hội Làm Chay” ở thị trấn Tầm Vu, tỉnh Long An được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Còn lễ hội mới tổ chức ở tỉnh mình ba ngày vừa qua là “Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay” tỉnh Tây Ninh lần thứ I, năm 2023. Bàn Dân nói rõ như vậy, ông phân biệt được “làm chay” ở xứ ấy khác với “chế biến món ăn chay” ở xứ mình rồi chứ!

- Đúng là tôi chỉ lướt qua cái “tít” trên mạng, nên nắm chưa rõ.

- Giờ biết rõ rồi ông có thể cho Bàn Dân biết, ông có đi xem Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay của tỉnh mình không? Nếu có đi thì ông có cảm tưởng như thế nào?

- Có chứ, tôi đi hai lần, nhưng vì hôm tối thứ bảy tôi chen chân không lọt, nên sáng chủ nhật mới dành cả buổi sáng để đi xem lễ hội, đúng ra là đi “ăn lễ”, vì ở đó có phục vụ rất nhiều món ăn chay cực kỳ ngon, mà giá cả cực kỳ mềm, hồi nào tới giờ tôi mới nếm thử.

- Hàng trăm món chay đem ra trưng bày trong lễ hội và phục vụ người đi “trẩy hội” thì ngon, bổ, rẻ là chắc rồi. Nhưng Bàn Dân muốn hỏi là ông có thấy “nét đặc sắc”, hay nói là “đặc trưng” gì cũng được trong lễ hội không?

- À, để tôi nhớ lại coi… Phải rồi, tôi thấy trong số tám chục gian hàng trưng bày, phục vụ món ăn chay, phần nhiều là gian hàng của các họ đạo Cao Đài; các chùa, tịnh xá Phật giáo; nhiều hơn cả các nhà hàng, các cơ sở kinh doanh thực phẩm chay. Có phải đó là nét “đặc sắc”, “đặc trưng” mà ông muốn nói đó không?

- Đúng vậy. Chắc ông cũng biết, quan niệm về việc ăn chay có nguồn gốc lâu đời từ đời sống tín ngưỡng của các dân tộc phương Đông. Theo quan niệm ấy, việc sát sanh là một điều cấm kỵ.

Cụ thể cấm sát sanh tức là không giết thịt các loài động vật, cho nên người có tín ngưỡng ấy không ăn thịt động vật, chủ yếu là sử dụng thực vật làm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày.

Như vậy, người ăn chay chỉ ăn rau, củ, quả chứ không ăn thịt, cá, trứng. Riêng ở Tây Ninh, việc ăn chay của dân mình cũng đã có từ rất lâu, từ khi người Việt mới đặt chân đến cư ngụ tại đất này. Mà người Việt thời ấy phần nhiều là theo đạo Phật, nên có không ít người ăn chay theo cách của Phật giáo.

Đến những thập niên đầu thế kỷ XX, tôn giáo Cao Đài khai đạo tại Tây Ninh với quan điểm tín ngưỡng ban đầu là “Phật giáo chấn hưng” nên các bậc khai sáng nền đạo khuyến khích tín đồ ăn chay theo cách của Phật giáo.

Cụ thể là quy định các vị chức sắc phải “trường trai” tức là “ăn chay trường”, tức là ăn thuần chay quanh năm suốt tháng, hoàn toàn không ăn mặn. Còn đối với tín đồ thì quy định “thoáng” hơn, khuyến khích “ăn chay kỳ”, tức là ăn chay mười ngày trong một tháng. Suốt gần 100 năm qua, đạo Cao Đài ngày càng phát triển ở Tây Ninh, ở miền Đông, miền Tây Nam bộ rồi “hoằng khai” rộng ra cả nước nên số người ăn chay, thường là “ăn chay kỳ” ngày càng nhiều.

Cùng với số tín đồ đạo Phật, việc ăn chay “mang màu sắc tôn giáo” ở Tây Ninh từ đó mà mở rộng lên thành một nét văn hoá ẩm thực đặc sắc ở nhiều địa phương trong tỉnh. Do vậy mà như ông đã biết, sau khi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tỉnh ta tổ chức sự kiện “Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay” tỉnh Tây Ninh lần thứ I.

Và tại lễ hội đã có 6/9 huyện, thị xã, thành phố gồm huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, huyện Tân Châu, huyện Dương Minh Châu, thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh được công nhận nghệ thuật chế biến món ăn chay trong danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đấy ông ạ!

- Hay quá, có tới 6/9 địa phương trực thuộc tỉnh có nghề chế biến món ăn chay được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, như vậy rõ ràng nghệ thuật nấu chay ở tỉnh mình được nâng cao trở thành nét đặc trưng của địa phương để góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch là phải quá rồi hả ông!                             

Bàn Dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh