Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một ngày ở Côn Đảo
Thứ ba: 09:01 ngày 01/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những ngày đầu tháng 7/2017, vượt qua hơn ngàn cây số, đoàn cán bộ Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh đã tới vùng đất thiêng Côn Đảo. Đến đây, chúng tôi không chỉ được biết về nơi cất giấu bao huyền thoại của lịch sử dân tộc mà còn được đắm mình trong một vùng thiên nhiên kỳ thú với vẻ đẹp hoang sơ, những bãi cát trắng trải dài, một hệ sinh thái biển đa dạng vào bậc nhất Việt Nam.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là trại giam Phú Hải, một trong những trại giam thực dân Pháp xây dựng đầu tiên tại Côn Đảo. Dù đã tồn tại hơn 100 năm, những bức tường ngục đã xuống cấp, loang lổ nhưng không thể xóa hết được dấu tích về sự tàn khốc của chế độ nhà tù đế quốc. Các bậc tiền bối của cách mạng Việt Nam như Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng,... đã từng bị giam cầm tại đây.

Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Van Loc/Panoramio

Trại Phú Hải có 10 phòng giam tập thể, 20 xà lim, 1 phòng giam tù đặc biệt, 1 phòng xay lúa và 1 khu đập đá khổ sai. Tại các buồng giam, những người tù ngày ngày phải chịu gông cùm, tra tấn dã man... Hầm xay lúa được xây dựng cuối thế kỷ 19 là một hình thức khổ sai để tận dụng sức lao động của tù nhân. Người tù phải lao động quần quật 12 tiếng một ngày trong căn hầm chật chội, bao phủ đầy bụi cám, trấu, cối xay quay. 6 người tù mới xay nổi 1 cối xay lúa. Trong khi xay, chân của hai người tù bị cột chung một sợi xích với quả tạ 5 kg. Nếu gọi nhà tù Côn Đảo là “địa ngục trần gian” thì hầm xay lúa là “địa ngục của địa ngục trần gian”.

Không chỉ có Phú Hải, tại Côn Đảo còn có các trại Phú Thọ, Phú Tường, khu chuồng cọp, chuồng bò... đều ghi dấu ấn của những người tù cách mạng trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong lịch sử 113 năm tồn tại (1862-1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng tại Côn Đảo 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng biệt lập. Bên cạnh đó, chúng còn thiết lập các sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần giết mòn sinh lực, đồng thời, phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy hành chính của chúng. Tuy nhiên, trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, những người tù cộng sản vẫn kiên gan, một lòng vì mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc. Những dòng chữ xiêu vẹo: “Máu ta quý cả hơn vàng/ Tổ quốc cần đến sẵn sàng ta dâng!” của một người tù cách mạng trung kiên viết bằng máu trên bức tường đã nói lên tất cả.

Sự gian khổ, hy sinh của tù nhân tại Côn Đảo còn ghi dấu ấn tại di tích Cầu Tàu 914. Chiều dài cầu chỉ khoảng 100m nhưng đã cướp đi sinh mạng của 914 người. Theo thời gian, hình ảnh còn đọng lại là những phiến đá to, nặng nhưng sâu thẳm dưới đó là lớp lớp xương máu của bao người. Giờ đây, dù đã xa rồi cái thời đau thương ấy, song trong từng viên đá vẫn còn âm vang câu ca: “Côn Lôn ơi! Viên đá, mạng người...”. Hai mố cầu xây dựng dở dang vẫn còn hiện hữu là những bằng chứng rõ ràng nhất, sống động nhất. Nơi đây, để kiểm soát các tù nhân vượt ngục, bọn cai ngục ác ôn đã bắt người tù phải khiêng đá làm cầu. Do địa thế núi non hiểm trở, phải lao dịch nặng nề nên đã có thêm 356 người vĩnh viễn ra đi.

Du khách dâng hương tưởng nhớ liệt nữ Võ Thị Sáu. Ảnh: Internet

Nhà tù Côn Đảo là một phần trong lịch sử đấu tranh hào hùng của cách mạng nước ta. Nếu ai chưa một lần đặt chân đến “địa ngục trần gian” sẽ không thấy hết sự anh dũng, gan dạ và kiên cường của những người tù cộng sản. Trong lời tựa cuốn sách Nhà tù Côn Đảo 1955-1975, Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu đã viết: “Hành hạ người tù đau đớn tột cùng về thể xác, truy bức người tù căng thẳng tột độ về tâm lý, dai dẳng và trường kỳ, chúng đẩy người tù đến bên miệng hố của tử thần, để họ day dứt, trăn trở, chết dần chết mòn từng giờ, từng phút. Song cứ mỗi lần họ hấp hối, họ tỉnh dậy, họ thề với lương tâm một lần nữa quyết chết cho lý tưởng, chết để vẹn toàn khí tiết... Đó là thứ “vàng trong lửa”, đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của nhân cách Việt Nam và của khí tiết cộng sản”.

Nghĩa trang Hàng Dương - nơi hàng ngàn chiến sĩ yêu nước đã ngã xuống nằm lặng lẽ sau cụm di tích nhà tù Côn Đảo. Nơi đây, những ngôi mộ được xếp bằng đá và quay về các hướng không theo thứ tự nào. Ngày 19/12/1992, khi Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công tôn tạo, trong số hai vạn người đã ngã xuống ở Côn Đảo mới chỉ tìm được 1.912 ngôi mộ, trong đó, 709 mộ có danh tính, quê quán người hy sinh, còn lại là chưa tìm được tên và có thể là mãi mãi sẽ không tìm ra tên tuổi. Đã có những câu thơ kể về Nghĩa trang Hàng Dương như: “Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận/ Hết lớp này lớp khác dập lên trên/ Mặt phẳng lỳ không mô đất nhô lên/ Không bia mộ, không tên và không tuổi”.

Rời Nghĩa trang Hàng Dương, đoàn tham quan Nhà trưng bày Côn Đảo. Nơi đây cũng trưng bày các hình ảnh đấu tranh anh dũng của những người tù yêu nước qua các thời kỳ như bác Tôn Đức Thắng, bác Lê Duẩn, đồng chí Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, liệt sỹ anh hùng LLVT nhân dân Lưu Chí Hiếu...

Đoàn tiếp tục đến thăm đền thờ bà Phi Yến với tích xưa: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Chuyện kể rằng, bà Phi Yến là một trong những người vợ của chúa Nguyễn Phúc Ánh (tức Nguyễn Ánh). Năm 1783, để tránh lực lượng Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đưa đoàn tùy tùng, trong đó có bà ra Côn Đảo. Cùng thời điểm này, chúa Nguyễn Ánh liên tục gặp thất bại và có ý định cầu viện Pháp. Bà Phi Yến không những không đồng ý mà còn khuyên chúa Nguyễn Ánh không nên “cõng rắn cắn gà nhà”. Vì lời khuyên này mà bà đã bị biệt giam trong một động đá. Sau khi nghe tin quân Tây Sơn sắp tràn ra đảo, Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc. Thuyền sắp nhổ neo, hoàng tử Cải (con của bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh) lúc bấy giờ chỉ mới 5 tuổi, đòi mẹ khóc thảm thiết và bị Nguyễn Ánh chém chết. Sự trung trinh, ái quốc của đức bà Phi Yến cùng sự hiếu thảo của hoàng tử Cải đã được dân làng ở Côn Đảo ghi nhận và quý trọng, lập nên miếu Bà cùng miếu Cậu để thờ.

Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) tọa lạc trên Núi Một được xây dựng vào năm 1964. Ảnh: Dulichcondao

Buổi chiều, đoàn chúng tôi tiếp tục đến thăm chùa Núi Một (Vân Sơn tự). chùa Núi Một tọa lạc trên núi Một, huyện Côn Đảo, do Mỹ ngụy xây dựng năm 1964 nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình của những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ trên đảo, bên cạnh đó còn mục đích mỵ dân, trá hình che mắt báo chí và dư luận quốc tế về sự cai trị tù nhân tàn bạo của chế độ Mỹ ngụy.

Sau năm 1975, chùa là nơi thờ Phật của người dân trên đảo, là công trình văn hóa nằm trong quần thể khu di tích lịch sử, danh thắng của huyện Côn Đảo. Sau khi tham quan chùa Núi Một, đoàn tiếp tục đi tham quan Mũi Cá Mập...., cảng Bến Đầm - cảng chính của Côn Đảo.

Bóng chiều đã khuất sau những hàng dương, chúng tôi quyết định nghỉ lại đây một đêm để cảm nhận thêm những điều bí ẩn tại vùng đất thiêng này. Đêm đó hầu như anh chị em trong đoàn đều không ngủ, cứ thấp thỏm chờ cho đến lúc nửa đêm để được trở lại Nghĩa trang Hàng Dương thắp nén hương thơm cho chị Võ Thị Sáu và các anh hùng liệt sỹ trước khi tạm biệt vùng đất Côn Đảo thân yêu. Có cả trăm người về đây thăm viếng, không khí như ngày đại lễ. Nghiêng mình trước những ngôi mộ, chúng tôi khâm phục sức mạnh phi thường của những người anh hùng mà không một đòn tra tấn nào có thể làm lung lay ý chí và làm họ khuất phục. Côn Đảo về đêm thật tĩnh lặng. Sóng biển vẫn vỗ rì rào như ru cho những người con anh dũng, kiên trung của Tổ quốc chìm sâu vào giấc ngủ.

Ngày mai bình minh sẽ lại về với Côn Đảo. Còn những người thuộc thế hệ như chúng tôi, đã một lần đến đây, một lần cảm nhận sẽ giúp mình lớn thêm lên, lớn cả trong suy nghĩ, nhận thức, hành động và dám đương đầu với khó khăn, thử thách trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường.

Nguồn baohatinh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục