Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một ngày trên đất Trà Vinh 

Cập nhật ngày: 29/05/2017 - 07:50

BTNO - Vượt cầu Cổ Chiên nối huyện Mỏ Cày Nam của tỉnh Bến Tre với huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh trên tuyến Quốc lộ 60, đoàn Báo Tây Ninh đến thăm Trà Vinh, một tỉnh miền Tây Nam bộ nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch gắn liền với văn hóa dân tộc như khu văn hóa du lịch Ao Bà Om, Đền thờ Bác Hồ, các di tích cổ đền, chùa...

Điểm đầu tiên đoàn chúng tôi đến thăm là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Long Đức (thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Cô thuyết minh duyên dáng trong tà áo dài kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của ngôi đền đã được chọn làm biểu trưng của tỉnh Trà Vinh.

Khi đó, hay tin Bác mất,  trong nỗi tiếc thương vô hạn, quân dân cách mạng xã Long Đức đã quyết định xây dựng đền thờ để tưởng nhớ Bác. Ngày 26.1.1971, đền thờ được khánh thành. Điều đặc biệt là, địa điểm xây dựng đền thờ chỉ cách đồn của quân đội Việt Nam Cộng hòa vài trăm mét.

Nhà sàn Bác Hồ trong khuôn viên Đền thờ Hồ Chủ tịch tại Trà Vinh.

Dù chỉ được xây cất bằng vật liệu tre lá trên một diện tích nhỏ, nhưng đền thờ đặc biệt này đã trở thành “trái tim”, là điểm tựa cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân Trà Vinh vững niềm tin, chắc tay súng chiến đấu trong công cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc.

Sau khi tham quan đền thờ Bác, những đồng nghiệp ở Báo Trà Vinh đưa chúng tôi đến thăm chùa Hang- một trong những ngôi chùa nổi tiếng của người Khmer chỉ cách thành phố Trà Vinh khoảng 5km theo quốc lộ 54. Chùa Hang hay còn gọi là chùa Kompông Crây, nằm ở khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành. Đây là một trong những công trình kiến trúc độc đáo nhất của người Khmer trên đất Trà Vinh.

Có đến tận nơi, chúng tôi mới hiểu được ý nghĩa của tên gọi chùa Hang. Đường vào chùa phải đi qua một cổng có chiều ngang 12m, dài và sâu 12m với một lối đi chính và hai lối đi phụ từ cổng hàng dẫn vào chánh điện cách đó 100m. Đi qua cổng giống như đi qua một cái hang nên chùa được gọi là chùa Hang. Khi vào trong chùa, dù du khách có tìm “đỏ mắt” cũng không thể ra tìm một hang nào bên trong chùa.

Các tác phẩm điêu khắc tinh xảo từ bộ rễ cây sao.

Theo lời anh Sơn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Trà Vinh, chùa được xây dựng từ năm 1637, năm 1968 trong sự kiện Tết Mậu Thân chùa bị bom đạn tàn phá nặng nề, sau đó được phục dựng. Qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa trở nên khang trang và bề thế như ngày nay.

Trong khuôn viên rộng 10 ha với hơn một nửa diện tích bao gồm các cây cổ thụ là nơi trú ngụ của các loài chim, nhiều nhất là cò, thì chùa Hang còn lưu giữ những tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo do chính các vị sư ở chùa chế tác. Mọi công đoạn xử lý gỗ hay điêu khắc tác phẩm đều diễn ra ở chùa, trong gian nhà rộng bên hông chánh điện.

Tiếc là chúng tôi chưa được tận mắt chứng kiến các tác phẩm vẽ trên lá bằng bút lửa do nghệ nhân thực hiện, mà theo một đồng nghiệp báo Trà Vinh cho biết, đây là nghề dân gian độc đáo còn lưu truyền trên vùng đất này.

Điểm đến kế tiếp của chúng tôi là di tích nổi tiếng Ao Bà Om. Xung quanh ao được bao quanh bởi hàng trăm cây cổ thụ với nhiều bộ rễ có hình thù kỳ quái, dưới ao là đầm sen tuyệt đẹp.

Anh Sơn Hùng giải thích, sở dĩ ao có tên là Bà Om xuất phát từ truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian. Khi xưa, để có hồ nước ngọt dùng trong mùa khô, dân làng người Khmer tổ chức cuộc thi đào ao giữa hai nhóm phái nam và nữ đồng thời cũng để quyết định phái nào thua sẽ phải đi cưới hỏi phái kia.

Bên phái nam ỷ sức mạnh, vừa làm vừa chơi. Bên phái nữ dưới sự lãnh đạo của người tên Om, dùng nhiều mưu mẹo để trì hoãn nhóm nam. Khi đào gần xong, họ còn cho thả đèn lồng ở phía đông làm cho nhóm nam tưởng là sao Mai đã mọc nên nghỉ sớm.

Một góc Ao Bà Om.

Sau cuộc thi, nhóm nam thua cuộc và ao của họ hiện vẫn còn dấu tích tuy đã cạn nước. Ao của nhóm nữ được đặt tên theo tên của bà Om.

Hằng năm, cứ đến lễ Chol chnam thmay, Dolta, đặc biệt là lễ hội Cúng Trăng Ok om bok, đồng bào Khmer và cả người Kinh, người Hoa ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận tụ hội về Ao Bà Om vui chơi, nhảy múa, xem hát dù kê, múa rô-băm… tạo nên nét văn hóa rất riêng của nơi đây, đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa, sự đoàn kết, hòa hợp của ba dân tộc Kinh- Hoa- Khmer anh em.

Một ngày ngắn ngủi trên đất Trà Vinh. Chia tay vùng đất miền Tây Nam bộ hiếu khách, trong tôi vẫn còn say đắm với những điệu LamThol rộn ràng: “Đường về Trà Vinh chim hót mừng lúa chín vàng đồng/ Hàng dừa ven sông mưa nắng bao kỷ niệm nhớ mong/ Đâu đó vang vọng khúc Mù Âm, tiếng trống Xà Dăng đến bập bùng/ Và điệu LamThol như vàn đôi tay múa theo nhịp nhàng…”

Hồng Nguyễn