Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tân Châu:
Một người dân kiện đòi bồi thường vì... thi hành án chậm
Thứ sáu: 23:37 ngày 15/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cơ quan thi hành án ra quyết định giải quyết khiếu nại, thừa nhận “chấp hành viên chậm tiến hành tổ chức thi hành án” nhưng cuối cùng tài sản bảo đảm thi hành án này vẫn không thi hành được, vì bị toà mang ra xét xử “chia di sản thừa kế” ở một vụ án khác có liên quan.

Bà Hoa trình bày vụ việc.

Một quyết định cưỡng chế kê biên tài sản bảo đảm thi hành án được ban hành, nhưng nhiều năm vẫn chưa được thực hiện. Cơ quan thi hành án ra quyết định giải quyết khiếu nại, thừa nhận “chấp hành viên chậm tiến hành tổ chức thi hành án” nhưng cuối cùng tài sản bảo đảm thi hành án này vẫn không thi hành được, vì bị toà mang ra xét xử “chia di sản thừa kế” ở một vụ án khác có liên quan. Quyền lợi bị ảnh hưởng, người được thi hành án buộc phải kiện cơ quan thi hành án yêu cầu bồi thường.

Chậm thi hành án

Theo đơn của bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ khu phố 1, thị trấn huyện Tân Châu, tại Quyết định công nhận thoả thuận của các đương sự số 104 ngày 5.9.2013 của TAND huyện, bà Văn Thị Mai Liên và chồng là ông Lương Thế Hùng phải trả cho bà Hoa số tiền 320 triệu đồng.

Ngày 12.5.2015, Chi cục THADS huyện (THADS) ban hành Quyết định số 271 thi hành án theo đơn yêu cầu của bà Hoa. Do bà Liên và ông Hùng không tự nguyện thi hành án, nên Chi cục THADS ban hành tiếp Quyết định số 19 ngày 30.6.2015 về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là nhà và QSDĐ số H02181 do UBND huyện cấp cho bà Liên và ông Hùng vào ngày 14.1.2008, đất có diện tích 567,8m2, thửa số 78, tờ bản đồ 32, toạ lạc tại thị trấn Tân Châu.

Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau đó, việc thi hành án vẫn chưa được thực thi dứt điểm. Bà Hoa gửi đơn đến Chi cục THADS khiếu nại chấp hành viên (CHV) chậm tổ chức thi hành án. Ngày 15.6.2016, Chi cục THADS ban hành Quyết định số 14 giải quyết khiếu nại nêu rõ: “Trong quá trình tổ chức thi hành án, CHV đã tiến hành các trình tự và thủ tục bảo đảm đúng quy định pháp luật nhưng chưa tiến hành các thủ tục như kê biên, thẩm định giá tài sản để bảo đảm thi hành án cho bà Hoa.

Do đó, việc bà Nguyễn Thị Hoa khiếu nại CHV chậm tổ chức thi hành án là có cơ sở chấp nhận. Từ những căn cứ và nhận định trên, Chi cục trưởng Chi cục THADS quyết định chấp nhận toàn bộ đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Hoa... CHV có trách nhiệm tổ chức thi hành nhằm bảo đảm thi hành án cho bà theo quy định của pháp luật”.

Quyết định giải quyết khiếu nại của bà Hoa là vậy, nhưng việc thi hành án vẫn cứ kéo dài. Trong khi đó, phía gia đình bà Liên có dấu hiệu muốn tẩu tán tài sản bằng cách... hướng đến một vụ án khác về “tranh chấp thừa kế tài sản”.

Cụ thể, chị ruột của bà Liên là bà Văn Thị Ngọc Hương gửi đơn khởi kiện ra Toà án với nội dung: Cụ Văn Công Lực (chết năm 1991) và cụ Phan Thị Bưng (chết năm 2016) chung sống với nhau có tất cả 6 người con là Văn Thị Ngọc Hương, Văn Công Minh, Văn Công Tấn, Văn Công Tài, Văn Thị Ngọc Dung, Văn Thị Mai Liên.

Ngoài ra, trước khi về chung sống với cụ Bưng, cụ Lực đã có vợ và có hai người con riêng là Văn Thị Được và Văn Thị Bạch Tuyết. Cụ Lực, cụ Bưng chết không để lại di chúc, các đồng thừa kế của hai cụ cũng chưa chia di sản trên.

Theo bà Hương, vào thời điểm cụ Lực chết thì phần đất trên vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đến năm 2001, cụ Bưng được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ, cấp đổi lại “sổ” vào năm 2007. Cụ Bưng làm hợp đồng tặng cho QSDĐ trên cho bà Văn Thị Mai Liên vào thời gian nào thì anh chị em trong gia đình không biết.

Đến khi Chi cục THADS vào cưỡng chế kê biên tài sản, các anh chị em mới biết cụ Bưng đã tặng cho toàn bộ phần đất trên cho bà Liên. Nay bà Hương khởi kiện yêu cầu bà Liên trả lại toàn bộ tài sản này cho các anh chị em trong gia đình cùng quản lý, thờ cúng ông bà, cha mẹ. Riêng phần di sản bà Liên được hưởng, các anh chị em trong gia đình đồng ý giao lại bằng tiền cho bà Liên trả nợ.

Bà Liên cũng thống nhất theo lời trình bày của bà Hương về nhân thân và các đồng thừa kế. Bà Liên còn cho biết, phần đất trên do mẹ là cụ Bưng làm thủ tục tặng cho vào năm 2008. Trước đó, bà Liên cần vốn làm ăn nên có nhờ mẹ đứng ra bảo lãnh vay vốn ngân hàng, nhưng do cụ Bưng lớn tuổi nên không vay được.

Bà Liên mới nhờ mẹ làm thủ tục tặng cho QSDĐ để vay vốn ngân hàng nhằm có tiền trả nợ. Nay bà Liên đồng ý trả lại phần đất trên cho các đồng thừa kế trong gia đình. Thực tế, bà Lê Thị Hồng Nhung đang giữ giấy chứng nhận QSDĐ số H02181, do bà Nhung cho bà Liên mượn tiền trả nợ ngân hàng để lấy “sổ đỏ” ra. Các đồng thừa kế là con ruột của cụ Lực và cụ Bưng đều thống nhất theo yêu cầu khởi kiện của bà Hương, kể cả bà Được và bà Tuyết (hai bà từ chối nhận di sản của cụ Lực).

Bà Hoa cho rằng, việc khởi kiện trên của bà Hương nhằm tạo điều kiện cho em ruột là bà Liên tẩu tán tài sản, tránh né trách nhiệm thi hành án. Bởi vì, QSDĐ nêu trên được cấp mới cho cụ Bưng vào năm 2001, cấp đổi năm 2007, thực hiện thủ tục tặng cho bà Liên vào năm 2008 nhưng các anh em trong gia đình đều không ai có ý kiến, cơ quan có thẩm quyền cấp “sổ đỏ” cũng đã xác thực qua các bước trình tự thủ tục hợp lệ.

Cụ Bưng đã qua đời, lý do tặng cho QSDĐ như bà Liên trình bày trên chỉ là một phía. “Điều khiến tôi bức xúc nhất là tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 131 ngày 29.10.2018 của TAND huyện Tân Châu (về “Tranh chấp chia di sản thừa kế”), thì tôi và Chi cục THADS được tham gia tố tụng với vai trò là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 119 ngày 28.11.2018 của TAND huyện Tân Châu (về việc “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế”) thì tôi và Chi cục THADS không được tham gia tố tụng. Việc này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án”- bà Hoa cho biết.

Không được tham gia tố tụng

Về bức xúc của bà Hoa, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 119 có giải thích như sau: “Đối với Chi cục THADS là cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án, chứ không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với tài sản bị cưỡng chế nên trong vụ án này là “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”, nên Cơ quan Thi hành án dân sự không tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đối với bà Nguyễn Thị Hoa là người được thi hành án, trong trường hợp này bà không liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành (bà không phải là bên được giao tài sản, hoặc không phải là người mua đấu giá thành đối với tài sản bị cưỡng chế kê biên phát mại để thi hành án), nên bà không tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Về quan hệ pháp luật... quan hệ tranh chấp trong trường hợp này là “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án”, không phải là “Tranh chấp chia di sản thừa kế”; thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà Văn Thị Ngọc Hương vẫn còn”.

Bản án số 119 tuyên xử: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Văn Thị Ngọc Hương đối với bà Văn Thị Mai Liên về việc “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án”, tuyên bố hợp đồng tặng cho QSDĐ giữa cụ Phan Thị Bưng và bà Văn Thị Mai Liên là vô hiệu, đề nghị UBND huyện Tân Châu thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ số H02181 đã cấp cho bà Liên vào ngày 14.1.2008, ghi nhận các đồng thừa kế đồng ý giao toàn bộ di sản thừa kế của cụ Lực và cụ Bưng là diện tích đất 567,8m2... cho bà Văn Thị Ngọc Hương quản lý, thờ cúng ông bà, cha mẹ.

Đồng thời giữ nguyên hiện trạng các căn nhà, tài sản gắn liền trên đất. Bà Hương có trách nhiệm giao lại cho bà Liên số tiền hơn 58 triệu đồng là kỷ phần thừa kế được hưởng, buộc bà Lê Thị Hồng Nhung giao lại giấy chứng nhận QSDĐ số H02181 cho bà Hương.

Bản án dân sự sơ thẩm số 119 ngày 28.11.2018 của TAND huyện Tân Châu đã bị Viện KSND huyện kháng nghị, yêu cầu TAND cấp phúc thẩm xem xét huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm do có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và nội dung vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự.

Cụ thể, quan hệ tranh chấp được xác định là “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế”, nhưng phần quyết định lại giải quyết quan hệ “Chia di sản thừa kế” và buộc các đương sự chịu án phí tương ứng với kỷ phần được nhận là mâu thuẫn.

Toà án không đưa bà Hoa và ông Lương Thế Hùng (chồng bà Liên) vào tham gia tố tụng là không đúng quy định pháp luật, bởi lẽ bà Hoa là người duy nhất được thi hành án khi kê biên tài sản; ông Hùng là đồng sở hữu đối với nhà và cây trồng do vợ chồng tạo lập trên đất.

Ngày 27.7.2018, Toà án lập biên bản hoà giải và lấy lời khai bà Hương cùng một thời điểm là không phù hợp. Tại biên bản hoà giải, ông Nguyễn Văn Sáng (người được bà Hương uỷ quyền) và bà Nhung không ký tên nhưng biên bản không thể hiện lý do.

Ngoài ra, VKSND huyện Tân Châu còn kháng nghị, án sơ thẩm tuyên hợp đồng tặng cho giữa cụ Bưng với bà Liên vô hiệu, xác định toàn bộ khối tài sản đều là di sản thừa kế là chưa đủ căn cứ.

Cụ Bưng được toàn quyền quyết định đối với phần của cụ trong khối tài sản chung vợ chồng, hợp đồng tặng cho của cụ Bưng có hiệu lực một phần nên bà Liên được nhận phần của cụ Bưng tặng cho và một phần thừa kế từ cụ Lực. Thêm nữa, TAND cấp sơ thẩm chưa xử lý tiền tạm ứng chi phí đo đạc, thẩm định giá, án tuyên có sai sót về số đo thửa đất trong phần quyết định.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 89 ngày 19.4.2019 của TAND tỉnh (về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản”) đề cập đến nội dung kháng nghị vừa nêu trên. Theo đó, ngày 27.1.2018, Toà án hoà giải và lấy lời khai cùng một thời gian, nhưng tại phiên toà sơ thẩm kiểm sát viên tham gia phiên toà không nêu ý kiến về sai phạm, phát biểu thẩm phán và HĐXX thực hiện đúng pháp luật.

Do đó, sai sót này không tiếp tục xem xét. Về bản án sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp và xử lý chia di sản thừa kế trong phần quyết định là phù hợp, không đưa bà Hoa, ông Hùng và cơ quan thi hành án vào tham gia tố tụng là có căn cứ.

Tài sản tranh chấp trong vụ án là tài sản chung của cụ Lực và cụ Bưng. Cụ Bưng khi còn sống đã tặng cho bà Liên, bà Liên đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Bản án sơ thẩm tuyên bố hợp đồng vô hiệu toàn bộ là chưa đủ cơ sở. Ngoài ra, cần điều chỉnh thông tin tứ cận có sai sót trong bản án sơ thẩm theo sơ đồ đất đã đo đạc.

Bản án dân sự phúc thẩm số 89 quyết định chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND huyện Tân Châu, sửa bản án sơ thẩm, tuyên xử: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hương đối với bà Liên về “Tranh chấp thừa kế tài sản”; tuyên bố hợp đồng tặng cho QSDĐ giữa cụ Bưng và bà Liên là vô hiệu, buộc bà Nhung giao cho bà Hương giấy chứng nhận QSDĐ số H02181, đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ này.

Toà ghi nhận bà Hương tự nguyện thanh toán giá trị thực tế kỷ phần thừa kế cho bà Liên hơn 58 triệu đồng... Bà Hương, ông Minh, ông Tấn, ông Tài, bà Dung được quyền sử dụng phần đất diện tích 567,8m2 và ghi nhận ông Minh, ông Tấn, ông Tài và bà Dung tự nguyện giao cho bà Hương quản lý đất để thờ cúng. Bản án phúc thẩm còn tuyên rõ các tứ cận giáp ranh của thửa đất, chi phí đo đạc, định giá, án phí....

Trong đơn gửi đến Báo Tây Ninh, cũng như qua trao đổi với bà Hoa vào ngày 14.5.2020, bà hoàn toàn không đồng ý với hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên. Liên quan đến vụ việc, trước đó, ngày 28.6.2019, bà Hoa đã gửi đơn đến Chi cục THADS huyện Tân Châu với yêu cầu giải quyết bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Lý do, cơ quan THADS đã chậm tổ chức thi hành án dứt điểm, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Ngày 4.7.2019, Chi cục THADS đã có Thông báo số 604 về việc không thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường của bà Hoa.

Tiếp đến, bà Hoa đã có đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với hai bản án số 119 và 89. Viện KSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có giấy xác nhận nhận được đơn của bà. Giấy xác nhận còn nêu rõ đơn đề nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan này.

Trong một diễn biến khác, bà Hoa cũng đã nộp đơn khởi kiện Chi cục THADS ra Toà. Ngày 27.4.2020, TAND huyện Tân Châu đã có Thông báo thụ lý bổ sung vụ án dân sự số 437a/2000/TLST-DS về “Yêu cầu bồi thường thiệt hại về việc chậm thi hành án”.

Cụ thể, bà Hoa khởi kiện yêu cầu Chi cục THADS phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm thi hành án số tiền 320 triệu đồng, và tiền lãi theo mức lãi suất 0,75%/tháng, tính từ ngày 12.5.2015 (ngày có quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu) đến ngày khởi kiện.

Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục