Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một người dân sở hữu nhiều kỷ vật quý hiếm thời kháng chiến 

Cập nhật ngày: 14/06/2024 - 09:18

BTNO - Gần 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Nhứt, 52 tuổi, ngụ ấp Vịnh, xã An Cơ, huyện Châu Thành âm thầm sưu tầm cho mình nhiều kỷ vật quý hiếm thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Điều đáng ghi nhận, ông Nhứt kiếm sống bằng nghề xe ôm với thu nhập không bao nhiêu.

Ông Nhứt nâng niu tờ báo Quân Giải Phóng.

2 tờ báo cách mạng, 2 triệu đồng không bán

Ông Nhứt kể, gần 20 năm trước, ông chạy xe ôm mưu sinh ở thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu. Năm 2006, ông thấy một người dân bán thùng đạn đại liên của Mỹ, trong thùng đạn ấy có 2 tờ báo cách mạng: Tờ báo Giải Phóng của cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, số ra ngày 29.5.1969 và tờ báo Quân Giải Phóng của cơ quan Các lực lượng võ trang Nhân dân miền Nam Việt Nam, số ra ngày 20.6.1969.

Người bán cho biết ông làm nghề tìm sắt bán cho vựa ve chai, thùng đạn này ông đào được ở gần biên giới Việt Nam - Campuchia. Người đàn ông này rao bán thùng đạn đại liên vài chục ngàn đồng, nhưng bán 2 tờ báo cách mạng với giá 250 ngàn đồng.

Tờ báo Quân Giải Phóng được ép nhựa cẩn thận và có người trả giá 1 triệu đồng, ông Nhứt không chịu bán.

Ông Nhứt nhớ lại: “Lúc đó, tôi chạy xe ôm thu nhập rất ít, phải để dành tiền mua gạo nuôi gia đình, nhưng thấy trong báo có đoạn viết về quân và dân Tây Ninh thi đua lập thành tích nhiệt liệt chào mừng Chánh phủ cách mạng lâm thời. Mình là người con của tỉnh, thấy địa phương mình được đăng lên báo, tôi tự hào lắm, quyết định dốc hết số tiền dành dụm mua lại 2 tờ báo. Lúc đó, nhiều người nói tôi bị khùng. Tiền chạy xe ôm không đủ nuôi vợ nuôi con mà mua 2 tờ báo cũ với giá quá cao”. Sau khi mua được 2 tờ báo, ông Nhứt đem những kỷ vật này đi ép nhựa và treo trên vách nhà. Hằng ngày có bà con trong xóm đến xem và đọc lại những bài báo thời kỳ miền Nam chưa giải phóng.

Tiếng đồn về 2 tờ báo cách mạng lan truyền, những năm sau đó, có người chuyên sưu tầm đồ cổ tìm đến ông, gạn hỏi mua lại 2 tờ báo với giá 2 triệu đồng. Mặc dù thời điểm đó, thu nhập từ nghề xe ôm không bao nhiêu, nhưng ông Nhứt kiên quyết không bán.

Biết quý trọng báo chí là vậy, nhưng sau đó, có cán bộ của Bảo tàng tỉnh Tây Ninh đến xem và ngỏ ý muốn đem những hiện vật quý này về trưng bày phục vụ khách tham quan, ông Nhứt liền đồng ý. Ông Nhứt hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh tờ báo Giải Phóng, chỉ giữ lại cho mình tờ báo Quân Giải Phóng.

Đồng tiền xu và những tờ tiền có in hình chân dung Bác Hồ, phát hành năm 1946.

Năm 2010, vợ ông bị bệnh nặng qua đời, ông Nhứt về ấp Vịnh (xã An Cơ, huyện Châu Thành) sinh sống. Người đàn ông 52 tuổi này vẫn giữ gìn cẩn thận tờ báo Quân Giải Phóng trong nhà của mình. Hiện tại, lớp nhựa ép bên ngoài tờ báo đã có vài chỗ bong tróc. Mặt báo đã ngả sang màu vàng sẫm, nhưng những dòng tin tức và hình ảnh trên báo còn rất rõ. Tờ báo in khổ lớn, trên trang bìa trang trọng đăng tin: “Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam thành công rực rỡ, Chính phủ Cách mạng lâm thời và Hội đồng cố vấn Chính phủ đã được thành lập”.

Dưới dòng tít này đăng toàn văn Điện chúc mừng của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà Phạm Văn Đồng, danh sách Chính phủ Cách mạng lâm thời, danh sách Hội đồng cố vấn Chính phủ và giới thiệu những nội dung nghị quyết cơ bản của Đại hội đại biểu quốc dân (trang 2), Chương trình hành động của Chánh phủ Cách mạng lâm thời (trang 3)...

Trên trang 7 có bài “Thi đua lập thành tích nhiệt liệt chào mừng Chánh phủ cách mạng lâm thời” phản ánh về hoạt động của quân và dân ở nhiều địa phương như An Giang, Mỹ Tho, Thừa Thiên, Gia Lai, Quảng Nam, Tây Ninh… Đoạn viết về Tây Ninh có nội dung: “Ở Tây Ninh, hoà nhịp với chiến công diệt 600 tên Mỹ - nguỵ, phá huỷ 47 xe tăng ở Gò Nổi và Bàu Tràm... 4 giờ 30 phút ngày 11.6, LLVT nhân dân giải phóng Tây Ninh đã tập kích một Đại đội Mỹ đóng dã chiến ở Bàu Sen… tiêu diệt đại đội này giết và làm bị thương 100 tên Mỹ... Bị đòn đau, ngay sau đó, địch liều lĩnh cho một cánh quân có xe tăng, xe bọc thép đến giải vây nhưng bọn này vừa mò đến Bàu Sen thì lọt vào trận địa phục kích của quân ta. Các chiến sĩ quân giải phóng Tây Ninh đã bất thần nổ súng đánh địch quyết liệt, diệt 170 tên Mỹ, phá huỷ 24 xe M113…”.

Một số cổ vật thời kỳ đồ đá, đồ đồng của ông Nhứt.

Trang 8 của tờ báo đăng tin: “Hà Nội Mít-tinh trọng thể chào mừng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam”, bài: Tại Hội nghị Pa-ri: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình tuyên bố: “Mỹ phải nói chuyện nghiêm chỉnh với đại biểu của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trên cơ sở giải pháp toàn bộ của Mặt trận”...

Nhiều kỷ vật quý hiếm thời kháng chiến

Ngoài 2 tờ báo cách mạng nêu trên, trong quá trình hành nghề xe ôm ở khắp nơi, hễ thấy ai rao đồ cổ, đặc biệt là những kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông Nhứt đều tiết kiệm để mua. Khi chúng tôi đến thăm, trong tủ kính nhà ông cất giữ một số vật cổ như 3 lưỡi rìu, 1 lưỡi giáo bằng đá, 3 lưỡi rìu bằng đồng. Những dụng cụ bằng đá có phần sứt mẻ, vũ khí bằng đồng cũng đã oxy hoá khá nhiều, có lưỡi giáo bằng đồng đã bắt đầu bị mục. Trong một chiếc tủ khác, gia chủ trưng bày nhiều kỷ vật thời kháng chiến chống Mỹ như chiếc ba lô, nón tai bèo, nón cối, ví (bóp), hộp đựng thuốc, đôi dép râu, những chiếc đèn dầu, dao cạo râu của bộ đội Cụ Hồ...

Tượng Bác Hồ bằng đồng.

Trong tủ còn có chiếc bình cắm hoa được đúc bằng nhôm, trên thân bình có dòng chữ in “Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam”, bên dưới dòng chữ có in hình lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với 2 màu xanh, đỏ, ngôi sao vàng ở giữa. Bên mặt còn lại của chiếc bình in hình cô thôn nữ xắn quần cấy lúa dưới rặng tre làng. Chủ nhà còn lấy cho tôi xem chiếc cốc bằng sắt được sơn màu trắng, bên ngoài cốc có sơn hình dân quân cầm vũ khí với thế tiến công dưới lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.

Ông Nhứt còn sở hữu khá nhiều sách liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như “Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên; “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh. Ông Nhứt còn sở hữu 3 tấm bản đồ Diễn biến chiến dịch Tây Nguyên, từ ngày 4.3 đến ngày 3.4.1975; Diễn biến chiến dịch Huế - Đà Nẵng, từ ngày 21.3 đến ngày 29.3.1975; Diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh, từ 17 giờ ngày 26.4 đến 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975.

Sách “Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên.

Ngoài ra, ông Nhứt còn những đồng tiền xu, tờ tiền giấy mệnh giá 50 đồng, 100 đồng có in chân dung Bác Hồ, phát hành năm 1946; tượng Bác Hồ bằng đồng; bộ lư đồng, tủ thờ, đôi liễn cẩn ốc xà cừ và một số máy hát bằng đĩa than, radio; nhiều tài liệu lịch sử chứng minh chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam…

Ông Nhứt cho biết thêm, sau khi về ấp Vịnh sinh sống, bên cạnh việc hành nghề xe ôm, ông còn làm môi giới sang nhượng đất đai. Nhờ vậy, ông có điều kiện mua sắm, trao đổi với những người yêu thích đồ cổ nên có thêm nhiều kỷ vật quý hiếm thời kháng chiến.

Hiện nay, thị trường bất động sản đóng băng, nghề xe ôm cũng lạc hậu, ông trở nên thất nghiệp. Mặc dù đời sống kinh tế hạn hẹp nhưng ông vẫn quyết tâm giữ gìn những kỷ vật này đến cuối đời chứ không chịu bán. Ông Nhứt tâm sự: “Khi nào tuổi cao sức yếu, tôi sẽ hiến tặng những tài liệu, sách, báo này cho Bảo tàng Nhà nước để được bảo quản tốt hơn, góp phần giới thiệu cho thế hệ trẻ biết thêm về lịch sử dân tộc”.

Đại Dương