Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với thiết bị này, thời gian gieo sạ mỗi ha lúa chỉ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, với “ê kíp” 2 người (lái máy kéo, châm lúa giống vào hộc chứa).
Ông Bích gieo sạ lúa vụ Mùa 2020 bằng thiết bị cơ giới.
Ông Phạm Văn Bích (ngụ xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) là một trong số ít nông dân đầu tiên trong tỉnh hiện đang sản xuất giống lúa chất lượng cao, khá quý hiếm trong nước. Ông Bích cho biết, đó là giống lúa ST25 – một trong những giống lúa gạo được đánh giá nằm trong top “ngon nhất thế giới”.
“Trong quá trình đi tìm giống lúa ngon về canh tác, tôi may mắn gặp được một người quen công tác ở ngành nông nghiệp ngoài tỉnh chia sẻ cho giống lúa quý này. Tôi mừng lắm nên háo hức đem về trồng ngay”, ông Bích chia sẻ.
Vụ Hè Thu vừa qua, dù năng suất chưa đạt theo yêu cầu, bởi ông chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và các yếu tố liên quan về thổ nhưỡng, thời tiết đối với giống lúa này, nhưng hiệu quả mang lại rất khả quan.
Hiện nay, giá lúa ST25 được ông Bích bán cho một đầu mối thu mua với giá 6.000 đồng/kg, cao hơn 1.500 đồng/kg so với hầu hết các giống lúa đang được nông dân trong tỉnh canh tác.
Bên cạnh đó, để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm sản xuất kịp thời vụ, ông Bích đã tự tìm hiểu, học hỏi trên mạng và từ thực tế ở nhiều nơi... ông đã cải tiến thành công thiết bị gieo sạ hàng bằng máy kéo. Thiết bị này được “lắp ghép” từ nhiều bộ phận của nhiều các loại máy móc, công cụ khác và cho hiệu quả ban đầu khá tốt.
Theo ông Bích, với thiết bị này, thời gian gieo sạ mỗi ha lúa chỉ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, với “ê kíp” 2 người (lái máy kéo, châm lúa giống vào hộc chứa). Theo ông Bích, lúa được gieo sạ bằng cơ giới lên rất đều, đẹp, dễ chăm sóc, phát triển tốt và dự kiến sẽ cho năng suất cao hơn so với gieo sạ bằng tay.
Ông Bích cho biết thêm, sau vụ Mùa, ông dự kiến sẽ cải tiến hộc chứa sao cho chứa được nhiều lúa giống hơn, thời gian châm lúa vào cũng sẽ nhanh hơn.
An Khang