BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một nông dân cần cù lao động, sáng tạo, đạt hiệu quả kinh tế 

Cập nhật ngày: 19/06/2019 - 15:53

BTN - Mặc dù học vấn không cao, nhưng ông Phạm Văn Toại (sinh năm 1960, ngụ ấp B4, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) luôn cầu thị, phát huy tính sáng tạo và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhờ vậy, nghề nuôi ba ba và cá lóc bông của gia đình ông Toại luôn đạt hiệu quả cao.

Ông Toại hướng dẫn chúng tôi tham quan các máy phân lường thức ăn cho ba ba.

Năm 1994, gia đình ông Toại từ tỉnh Hậu Giang chuyển đến xã Phước Minh làm ăn sinh sống. Vùng đất mới, ông Toại gặp không ít lận đận. Ban đầu, ông Toại và một số người khác làm nghề nuôi cá lóc và cá diêu hồng bằng lồng bè dưới kênh Tây để làm kế sinh nhai. Năm 2005, chính quyền địa phương và ngành chức năng không cho phép nuôi cá dưới kênh Tây nữa, vì những lồng bè nuôi cá gây cản trở dòng chảy kênh chính.

Ông Toại chuyển lồng bè vào trong hồ Dầu Tiếng. Cũng được một thời gian, lồng bè này có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, chính quyền địa phương và ngành chức năng lại thông báo giải tán nghề nuôi cá trong hồ. Gia đình ông Toại đành chia tay với nghề nuôi cá, lên đất liền sang nhượng lại một phần đất gần bờ hồ, cất trang trại, chuyển sang nghề nuôi bò và dê. “Lúc đó, tôi mua 50 con bò giống về nuôi, nhưng không biết cách chăm sóc nên bò không đẻ và bệnh bị lở mồm long móng, lỗ nặng”, ông Toại nhớ lại.

Chán nản, năm 2007, ông Toại giải tán hết các đàn gia súc và lặn lội sang tỉnh Ðồng Nai tìm học nghề nuôi ba ba. Sau khi học hỏi kiến thức, ông mua 2.000 con ba ba giống về nuôi. Thời điểm đó, trong hồ Dầu Tiếng còn nhiều người làm nghề đánh bắt cá con, bán ra thị trường với giá rẻ. Ông Toại tận dụng nguồn thức ăn dồi dào này làm thức ăn cho ba ba. Nhờ giá thành chăn nuôi thấp, nên ngay sau đợt thu hoạch đầu tiên, ông có lãi một khoản tiền tương đối khá.

Từ đó, người nông dân này quyết tâm theo nghề nuôi ba ba. Mỗi năm, ông Toại tích cóp tiền bạc, mở rộng quy mô chăn nuôi ngày càng lớn. Hiện nay, ông Toại đã đầu tư xây dựng được 25 ao kiên cố bằng xi măng, trên diện tích 1,5 ha và đang nuôi 5.000 con ba ba giống, 40.000 con ba ba thịt. Trung bình, mỗi năm ông Toại thu hoạch được 40 tấn ba ba. Trừ các khoảng chi phí, bình quân mỗi năm ông lãi hơn 1,5 tỷ đồng từ các ao nuôi ba ba. “Tôi vừa đầu tư mở rộng thêm 1 ha đất nuôi ba ba nữa. Hiện tại, ba ba sinh trưởng tốt, chưa thu hoạch nên chưa tính toán lời lãi bao nhiêu”, người nông dân này cho hay.

Mỗi vụ ba ba nuôi từ 14-18 tháng mới thu hoạch. Thấy thời gian nuôi loại thuỷ sản này hơi lâu, những năm gần đây, ông Toại đầu tư 1 ha đất, xây ao nuôi cá lóc bông. Thời gian nuôi cá lóc bông ngắn hơn, chỉ 7 tháng/vụ. Hiện nay, trung bình mỗi năm lão nông này bán ra thị trường được 20 tấn cá lóc bông thương phẩm. “Bán cá lóc bông được giá 60.000 đồng/kg. Giá cả khi lên, khi xuống, vì vậy có năm lời nhiều, có năm huề vốn”, ông Toại nói.

Gần đây, đến tham quan trang trại của ông, chúng tôi thấy ông Toại sử dụng thành thạo loại kính hiển vi rất hiện đại để phân tích mẫu nước trong các ao nuôi ba ba và cá lóc bông. “Tôi chỉ học văn hoá đến lớp 7, lớp 8 trường làng, nên phải dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi cách sử dụng kính hiển vi này từ mạng internet. Hằng ngày, tôi thường xuyên lấy mẫu nước của các ao cá, ao ba ba đem lên soi xét. Nếu thấy trong nước có vi khuẩn lạ là phải lập tức gửi mẫu đến những kỹ thuật viên của công ty cung cấp cá giống, ba ba giống để nhờ tư vấn xử lý nước trong ao. Nếu nước ô nhiễm hoặc mang mầm bệnh mà mình không biết, để lâu ngày sẽ dẫn đến gây bệnh cho các ao”, ông Toại giải thích.

Ngoài việc dùng kính hiển vi để theo dõi mẫu nước trong các ao, người nông dân này còn tự mày mò chế tạo ra máy phân lường thức ăn cho ba ba được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Ông Toại giải thích: “Ngoài thức ăn cho ba ba là các loại cá con, người nuôi ba ba còn dùng cám thức ăn công nghiệp dạng viên. Mỗi khi cho ba ba ăn, nhân công phải vác bao cám đổ trên sân xi măng xây có độ dốc xuống trong ao.

Tuy nhiên, không phải lúc nào ba ba cũng ăn hết cám ngay khi vừa đổ xuống và nếu gặp mưa, cám sẽ bị tan rã, khiến ba ba không ăn được”. Ðể khắc phục tình trạng này và tiết kiệm chi phí thuê công nhân, ông Toại đã dành thời gian nghiên cứu một loại máy vừa chứa cám thức ăn để không bị tác động bởi thời tiết, vừa đỡ phải thuê mướn người làm. Sau hai năm mày mò, cuối cùng ông đã chế tạo thành công loại máy phân lường thức ăn này. Ông Toại hướng dẫn chúng tôi tham quan các ao ba ba phía sau nhà.

Hiện tại, ông Toại đã lắp đặt được 5 máy phân lường thức ăn cho 5 ao ba ba. Mỗi máy gồm các bộ phận như thùng chứa cám thức ăn làm bằng tôn, có nắp đậy kín; mô tơ điện, loại công suất nhỏ; van đóng - mở, máng dẫn cám thức ăn; bộ phận nhận tín hiệu từ sóng wifi, 3G… Các máy này được đặt trên một khung sắt, để trong bờ ao nuôi ba ba.

Ông Toại lấy chiếc điện thoại màn hình cảm ứng trong túi ra, mở điện thoại lên và bấm lệnh điều khiển. Lúc này các máy phân lường thức ăn đồng loạt khởi động bằng mô tơ điện và xả cám thức ăn xuống các bãi chứa trong ao. Nghe có thức ăn, các chú ba ba ngoi lên mặt nước, leo lên bãi ăn cám. Sau một lúc, máy xả thức ăn vừa đủ cho ba ba ăn một đợt, ông Toại bấm lệnh dừng, lập tức tất cả các máy đều dừng hoạt động.

“Bây giờ, tôi không còn vất vả và lãng phí thức ăn cho ba ba như trước đây nữa. Ngồi trong nhà, trong quán cà phê hay đi bất cứ nơi đâu có sóng wifi, 3G, tôi đều sử dụng điện thoại để điều khiển các robot này cho ba ba ăn”.

Anh Ðỗ Hoàng Phúc- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Minh cho hay, năm 2009, ông Toại được kết nạp vào Hội Nông dân. Từ đó, ông Toại luôn gắn bó với Hội và tham gia các phong trào ở địa phương, ông thường xuyên phổ biến những kinh nghiệm sản xuất cho hơn 22 nông dân tại địa phương, tạo việc làm cho 13 người thu nhập hằng tháng từ 5 đến 6 triệu đồng, giúp đỡ cho 6 người có hoàn cảnh khó khăn về kinh nghiệm chăn nuôi và nguồn vốn nên có 4 hộ đã thoát nghèo.

Khi bà con nông dân khó khăn, ông Toại hỗ trợ vốn không tính lãi. Ông Toại còn thường xuyên giúp đỡ học sinh nghèo, ủng hộ quỹ chất độc da cam của xã. Trong năm qua, ông Toại được công nhận đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở và gia đình văn hoá.

Ðại Dương