Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một nông dân ở xã Thạnh Đức (Gò Dầu) trồng sâm bố chính thu nhập cao 

Cập nhật ngày: 10/05/2023 - 08:15

BTN - Ông Trương Anh Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu giới thiệu mô hình trồng sâm bố chính nằm giữa vườn cao su và vườn sầu riêng ở ấp Bến Rộng đang vào vụ thu hoạch.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Gò Dầu và xã Thạnh Đức tham quan mô hình trồng sâm bố chính của anh Trọng.

Anh Nguyễn Tôn Trọng (sinh năm 1974), chủ vườn sâm bố chính cho biết, cách đây khoảng 10 năm, có một lương y ở huyện Hoà Thành (nay là thị xã Hoà Thành) biếu anh hơn 10 hạt cây giống. Vị này cho biết: "Đây là cây dược liệu quý, trồng thử đi, bông và củ nó dùng rất tốt", nên anh đem về trồng thử. Lúc đó anh Trọng chỉ biết đây là một loại sâm, nhưng không biết tên cụ thể.

Sau có người bạn cũng ở Hoà Thành mang hạt giống xuống mời anh hợp tác trồng. Người bạn này cho biết đó là hạt giống sâm bố chính. Từ đó anh hợp đồng với một công ty thu mua. Qua mấy mùa thu hoạch, gia đình anh Trọng có nguồn thu nhập đáng kể.

Hiện anh Trọng trồng 60 cao (6.000m2) cây sâm bố chính, với hơn 2 tháng tuổi, đang ra hoa. Hoa có 5 cánh đỏ trắng, nhuỵ vàng nhìn khá đẹp mắt, sâm cũng bắt đầu ra củ. Anh Trọng đang thu hoạch hoa sâm.

Anh Trọng cho biết, sâm bố chính dễ trồng, lợi nhuận cao so với một số cây hoa màu khác. Muốn trồng sâm bố chính, trước hết phải làm đất thật kỹ, rồi bón lót phân chuồng và nhất là phải bón vôi. Sau đó làm thành từng luống, mỗi luống rộng 1,2m, cao khoảng 3 tấc, rồi phủ tăng, gieo hạt giống.

Cây cách cây 3 tấc, mỗi luống trồng 4 hàng. Hạt giống thì mua ở công ty giống. Trồng sâm bố chính không chỉ thu hoạch củ, mà còn thu hoạch hoa. Sau khi gieo trồng khoảng hơn 2 tháng, sâm trổ hoa và bắt đầu có thu hoạch. Hoa sâm bố chính được sấy, hoặc phơi khô làm trà.

Trồng từ 6 đến 9 tháng là có thể thu hoạch củ, nhưng để lâu hơn thì củ lớn và chất lượng hơn. Củ sâm bán cho công ty thu mua theo hợp đồng. Theo anh Trọng, trồng sâm bố chính có lợi nhuận cao. Với năng suất trung bình, mỗi vụ anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha (sau khi trừ các chi phí đầu tư).

Tuy nhiên, vốn đầu tư cho cây trồng này cũng khá cao (khoảng 100 triệu đồng/ha). Do đó, đòi hỏi người trồng phải có vốn nhiều. Điều đáng lưu ý, để bảo đảm đầu ra sản phẩm, trước khi trồng sâm bố chính, người trồng cần phải ký hợp đồng với công ty thu mua.

Ông Trương Anh Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức cho biết, mô hình trồng sâm bố chính của anh Trọng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại hoa màu khác có thể nhân rộng ở địa phương.

D.H