Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành hiện có hơn 30ha diện tích trồng củ khoai môn, với gần 100 hộ tham gia sản xuất.
Trước đây, khoai môn chỉ được thương lái thu mua nguyên củ còn vỏ với giá thấp, nhiều mùa vụ người trồng củ môn luôn trong tình trạng được mùa mất giá.
Qua khảo sát thị trường, nhận thấy khoai môn bóc vỏ có giá bán cao, được người tiêu dùng ưa chuộng nên ông Nguyễn Thành Đước (ngụ ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà) đã nghiên cứu, sáng chế ra chiếc máy bóc vỏ khoai môn này.
Máy bóc vỏ củ khoai môn do ông Đước sáng chế. |
Theo ông Đước, trong những năm qua, khi thu hoạch khoai môn, các củ khoai nhỏ được các thương lái thu mua với giá thấp nên người dân đã mang về rửa sạch, rồi gọt vỏ bằng tay và mang ra thị trường bán nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Tuy nhiên, việc bóc vỏ như vầy rất mất thời gian. Thấy vậy, ông Đước tìm cách cải tiến phương pháp gọt vỏ thủ công bằng máy.
Để có máy bóc vỏ khoai môn tăng sản lượng, ban đầu ông Đước mua một cống xi măng cao 1m, đường kính 1m, một mô tơ 3 ngựa, bộ vi xoay củ, 30 kg sắt và một số vật tư khác để phục vụ trong việc sáng chế máy. Tổng chi phí đầu tư cho máy khoảng 5 triệu đồng. Phần còn lại ông tận dụng những vật dụng cũ kỹ trong nhà để tự thiết kế cho đến khi hoàn chỉnh và sử dụng tốt.
Với cách bóc vỏ truyền thống, mất 20 phút người làm gọt được 15 kg khoai môn thương phẩm, năng suất thấp, hiệu quả không cao và chất lượng củ bị thâm đen, không hấp dẫn người tiêu dùng. Trong khi đó, bóc vỏ bằng máy năng suất tăng gấp 10 lần, trong 20 phút máy bóc được 130 kg khoai sạch, nhìn rất đẹp mắt.
Ông Đước cho biết, ông sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm sáng chế máy bóc vỏ củ môn cho những hộ dân xung quanh, giúp nhiều hộ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất tại địa phương.
Nhi Trần