Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Người dân ấp Trà Sim (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) lâu nay vốn nghèo khó nay phải chịu thiệt thòi ngay cả trong việc đi lại sản xuất. Bà con rất mong các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng sớm quan tâm xem xét xử lý, để “ốc đảo” này được khai thông…

Trên bản đồ địa chính ở khu vực ranh giới giữa hai xã Ninh Điền, huyện Châu Thành và xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, có một khu đất diện tích khoảng hơn 20 ha, thuộc tờ bản đồ số 17, ấp Trà Sim, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Trước đây, khi Nhà nước chưa giao đất cho Công ty Lâm sản Sài Gòn khai hoang trồng rừng, người dân đi lại theo các con đường mòn, trong rừng. Đến khi khu này được giao cho Công ty Lâm sản Sài Gòn để trồng cây keo, người dân phải đi lại theo đường băng chống cháy do phần lớn các đường mòn đã bị san ủi để lấy đất trồng rừng.
Đầu năm 2010, Công ty Lâm sản Sài Gòn tiến hành khai thác rừng trồng và chuyển sang trồng cây cao su. Đến cuối tháng 8.2010, Công ty đã cho đào mương đắp bờ bao xung quanh diện tích đất với chiều rộng và chiều sâu khoảng 2m để ngăn trâu, bò, thoát nước, chống mất cắp mủ cao su. Do vậy đã làm bít lối tất cả các ngả đường đi lại của người dân tại khu vực này. Do vậy mọi hoạt động sản xuất đều bị ngưng trệ, vì không có đường vận chuyển vật tư nông nghiệp, máy cày vào cày đất, nhiều diện tích đất hiện phải bỏ hoang, một số cây trồng khác không thể vào cày chăm sóc.
![]() |
Con mương mới đào và lối đi được Công ty Lâm sản Sài Gòn chừa lại |
Vấn đề này người dân đã phản ánh và yêu cầu Công ty Lâm sản Sài Gòn tạm ngưng móc bờ bao để chờ Nhà nước cho làm đường giao thông cho người dân, nhưng Công ty không đồng ý. Hiện nay trên phần đất này Công ty đã bỏ rất nhiều gốc cây, một số hố bom, không thể đi lại được.
Khi người dân phản ánh sự việc trên với chính quyền xã Ninh Điền và được trả lời rằng: Công ty Lâm sản Sài Gòn đã làm đúng trên phần đất được giao và xã có thoả thuận với công ty là “cho người dân thả cống để đi tạm qua mương, còn nếu muốn làm đường thì làm trên phần chiều rộng 3m do Công ty chừa lại. Muốn mở rộng đường thì chờ xin chủ trương vì vấn đề này không thuộc thẩm quyền của xã”.
Người dân sản xuất tại đây cho biết, hiện tại nếu muốn có được con đường đi lại dễ dàng, phải tốn rất nhiều kinh phí, ngoài khả năng của những hộ dân nghèo nơi đây.
Hiện tại nơi đây trở thành một “ốc đảo” biệt lập. Đồng thời kể từ khi Công ty Lâm sản Sài Gòn đến đây để “trồng cao su trên phần đất được giao để trồng rừng sản xuất”, thì phía giáp với xã Long Chữ, huyện Bến Cầu cũng không có để đường đi lại.
Người dân nơi đây lâu nay vốn nghèo khó nay phải chịu thiệt thòi ngay cả trong việc đi lại sản xuất. Bà con rất mong các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng sớm quan tâm xem xét xử lý, để “ốc đảo” này được khai thông…
ĐĂNG THANH