Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Một phiên toà có nhiều tranh cãi
Thứ hai: 07:33 ngày 02/02/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Sáng 27.1, TAND huyện Châu Thành đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội “Huỷ hoại tài sản” đối với bị can Nguyễn Hoàng Hải (SN 1966, ngụ tổ 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Tây Ninh). Sau một ngày xét xử, cuối giờ chiều chủ toạ phiên toà Ninh Thị Ngọc Cẩm tuyên hoãn phiên xử để tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan đến tài sản thiệt hại và căn cứ buộc tội.

Phần tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm sát và luật sư tại phiên toà.

Ai bị hại ?

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành, vào năm 2011, ông Võ Quốc Tiến (SN 1958, ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu) được mẹ vợ là bà Trương Thị Mật (SN 1934, ngụ ấp Xóm Mới 1, xã Trí Bình, huyện Châu Thành) cho mượn đất, trong đó có phần đất diện tích 14.967,8m2 toạ lạc tại khu phố 3, thị trấn Châu Thành để canh tác, thời hạn mượn đất là 6 năm.

Khi mượn đất, ông Tiến không làm hợp đồng nhưng có sự chứng kiến và xác nhận của anh, chị, em bên vợ. Sau khi mượn đất, ông Tiến tiến hành cải tạo và canh tác được phần đất diện tích 11.600m2, trong đó hợp đồng với Nhà máy đường Biên Hoà trồng 7.600m2 mía, thời hạn 3 vụ liên tiếp- kể từ tháng 10.2012 đến hết tháng 4.2016.

Ngày 6.11.2013, Nguyễn Hoàng Hải là con ruột bà Trương Thị Mật, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất diện tích 14.967,8m2 nêu trên. Lúc này ông Tiến đang canh tác vụ mía thứ 3 và trồng thêm 4.000m2 mì trong phần đất diện tích 11.600m2. Ông Hải yêu cầu ông Tiến trả lại đất của mình để xây dựng nhà máy cồn và có đơn khiếu nại.

Ngày 7.1.2014, vụ việc được Ban hoà giải thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành thụ lý. Tại buổi làm việc, ông Tiến đồng ý trả đất lại cho ông Hải với điều kiện ông Hải phải bồi thường thiệt hại hoa màu trên đất cho ông, nhưng ông Hải không đồng ý, do đó hoà giải không thành.

Đến ngày 27.1.2014, ông Hải thuê người đến phun thuốc diệt cỏ và thuốc khai hoang, do đó đã huỷ hoại 7.600m2 mía gốc đang phát triển và 4.000m2 mì ông Tiến mới trồng khoảng 30 ngày. Ngày 29.1.2014, gia đình ông Tiến phát hiện sự việc nên đến Công an thị trấn Châu Thành trình báo.

Ngày 13.2.2014 Công an thị trấn Châu Thành mời ông Tiến và Hải đến hoà giải lần thứ hai, hai bên vẫn giữ nguyên ý kiến như lần hoà giải thứ nhất. Đến ngày 20.3.2014, Ban hoà giải thị trấn Châu Thành tiếp tục mời hai bên đến hoà giải lần thứ ba, ông Tiến yêu cầu bồi thường số tiền 43 triệu đồng, ông Hải chỉ đồng ý hỗ trợ số tiền 10 triệu đồng, hoà giải tiếp tục không thành, sau đó ông Tiến làm đơn tố cáo hành vi của ông Hải. Qua quá trình điều tra, ông Hải không thừa nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên.

Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Châu Thành, tổng thiệt hại cả mía và mì là 65,2 triệu đồng. Ông Nguyễn Hoàng Hải bị truy tố về tội “Huỷ hoại tài sản” theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. 

Những vấn đề cần làm rõ

Như đã nói ở trên, bị can Nguyễn Hoàng Hải không thừa nhận hành vi huỷ hoại tài sản của ông Tiến như cáo trạng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành truy tố.

Ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, phần đất trên thuộc quyền sử dụng của ông vì ông có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2013, khi biết gia đình ông Võ Quốc Tiến canh tác trên diện tích đất của mình, vì tình nghĩa gia đình, ông Hải đã không làm lớn chuyện mà chỉ thông báo cho ông Tiến rằng sau khi thu hoạch xong vụ mía 2013 thì trả lại đất cho ông.

Tuy nhiên, đến ngày 6.1.2014, sau khi thu hoạch xong, ông Tiến lại tiếp tục kêu người đến cày đất chuẩn bị vụ mới. Ông Hải đến ngăn cản thì các con ông Tiến xông vào đòi hành hung. Ông Hải trình báo và chính quyền địa phương đến hiện trường lập biên bản, yêu cầu ông Tiến ngưng việc cày đất, chờ giải quyết.

Đến ngày 7.1.2014, UBND thị trấn Châu Thành mời ông Hải cùng ông Tiến đến tiến hành hoà giải. Tại buổi làm việc, Hội đồng hoà giải yêu cầu “ông Tiến trả lại phần đất đã cày, còn phần diện tích trồng mía thì ông Tiến gặp ông Hải để thương lượng thuê đất”. Tuy nhiên, hơn 20 ngày sau, phía ông Tiến không đến gặp ông Hải để thương lượng. Từ đó ông Hải nghĩ rằng phía ông Tiến đã bỏ, không canh tác trên đất này nữa và kêu người đến xịt thuốc cỏ để dọn dẹp, chuẩn bị làm dự án. Như vậy, động cơ và mục đích của ông Hải không phải cố tình huỷ hoại mì của ông Tiến.

Tại phiên toà, việc định giá tài sản thiệt hại đã nảy ra tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà và luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Hoàng Hải. Theo luật sư, việc định giá tài sản là không khách quan, không được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc xác định thiệt hại rất quan trọng bởi lẽ giá trị tài sản thiệt hại là căn cứ vào hành vi của bị cáo có vi phạm pháp luật hình sự hay không. Trong vụ án này, hội đồng định giá đã không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, điều đó có thể khiến ông Hải sẽ bị oan sai trong xét xử.

Ngoài ra, luật sư của bị cáo Hải cũng khẳng định là việc không mời các đương sự liên quan để tham dự phiên họp định giá tài sản theo Khoản 4 Điều 16 Nghị định 26 là không khách quan, vi phạm nghiêm trọng về các quy định của pháp luật. Đồng thời Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự không đúng chuyên môn. Do đó luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại việc định giá tài sản thiệt hại và các căn cứ buộc tội ông Hải trong vụ án này.

Ngoài vấn đề về định giá tài sản, luật sư của bị cáo Hải đã nêu thêm một số vấn đề khác như: tài sản của bị hại là tài sản bất hợp pháp nên không được pháp luật bảo vệ; việc xác định bị hại trong vụ án này là không đúng; đây không phải là một vụ án hình sự mà là một vụ án dân sự; hành vi của ông Hải không đủ yếu tố cấu thành tội huỷ hoại tài sản...

Từ những nội dung còn gây tranh cãi, Hội đồng xét xử tuyên bố hoãn phiên toà, sẽ được mở lại vào ngày 5.2.2015.

Đức An

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục