Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thị trấn Dương Minh Châu
Một phụ nữ tử vong vì bị ong “mặt quỷ” đốt
Thứ sáu: 16:26 ngày 18/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dù được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh tận tình cứu chữa, nhưng do sốc phản vệ sau khi bị ong “mặt quỷ” đốt gần 200 nốt, chị N.T.K.Y, sinh năm 1972, ngụ tại tổ 3, khu phố 2, thị trấn huyện Dương Minh Châu đã không qua khỏi.

Cây xoài bị đốn hạ, tổ ong được gia đình tiêu huỷ ngay sau đó.

Gia đình cho biết, chồng chị N.T.K.Y là tài xế chạy xe khách, thường xuyên vắng nhà. Vào khoảng 12 giờ trưa ngày 15.8, phát hiện có con rắn bò từ trên mái nhà nơi tiếp giáp với cây xoài ở phía sau nhà, chị N.T.K.Y cầm dao ra phạt nhánh cây.

Không ngờ phía trên cây xoài có một tổ ong “mặt quỷ” khá lớn, bị động tổ, bầy ong lập tức tấn công, chị chạy vội vào nhà nấp, nhưng vẫn không thoát được. Trước khi bất tỉnh, N.T.K.Y kịp tri hô cho mọi người cảnh giác. Chị được bà con hàng xóm đưa đến Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu, sau đó được chuyển nhanh đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị N.T.K.Y bị ong “mặt quỷ” đốt gần 200 nốt đốt, tình hình sức khoẻ tiên lượng rất xấu. Ngay lập tức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hội chẫn với bệnh viện tuyến trên và tiến hành điều trị bằng phương pháp dùng thuốc vận mạch, chống sốc điều trị theo phác đồ, đồng thời giảm đau, truyền dịch cho người bệnh, ngăn biến chứng nặng hơn.

Đến sáng ngày 18.8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục cấp cứu, nhưng không qua khỏi.

Được biết nọc của ong mặt quỷ rất độc và nguy hiểm không kém nọc rắn, có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng. Mọi người cần cảnh giác quan sát những tán cây cao gần nhà, không để loài ong làm tổ gây thiệt hại đến gia đinh và xã hội.

Khi bị ong đốt, nạn nhân cần nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong, lấy vòi chính của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.

Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm, bôi dung dịch sát trùng như povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày hai lần. Uống nhiều nước để loại thải độc tố. Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau, giảm sưng. Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt nên được chăm sóc và theo dõi cẩn thận, đưa đến bệnh viện để kiểm tra lại.

Trường hợp bị phản vệ mức độ nặng như bất tỉnh, thở chậm hoặc ngừng thở, ngừng tim cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Hoa Hiệp

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục